Nguồn cung dầu thực vật toàn cầu có nguy cơ bị thiếu hụt sẽ tiếp tục là yếu tố giúp dầu đậu dẫn dắt đà tăng của nhóm đậu tương
Mở cửa phiên giao dịch ngày 02/03, toàn bộ nhóm đậu tương đang suy yếu mạnh trở lại sau 2 phiên tăng vọt đầu tuần. Đậu tương vẫn diễn biến theo sau dầu đậu, khi thông tin về chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chiếm hết mối quan tâm của thị trường.
Tiêu chuẩn Nhiên liệu tái tạo (RFS) do Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (EPA) quản lý dự kiến sẽ tăng đáng kể trong năm nay và năm tới. Việc xây dựng mới các nhà máy lọc dầu diesel tái tạo đã cho thấy việc đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu tái tạo. EIA dự kiến năng lực sản xuất diesel tái tạo của Mỹ sẽ tăng gần gấp ba vào cuối năm 2023 từ công suất sản xuất hiện tại là 77.000 thùng / ngày.
Qua đó, EIA cũng dự báo rằng sản lượng diesel tái tạo sẽ tăng đáng kể vào năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ là chiến tranh tại Biển Đen ngăn cản các tàu thương mại của Ukraine xuất khẩu dầu hướng dương khiến nguồn cung dầu thực vật bị gián đoạn cũng ảnh hưởng tới dầu đậu và khiến cho thực tế có thể sẽ không đạt được như những mục tiêu đề ra.
Không những thế, nguồn cung đậu tương còn bị thiệt hại nặng nề tại Argentina khi số liệu ước tính sản lượng tiếp tục bị cắt giảm xuống mức 41 triệu tấn, còn thấp hơn cả dự báo mới nhất của BAGE.
Khánh Linh
 
Diễn biến trái chiều quay trở lại thị trường cà phê do cung tăng và cầu giảm trong ngắn hạn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/03, thị trường cà phê đón nhận diễn biến tâm lý trái chiều của giới đầu tư, trong đó giá Arabica trên Sở ICE US tăng 3.1% lên mức 236 cents/pound, giá Robusta trên Sở ICE UK giảm nhẹ 0.3% về mức 2084 USD/tấn, là mức thấp nhất của mặt hàng này trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Đối với thị trường Arabica, tâm lý tích cực của giới đầu tư không thể duy trì cho đến hết phiên do giá chỉ đi ngang sau khi đã tạo gapup từ đầu phiên. Hiện nhà sản xuất Arabica số 1 thế giới là Brazil đang tạm dừng hoạt động trong 2 ngày để hưởng ứng lễ hội, do đó nguồn cung dự kiến sẽ tăng mạnh sau thời gian này do người nông dân đẩy mạnh xuất khẩu.
Tồn kho Arabica trên Sở ICE ghi nhận trong ngày 03/01 đã tăng lên mức 996,770 bao, tuy nhiên con số này vẫn đang ở mức thấp nhất so với lịch sử 20 năm trở lại đây, do đó giá cà phê vẫn sẽ neo ở mức cao trong ngắn hạn.
Đối với thị trường Robusta, ngoài việc vắng bóng thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường, mặt hàng này còn chịu áp lực bán bởi sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ. Do gần 70% lượng cà phê Nga ưa chuộng là Robusta, nên những diễn biến xung đột trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của cà phê Robusta trong ngắn và trung hạn.
Hà Linh
 
Xu thế đi ngang của thị trường đồng chưa bị phá vỡ, giá vẫn đi theo các yếu tố kỹ thuật
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3, giá đồng tăng hơn 3% lên gần 4.6 USD/pound, và mức đóng cửa cao nhất trong vòng 3 tuần.
Giá đồng nhận được rất nhiều tin tức hỗ trợ trong phiên ngày hôm qua nên việc sức mua tăng lên cũng không quá bất ngờ với nhà đầu tư. Việc chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất của Trung Quốc đều tăng cho thấy các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đang cải thiện và nhu cầu tiêu thụ đối với đồng cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên. Ngoài ra, việc sản lượng đồng của nhà sản xuất số một thế giới là Chile giảm 15% trong tháng 1 cũng là một yếu tố thúc đẩy đà tăng của giá.
Hiện mức tồn kho trên cả ba Sở cũng không có dấu hiệu tăng hay giảm mạnh. Cụ thể tồn kho trên Sở LME là 72,875 tấn, trên sở COMEX là 70,389 tấn, còn mức dự trữ trên Sở Thượng Hải nhích nhẹ lên 73,201 tấn. Việc mức tồn kho trên thế giới đi ngang cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong ngắn hạn chưa có dấu hiệu tăng mạnh, nên giá đồng khó có thể bứt phá ra khỏi khoảng giao dịch đi ngang từ 4.45 – 4.6 USD.
Tiên Phạm
 
Giá dầu WTI khả năng cao sẽ test vùng 112 USD/thùng trong phiên hôm nay
Giá dầu tăng rất mạnh trong phiên hôm qua, bất chấp các thông báo của Mỹ cho biết sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 8.03% lên 103.41 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 7.15% lên 104.97 USD/thùng.
Khả năng nguồn cung gia tăng từ phía OPEC+ sẽ không xảy ra trong hôm nay. Mặc dù các quốc gia Trung Đông vốn là đồng minh thân cận của Mỹ và thường tự hào với vai trò bình ổn thị trường, tuy nhiên những năm gần đây mối quan hệ của nhóm nước này và Nga đang trở nên khăng khít hơn. Nga đã bắt đầu thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia, cũng như việc gia tăng các các khoản đầu tư giữa các bên. Điều này khiến cho các lời kêu gọi gia tăng sản lượng dầu từ Mỹ dành cho OPEC+ cũng không còn nhiều tác dụng, khác hẳn với tình hình trước kia.
Ngay cả trong trường hợp OPEC+ tăng gấp đôi sản lượng thì con số 800,000 thùng/ngày cũng không đủ bù cho lượng dầu thiếu hụt hiện tại. Theo ước tính của Reuters, chỉ riêng sản lượng tại Kazakhstan ước tính khoảng 1.1 triệu thùng dầu/ngày đã khó tìm đường tiêu thụ ra thị trường quốc tế, do các thương nhân không phân biệt được xuất xứ so với dầu Nga.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV