Phân kỳ âm đối với RSI xuất hiện là dấu hiệu cho thấy giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục suy yếu
Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/02, giá đậu tương đã hồi phục trở lại sau phiên biến động rất mạnh trước đó. Mặc dù đà tăng trong 5 phiên liên tiếp đã bị chặn lại nhưng giá đậu tương hiện vẫn đang ở vùng đỉnh trong 10 năm qua. Không thể phủ nhận các thông tin về địa chính trị ở khu vực Biển Đen mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến cung – cầu đậu tương nhưng cũng khiến giá đậu tương tăng lên.
Tuy nhiên, tác động từ yếu tố này chủ yếu là do diễn biến chung đối với toàn nhóm nông sản và sẽ khó kéo dài mà chỉ giúp cho giá sẽ không đảo chiều giảm sâu. Thay vào đó, nguồn cung đang trở nên thắt chặt hơn mới là yếu tố giúp duy trì đà tăng một cách vững chắc.
Tại Brazil, tình hình cây trồng cũng không mấy tích cực hơn. Sở Kinh tế Nông thôn (Deral) đã cắt giảm hơn 1 triệu tấn trong ước tính sản lượng đậu tương của bang Parana và khả năng số liệu này có thể sẽ bị giảm thêm do vụ thu hoạch chỉ mới đạt 30% diện tích dự kiến. Chính vì thế nên triển vọng mùa vụ ở Nam Mỹ vẫn đang là yếu tố hỗ trợ vững chắc cho giá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể tiếp tục giảm trong phiên hôm nay do các quỹ tiếp tục cắt vị thế mua ròng
Kết thúc phiên 24/2, hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh. Giá Arabica đóng cửa giảm gần 4% còn 237.9 cents/pound, mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Giá Robusta cũng giảm 2.5% về 2179 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở giảm nhẹ về 58.5% chiết khấu dành cho giá Robusta.
Những căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đã leo thang lên thành chiến tranh, khiến cho thị trường tài chính thế giới cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Vì thế, không chỉ có các nhà đầu tư cá nhân, mà các quỹ đầu tư hay tổ chức tài chính lớn cũng đều tiến hành cơ cấu lại vị thế để tránh rủi ro đến từ những diễn biến khó lường của thị trường. Trong phiên hôm qua, bất chấp việc tồn kho trên Sở ICE US tiếp tục giảm về chỉ còn 980,562 bao, các quỹ vẫn tiến hành cắt giảm vị thế mua ròng đối với thị trường cà phê để tránh áp lực thanh khoản.
Từ việc mức dự trữ trong ngắn hạn sụt giảm có thể thấy triển vọng tăng giá của thị trường Arabica vẫn còn, nhưng giá sẽ chịu áp lực vì các yếu tố liên thị trường và có thể chưa phản ánh tin tức cơ bản trong một vài phiên sắp tới. Giá Robusta, được dự báo sẽ đi theo giá Arabica trong giai đoạn này bởi thị trường còn vắng bóng các tin tức cơ bản hơn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
"Chỉ dẫn" từ các thông tin cơ bản không rõ ràng, giá đồng nhiều khả năng sẽ đi theo các yếu tố kỹ thuật
Giá đồng giằng co và đóng cửa giảm phiên thứ 5 liên tiếp về 4.46 USD/pound. Không như một số loại hàng hóa thuộc nhóm nông sản, hay dầu thô, và kể cả những mặt hàng kim loại như nhôm hay niken giá đồng không thể giữ được sắc xanh, dù trong phiên đã tăng mạnh lên 4.56 USD/pound.
Đồng là kim loại được sản xuất và xuất khẩu chủ yếu ở hai nước khu vực Nam Mỹ là Chile và Peru, còn nhu cầu tiêu thụ đến hơn 50% từ Trung Quốc. Hiện Nga chỉ chiếm khoảng 3.3% khối lượng xuất khẩu mỗi năm, nên ảnh hưởng của các yếu tố căng thẳng chính trị hiện không quá mạnh đối với giá đồng.
Giá đồng vẫn chưa thể bứt phá được do chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế đang đình trệ của Trung Quốc. Trong sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục bơm thêm 45.8 tỷ USD vào hệ thống tài chính thông qua các khoản vay ngắn hạn Repo để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với cuộc khủng hoảng thanh khoản. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đẩy nhanh tiến độ bán các trái phiếu cơ sở hạ tầng để thu thêm dòng tiền cho các hoạt động xây dựng, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế đi lên.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV