Xu hướng sideway của giá ngô vẫn sẽ được duy trì trong phiên hôm nay nếu như không xuất hiện thêm yếu tố
Sau giai đoạn biến động cực kì mạnh do ảnh hưởng bởi chiến tranh giữa Nga và Ukraine thì giá ngô đang diễn biến bình ổn trở lại. Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/03, ngô đang suy yếu nhẹ. Trong tuần này, thị trường sẽ quay trở lại phản ứng với những yếu tố cơ bản về cung – cầu của thị trường và có thể đánh dấu xu hướng mới của mặt hàng này.
Chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp vừa qua phản ánh 2 yếu tố “bullish” mạnh đối với giá là nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở Biển Đen và nguồn cung thắt chặt tại Nam Mỹ. Những động thái hiện tại cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đàm phán và chiến tranh có thể sớm kết thúc khiến cho yếu tố thứ 1 sẽ mất đi tác động hỗ trợ. Trong khi đó, tại Nam Mỹ, tình hình thời tiết cũng tác động trái chiều nhau lên cây trồng. Ở Brazil, khu vực trung tây, nơi đang diễn ra hoạt động gieo trồng ngô vụ 2, thời tiết đang trở nên khô ráo hơn. Trước đó, lượng mưa lớn đã kéo dài ở khu vực này nên mô hình thời tiết sắp tới sẽ có lợi hơn cho mùa vụ. Còn ở Argentina, dự báo hạn hán sẽ vẫn tiếp diễn và có thể duy trì trong 1 tháng nữa. Điều này sẽ khiến cho tình trạng ngô ở nước này sẽ tiếp tục suy giảm sau khi tình hình tiến triển hơn 1 chút nhờ lượng mưa trong những ngày qua.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá Arabica có khả năng tiếp tục suy yếu trước tác động của cung và cầu trên thị trường
Thị trường cà phê trong tuần vừa qua ghi nhận diễn biến trái chiều nhau giữa 2 mặt hàng, trong đó giá cà phê Arabica trên Sở ICE US giảm 1% xuống còn 221.9 cents/pond, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU tăng 2.8% lên 2095 USD/tấn.
Trước tốc độ leo thang nhanh chóng của giá nhiên liệu và lương thực như hiện nay, giới đầu tư đang có xu hướng phân bổ dòng tiền từ các thị trường tài chính sang nhóm tài sản mang tính trú ẩn an toàn cao hơn. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ đối với cà phê Arabica cũng sụt giảm đáng kể do người tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực châu Âu, đang phải ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng có tính thiết yếu.
Hãng tin Reuters cho biết, Nestle cũng đã ngừng xuất và nhập khẩu cho Nga các mặt hàng thực phẩm không thiết yếu như các phê Nespresso. Do đó, xu hướng giảm sẽ còn tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường này.
Bên cạnh đó, tồn kho Arabica trên Sở ICE hiện đang duy trì ở mức trên 1 triệu bao, kết hợp với các lô hàng cà phê từ các quốc gia khu vực Nam Mỹ, đã đem đến cái nhìn tích cực về nguồn cung của mặt hàng này. Brazil cũng đang đưa ra đề xuất nhằm miễn trừ phân bón ra khỏi các lệnh trừng phạt đối với Nga do đây là nước cung cấp phân bón lớn nhất của Brazil.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ test lại kháng cự trong phiên hôm nay khi thị trường chờ đợi tin tức mới
Giá dầu giảm mạnh trong tuần vừa rồi, tuần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra. Kết thúc tuần, giá WTI giảm 5.49% xuống 109.33 USD/thùng, giá Brent giảm 4.61% xuống 112.67 USD/thùng.
Mặc dù tuần trước thị trường chứng kiến phiên điều chỉnh mạnh với mức giảm trong phiên lên đến gần 20 USDS/thùng, tuy nhiên xét trong vòng chưa đầy 20 ngày kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/12, giá dầu thô thế giới WTI và Brent đã tăng gần 19-20%. Vì vậy, phiên giảm đấy vẫn có thể xem chỉ là phiên điều chỉnh trong ngắn hạn. Ngân hàng Goldman Sachs không chỉ tăng dự đoán giá Brent từ 98 lên 135 USD/thùng trong năm nay, mà còn tăng kỳ vọng trong năm 2023 từ 105 lên 115 USD/thùng.
Điều này thể hiện Goldman Sachs kỳ vọng rằng vùng giá cao trên 3 chữ số sẽ không làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới, cũng như vấn đề về thiếu hụt nguồn cung sẽ không được giải quyết. Vùng giá 100 USD/thùng của dầu tương đương với sản lượng thiếu hụt 1 – 2 triệu/thùng ngày trong ít nhất 2-3 quý. Điều này phần nào tương đồng với Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Quốc tế EIA, với dự báo thế giới sẽ quay lại giai đoạn thiếu hụt nguồn cung từ năm sau.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV