Giá ngô vẫn có khả năng sẽ tăng kịch trần trong phiên hôm nay
Giá hợp đồng ngô tháng 05 sau khi đóng cửa tăng kịch trần (limit up) trong phiên đầu tuần, đã tiếp tục gapup nhỏ trong sáng nay và duy trì lực mua áp đảo sau đó. Giới hạn giá với các hợp đồng ngô hôm nay vẫn chỉ duy trì ở mức 35 cents, thay vì mở rộng lên mức 55 cents, do chỉ có duy nhất hợp đồng tháng 05 là chạm mức kịch trần trong phiên hôm qua. Mức tăng có sự suy yếu dần đối với các hợp đồng tháng xa, cho thấy thị trường chỉ đang lo ngại về nguồn cung của ngô trong ngắn hạn do các tác động bởi chiến tranh Nga - Ukraine.
Sau cuộc gặp gỡ giữa 2 phái đoàn ngoại giao ở khu vực biên giới Belarus, không có nhiều tiến triển mới cho thấy chiến tranh có thể nhanh chóng kết thúc. Chính quyền Ukraine đưa ra thông điệp sẽ không đầu hàng và kiên quyết đấu tranh tới cùng, đồng thời yêu cầu Nga rút quân. Trong khi đó, hàng đoàn xe quân sự dài tới vài chục km của Nga đang đổ dồn về thủ đô Kiev, và tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng đặt lệnh răn đe hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng cao độ, một động thái cho thấy chính quyền Moscow có khả năng sẽ đẩy sự việc này đi xa nhất có thể, chừng nào đạt được mục tiêu ban đầu của mình là “phi quân sự hóa” Ukraine.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Thị trường Robusta nhiều khả năng sẽ chịu áp lực bán mạnh hơn so với thị trường Arabica vì yếu tố nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/02, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 2.4% về mức 232.9 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn đóng cửa thấp hơn 4% và đạt mức 2090 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa 2 Sở đang ở mức 40% chiết khấu cho giá Robusta.
Hiện tại những diễn biến xung đột giữa Nga và Ukraine là tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước, trong đó dòng tiền đang được luân chuyển vào khối tài sản có tính trú ẩn an toàn cao hơn. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đẩy mạnh rót vốn vào thị trường trái phiếu, từ đó lý giải cho lực bán mạnh trên thị trường cà phê trong phiên ngày hôm qua.
Bên cạnh đó, việc giá cà phê Arabica neo ở mức cao như hiện nay đã gây áp lực lên tâm lý của người tiêu dùng, từ đó khiến cho nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Tiêu thụ cà phê ở khu vực châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây ra. Tồn kho Arabica trên Sở ICE ghi nhận trong ngày 28/02 đã tăng nhẹ lên mức 989,389 bao nhưng vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại đây, do đó những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn sẽ góp phần hạn chế sức bán trên thị trường cà phê.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Các tin tức tích cực về cả nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ sẽ hỗ trợ cho đà tăng của thị trường đồng
Giá đồng giảm phiên thứ hai liên tiếp với mức đóng của thấp hơn 0.7% còn 4.45 USD/pound. Thị trường liên tục gặp sức ép đến từ cuộc khủng hoảng thanh khoản của các tập đoàn bất động sản ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, mới đây, rất nhiều tin tức tích cực đã được công bố và đã cải thiện triển vọng đối với thị trường đồng rất nhiều. Cục Thống kê của Chile, quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới đã công bố sản lượng đồng trong tháng 1 chỉ đạt 429,923 tấn, mức sản lượng hàng tháng thấp nhất kể từ năm 2011. Mức sản lượng này thấp hơn 15% so với tháng trước và thấp hơn 7.5% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nguồn cung đồng trên thế giới có thể bị thắt chặt. Thêm vào đó, sản lượng đồng của Peru cũng nhiều khả năng sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình. Đây là một yếu tố hỗ trợ rất tốt với giá đồng.
Về phía tiêu thụ, Trung Quốc cũng đang không ngừng nới lỏng các chính sách tiền tệ, bằng nhiều hình thức khác nhau bao gồm, cắt giảm lãi suất, giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng, và tăng cường mở rộng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng trong tuần này bất chấp sản lượng dầu tăng từ Nga
Giá dầu tăng trong phiên hôm qua khi các tranh cãi xung quanh sự can thiệp quân đội của Nga vào Ukraine tiếp tục leo thang. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 4.51% lên 95.72 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4.09% lên 97.97 USD/thùng.
Bất chấp Mỹ và NATO vẫn chưa ban hành các luật nào để cấm vận trực tiếp ngành năng lượng của Nga, tuy vậy rủi ro về việc vận chuyển cũng như khả năng Nga trả đũa ngược lại cũng khiến cho giới thương nhân e ngại. Hiện tại, giá dầu thô Urals, sản phẩm chủ lực của Nga đang thấp hơn 10 USD/thùng so với giá Brent.
Thậm chí ngay cả với mức giảm này, cũng không chắc Nga sẽ tìm được người mua toàn bộ số hàng, đặc biệt theo số liệu mới nhất sản lượng dầu của Nga trong tháng 02/2022 tiếp tục tăng 50,000 thùng/ngày lên 11.05 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của giới phân tích, khách hàng tiềm năng nhất là Trung Quốc, tuy nhiên nước này vốn cũng đã có các thỏa thuận khá ưu đãi với Iran, thêm vào đó khả năng cao nhu cầu năng lượng của Trung Quốc cũng sẽ không bùng nổ trong năm nay, do các hạn chế COVID-19 vẫn được áp dụng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV