Các số liệu cung cầu sẽ không mang lại nhiều tác động mạnh mẽ, giá ngô có thể sẽ chỉ rung lắc quanh vùng 625
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá ngô đang tăng nhẹ, tuy nhiên lực mua đang có phần hạn chế hơn sau 4 phiên hồi phục liên tiếp. Những lo ngại đối với mùa vụ của Mỹ đã hỗ trợ cho giá ngô lấy lại sắc xanh sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải cho diễn biến sáng nay của ngô.
Trong báo cáo Crop Progress, chất lượng ngô Mỹ tiếp tục kém hơn so với tuần trước. Diện tích ngô nằm trong khu vực hạn hán mở rộng trong tuần vừa rồi cũng khiến cho tỉ lệ cây trồng bị đánh giá kém đã tăng 1%. Tỉ lệ ngô đạt tốt – tuyệt vời vẫn giữ nguyên ở mức 64% diện tích do sự cải thiện ở 1 số bang sản xuất lớn như Iowa, Illinois và Nebraska đã bù đắp cho các khu vực phía nam. Tuy nhiên, dự báo cho thấy nắng nóng sẽ tiếp tục duy trì với nền nhiệt tăng cao sẽ mở rộng từ phía tây và ảnh hưởng tới khu vực trung tâm Midwest. Điều này có thể sẽ là dấu hiệu cho thấy tình trạng cây trồng có thể sẽ tiếp tục xấu đi trong báo cáo tuần sau. Những lo ngại trên đã khiến cho giá ngô tiếp tục duy trì đà hồi phục. Tuy nhiên, khởi đầu khá thuận lợi cùng với việc khô hạn luôn là rủi ro với mùa vụ Mỹ trong giai đoạn này, chúng tôi đánh giá rằng thông tin này sẽ không tác động “bullish” quá mạnh mà chỉ giúp ngô có thể sẽ bước vào khoảng đi ngang.
Tối nay, thị trường sẽ chờ đợi báo cáo Cung – cầu tháng 7 và dự kiến các số liệu về nhu cầu sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới diễn biến giá. Do các số liệu sản lượng ethanol hàng tuần vẫn đang duy trì ở trên mức 1 triệu tấn kể từ tháng 6 tới nay nên tiêu thụ ngô cho FSI có thể sẽ không thay đổi đáng kể. Đối với triển vọng xuất khẩu, các số liệu bán hàng ngô gần đây đều đang có xu hướng giảm dần nên việc thị trường dự đoán tồn kho tại Mỹ cho niên vụ 21/22 sẽ tăng lên là khá hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng tác động từ báo cáo tháng 7 này lên giá ngô sẽ không đáng kể.

Cà phê nhiều khả năng giảm giá trong phiên hôm nay trước những thông tin củng cố khả năng suy thoái kinh tế
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, 2 mặt hàng cà phê đều chung xu hướng giảm giá, do lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế diễn ra, đặc biệt, tại Liên minh Châu Âu (EU) khiến lực bán của cà phê áp đảo.
Xuất khẩu cà phê xanh tại Brazil tính trung bình đến tuần trước đã tăng 14%, tiếp tục là thông tin tác động “bearish” lên giá cà phê hiện tại khi tuần trước nước này đã công bố tiến độ thu hoạch cà phê đã tăng trở lại và đạt gần một nửa kế hoạch đề ra giúp nới lỏng nguồn cung trong ngắn hạn.
Lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục là vấn đề đè nặng lên giá khi mới đây, Liên mình Châu Âu (EU) dự kiến cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng lạm phát gia tăng khiến củng cố lo ngại về việc sụt giảm nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại đây và gây áp lực lên giá. Trước đó, vào tháng 05 liên minh này cũng thực hiện biện pháp cắt giảm tốc độ tăng trưởng của 19 quốc gia dùng chung đồng Euro xuống 2.3% so với mức 4.0% được dự báo hồi tháng 01, do tác động của chiến tranh Nga - Ukraina.
Về mặt kỹ thuật, SMA13 giao nhau với SMA34 có xu hướng chếch xuống dưới cùng với đường MACD giao với đường Signal cũng đi xuống dưới đường 0 thể hiện xu hướng giá giảm. Bên cạnh đó, giá cũng đang tiệm cận với mức kháng cự tâm lý quan trọng 220 USD càng củng cố khả năng giảm giá của Arabica trong phiên hôm nay.

Giá đồng nhiều khả năng sẽ có nhịp hồi trước khi giảm trở lại trong phiên hôm nay
Giá đồng tăng nhẹ khi mở cửa phiên sáng nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm trở lại trước áp lực kép về nỗi lo suy thoái và những diễn biến dịch bệnh tiêu cực tại Trung Quốc.
Tình hình kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đang cho thấy một gam màu ảm đạm khi rơi vào trạng thái đình lạm. Trước đó, vào hồi tháng 5, Uỷ ban Châu Âu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm xuống 2.7% trong năm nay so với dự đoán 4.0% vào hồi tháng 2. Mặc dù dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục giảm, các Bộ trưởng vẫn đồng thuận sẽ tập trung vào kiềm chế mức lạm phát cao kỷ lục và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Đồng Euro đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ và mức tỷ giá đang gần ngang bằng với đồng USD. Trong khi đó, trong 6 giỏ tiền tệ mà đồng USD tham chiếu, trọng số của đồng Euro chiếm tới hơn 1 nửa và do vậy, điều này càng củng cố cho sức mạnh của đồng bạc xanh. Thị trường đồng vừa chịu áp lực từ đồng Dollar Mỹ tăng giá, vừa chịu sức ép từ bối cảnh tăng trưởng chậm lại tại khu vực tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh vốn đòi hỏi lượng cầu lớn về đồng.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman, luôn có góc nhìn tương đối lạc quan về thị trường hàng hoá, đặc biệt là về đồng trong hai năm qua. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết kim loại này hiện thấp hơn 40% so với kỳ vọng và rủi ro suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy sự bi quan của nhu cầu trong phần còn lại của năm 2022.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, yếu tố dịch bệnh tại Trung Quốc quay trở lại tiếp tục kìm hãm đà phục hồi của giá đồng. Các ca nhiễm đang có xu hướng tăng lên và thành phố Thương Hải tiếp tục xét nghiệm hàng loạt từ hôm nay cho đến thứ 5. Tin tức mới đây nhất về việc Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng 461,000 km đường quốc lộ vào năm 2035 so với 382,000 km vào năm 2021 vẫn không thể cho giá đồng động lực tăng mạnh mẽ nào. Suy cho cùng, các nỗ lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần một khoảng thời gian khá lâu và do vậy, giá đồng trong ngắn hạn vẫn còn có thể nối tiếp đà lao dốc. Về mặt kỹ thuật, trên khung H1, giá đồng nhiều khả năng sẽ có nhịp hồi sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ dưới của kênh xu hướng.

Giá dầu khả năng cao sẽ chịu biến động mạnh trước một loạt các yếu tố giằng co
Giá dầu duy trì xu hướng giảm trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường tiếp tục giằng co giữa các tin tức trái chiều.
Một mặt, tình hình dịch lan rộng tại Trung Quốc đang khiến cho tâm lý e ngại viễn cảnh chính phủ nước này tiến hành phong tỏa trở lại, gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Mặt khác, các số liệu tích cực về cung tiền M2, khoản vay mới của Trung Quốc tiếp tục tăng, cho thấy chính phủ nước này đang thức đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi. Hơn thế nữa, tại thị trường hàng thực, việc Trung Quốc liên tục gia tăng mua dầu thô, trong khi Saudi Arabia vẫn tăng giá bán các sản phẩm chính thức, bất chấp các đối thủ cạnh tranh như Iran và Nga đã hạ giá dầu để tăng tính cạnh tranh, cho thấy về mặt thực tế, tình trạng thiếu hụt trên thị trường vẫn đang tương đối nặng nề.
Ngày hôm nay, thị trường sẽ đón nhận thông tin về báo cáo thị trường dầu hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA. Trong báo cáo tháng trước, IEA cho biết tồn kho dầu thế giới tăng trở lại lần đầu tiên trong tháng 4, và giảm nhẹ rủi ro thiếu hụt trên thị trường. Tuy nhiên, với việc nhu cầu đi lại tăng lên trong mùa hè, và các rủi ro liên quan đến đường ống CPC, có thể trong báo cáo tháng này, các tổ chức lớn sẽ thay đổi nhận định. Điều này sẽ khiến cho giá dầu khả năng cao sẽ biến động mạnh trong phiên giao dịch tối nay.
Giá dầu đang tích luỹ ở khu vực nửa trên của Bollinger Band (khung H4) từ 101 - 105 USD. Các chỉ số MACD và RSI đều khá trung tính và đang chưa chỉ ra xu hướng ro ràng. Trong hôm nay, thị trường sẽ đón nhận 2 báo cáo quan trọng đến từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nên giá có thể sẽ biến động rất mạnh. Các nhà đầu tư không nên mở vị thế mới trong hôm nay.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV