Thiếu vắng thông tin cơ bản đủ mạnh tác động lên giá bên cạnh lo ngại về căng thẳng ở Biển Đen, giá lúa mì đang phản ứng mạnh với các tín hiệu kĩ thuật
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch ngày 16/02 đang giằng co quanh mức 785 sau khi hồi phục nhẹ từ phiên giảm sâu hôm qua. Thị trường đang bình ổn hơn so với những phiên rung lắc mạnh và biến động tới 2% chỉ trong phiên sáng. Những căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine là yếu tố trực tiếp lý giải cho diễn biến giá lúa mì.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số binh lính nước này đã trở về các căn cứ gần biên giới Ukraine sau khi kết thúc cuộc tập trận chung diễn ra vào tuần trước với Belarus. Ngoài ra, đoạn video do Bộ Quốc phòng công bố cũng cho thấy một số thiết bị chiến đấu như xe tăng đã được chất lên các toa tàu để trở về. Điều này đã làm giảm bớt lo ngại về khả năng gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc ở Biển Đen và tạo áp lực bán tháo lên giá lúa mì.
Tuy nhiên, cho đến khi các vấn đề về căng thẳng ở khu vực này được giải quyết thì giá lúa mì vẫn đang chỉ biến động rung lắc mạnh trong xu hướng đi ngang. Hay nói cách khách, nguy cơ giao tranh ở khu vực Biển Đen vẫn còn duy trì thì vẫn tiềm ẩn yếu tố “bullish” đối với giá. Bất cứ thông tin nào cho thấy mâu thuẫn leo thang hơn nữa sẽ khiến giá lúa mì nhảy vọt.
Khánh Linh
 
Sức ép nguồn cung trong cả ngắn hạn và dài hạn sẽ hỗ trợ cho giá Arabica tăng lên mức 300 cents
Kết thúc phiên 15/2, giá Arabica tăng gần 1.6% lên 251.7 cents/pound, trong khi giá Robusta cũng tăng 1% lên 2265 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 hiện ở mức 59% chiết khấu đối với giá Robusta.
Sau khi chịu sức ép bán trong ngắn hạn vì những rủi ro chung trên thị trường tài chính, đến từ lo ngại về tình hình địa chính trị ở Nga và Ukraine, giá cà phê đã bắt đầu đi theo các tin tức cơ bản. Nguồn cung Arabica ở trên thế giới hiện đang ở trong tình trạng đáng báo động, bởi xuất khẩu ở cả Brazil và Colombia trong tháng 1 đều giảm. Điều này khiến cho mức dự trữ trên Sở ICE giảm mạnh về 1.027 triệu bao, và vẫn là mức thấp nhất chưa từng có trong 22 năm. Niên vụ sản xuất cà phê ở Brazil đang diễn ra cũng gặp rất nhiều khó khăn vì yếu tố thời tiết. Lượng mưa lớn ở giai đoạn này đã khiến cho sâu bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh rỉ sắt ở cây cà phê, căn bệnh sẽ làm giảm năng suất và chất lượng của quả. Vì vậy, với các tin tức cơ bản hiện nay, giá Arabica hoàn toàn có thể tiến lên mức 300 cents/pound.
Tiên Phạm
 
Thị trường đồng có thể khôi phục xu hướng tăng khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại
Giá đồng tăng phiên thứ hai liên tiếp lên 4.53 USD/pound trong bối cảnh thị trường được bao phủ bởi một loạt tin tức tích cực.
Tình hình địa chính trị ở Nga và Ukraine đã dịu bớt khi mà Bộ Quốc phòng Nga đã điều một phần quân về lại căn cứ sau cuộc tập trận với Belarus. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh đã nới lỏng rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho nền kinh tế sau khi Thế Vận hội mùa đông kết thúc, và Trung Quốc bước vào giai đoạn được coi là mùa xây dựng, đồng thời cũng là giai đoạn phát triển mạnh của cả quý I.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số giá sản xuất PPI của Trung Quốc đều giảm trong tháng 1, cho thấy lạm phát đã giảm ở nền kinh tế thứ hai thế giới. Chỉ số PPI tăng 9.1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 10.3% trong tháng 12. Chỉ số CPI cũng chỉ tăng 0.9% và cả hai chỉ số đều thấp hơn ước tính trước đó.
Tăng trưởng lạm phát chậm lại sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có điều kiện để tiếp tục cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái, nhất là trong bối cảnh ngành kinh tế chủ lực là bất động sản đang lao dốc.
Tiên Phạm
 
Dầu thô khả năng cao sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên ngày hôm nay khi các căng thẳng địa chính trị duy trì
Giá dầu giảm điều chỉnh ngày hôm qua, khi các dấu hiệu cho thấy phía Nga muốn quay trở lại đối thoại ngoại giao với phía NATO. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3.55% xuống 92.07 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3.32% xuống 93.28 USD/thùng.
Bất chấp việc Nga tuyên bố rút một số lính khỏi khu vực biên giới hôm qua, khó có thể thấy căng thẳng thực sự giữa Nga và NATO đã được giải quyết. Trên thực tế, việc Hạ viện Nga bỏ phiếu dự luật để công nhận 2 tỉnh li khai Donetsk và Luhansk chỉ vài tiếng sau thông báo rút quân. Điều này cho thấy về thực tế, nước Nga vẫn không có ý định từ bỏ việc gây sức ép lên Ukraine.
Dưới thỏa thuận Minsk thiết lập năm 2015 với Ukraine, 2 tỉnh thành này được kỳ vọng sẽ quay trở lại với Ukraine. Tuy vậy, nếu Nga công nhận quyền tự chủ của 2 tỉnh này, sẽ vi phạm các cam kết với Minsk và đồng thời mở đường cho chúng sát nhập vào Liên bang Nga. Hiện Putin vẫn đang để ngỏ các lựa chọn và “quân bài” của mình để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Với tình hình hiện tại, các vệ tinh vẫn có thể dễ dàng xác định được khu vực đóng quân của Nga.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV