Giá đậu tương có thể vẫn duy trì khoảng đi ngang từ đầu tuần tới nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 04/03, giá đậu tương vẫn đang giằng co quanh mức tham chiếu do mất đi động lực tăng từ dầu đậu tương. Kể từ đầu tuần tới nay, đậu tương vẫn chỉ biến động trong xu hướng đi ngang. Không như ngô và lúa mì chịu tác động mạnh từ các thông tin về chiến tranh ở khu vực sản xuất lớn khiến giá có xu hướng tăng rõ rệt, giá đậu tương đã 5 lần liên tiếp test lại mốc kháng cự 1695.
Điều này cho thấy rằng mặc dù nguồn cung vẫn thắt chặt nhưng đậu tương vẫn chưa đủ động lực để có thể phá vỡ khoảng đi ngang hiện tại. Trong phiên cuối tuần này, khi áp lực chốt lời tăng lên, giá đậu tương sẽ khó có thể vượt trở lại mức chặn trên này.
Theo báo cáo sáng nay từ Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), lượng mưa lớn xuất hiện từ cuối tuần trước đã giúp cho chất lượng đậu tương không tiếp tục suy giảm. Cụ thể, chất lượng đậu tương chỉ cải thiện không đáng kể lên mức 25% diện tích đạt tốt - tuyệt vời, từ mức thấp nhất niên vụ 24% trong tuần trước.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Áp lực thanh khoản của các quỹ đầu tư khiến dòng tiền liên tục bị luân chuyển ra khỏi thị trường cà phê
Trái với xu hướng chung của toàn thị trường nguyên liệu công nghiệp, nhóm mặt hàng cà phê trong phiên hôm qua chịu áp lực bán mạnh bởi giới đầu tư. Trong đó, giá cà phê Arabica giảm 2.7% xuống còn 222.9 cents/pound, giá cà phê Robusta đóng cửa giảm hơn 0.8% còn 2013 USD/tấn.
Kể từ khi đạt đỉnh 10 năm vào giữa tháng 2/2022 cho đến nay, giá cà phê Arabica đã mất đi khoảng 30 cents do lực bán tháo của các quỹ đầu tư. Trong đó, tình trạng xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đã khiến cho thị trường lo ngại về triển vọng tiêu thụ cà phê toàn cầu.
Châu Âu là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới với lượng tiêu thụ trong năm 2020 đạt 54.5 triệu bao, chiếm hơn 30% tổng nhu cầu của toàn thế giới. Trong đó, 28% nguồn cung của khu vực này đến từ Brazil và 18% nguồn cung đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi Nga có động thái xâm lược Ukraine, hàng loạt các chuỗi cà phê lớn của Ukraine đã phải đóng cửa, trong khi Nga đang gặp khó khăn trong việc nhập và bán hàng do phải chịu sự cô lập về mặt chính trị và kinh tế.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Thiếu hụt nguồn cung đồng từ Nga, giá đồng thế giới có cơ hội lập đỉnh cao nhất mọi thời đại mới
Kết thúc phiên giao dịch 3/3, giá đồng tăng 2.5% lên 4.78 USD/pound và cũng là mức cao nhất kể từ đỉnh cao nhất mọi thời đại vào tháng 5/2021. Mức tăng của phiên hôm qua không quá lớn, nhưng cũng đủ khiến cho giá đồng trở thành tâm điểm của thị trường hàng hóa bởi giá cũng chỉ cách đỉnh cũ 2.5%.
Hiện không chỉ có giá đồng mà một loạt các mặt hàng kim loại khác cũng đang bứt phá và ở mức cao nhất mọi thời đại như giá nhôm, hay neo ở mức đỉnh cao trong vòng 10 năm như giá kẽm và niken.
Nga là một trong những nước xuất khẩu đồng lớn với sản lượng mỗi năm chiếm 4% thế giới, do mức tiêu thụ nội địa hạn chế. Đồng tinh luyện của Nga chủ yếu xuất sang châu Âu và thường chảy vào các kho thuộc Sở LME. Nếu xét từng các nước riêng lẻ, Trung Quốc và Hà Lan là hai đối tác nhập khẩu đồng lớn nhất của Nga. Tỷ trọng đồng tinh luyện xuất khẩu sang Trung Quốc hiện cũng đang mở rộng nhanh chóng. Năm 2021, Trung Quốc đã vượt qua Hà Lan và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với khối lượng đồng tinh luyện của Nga xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc là 140,000 tấn, chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Dầu WTI có khả năng cao sẽ test lại vùng 112 USD/thùng trong phiên tối nay
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên hôm qua do lực bán chốt lời và khả năng Iran quay trở lại xuất khẩu dầu trong trường hợp đàm phán hạt nhân với Mỹ thành công. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2.65% xuống 107.67 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2.19% xuống 110.46 USD/thùng.
Phiên giảm này chưa đủ để khẳng định giá đã bắt đầu điều chỉnh ngược mà chỉ có thể xem như một nhịp chốt lời ngắn trong một trend tăng trong trung và dài hạn. Thực chất, thông tin về diễn biến cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ vẫn đang theo quy trình quen thuộc. Các thông tin từ nhận định cá nhân của 1 số thành viên tham gia vào đàm phán có thể mang tính tích cực, tuy nhiên các thông báo chính thức thường khá thận trọng và cũng không loại trừ khả năng đàm phán sẽ kéo dài hơn dự kiến.
Thực tế phía Mỹ không hề đưa ra một hạn chót chính thức nào do muốn đảm bảo kết quả đạt được hợp lý và thành công nhất có thể. Ngoài ra, mặc dù Iran có thể tăng xuất khẩu thêm 1 triệu thùng/ngày trong năm nay, tuy nhiên con số này cũng không có nhiều ý nghĩa nếu nguồn cung từ phía Nga bị gián đoạn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV