Giá lúa mì có thể sẽ suy yếu trong phiên hôm nay trước sức ép từ lực bán kĩ thuật
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch ngày 15/02 đang là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của thị trường nông sản. Đây cũng là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất trong giai đoạn gần đây. Gần như các thông tin xoay quanh căng thẳng chính trị ở Biển Đen là yếu tố chính tác động lên diễn biến giá. Vì thiếu thông tin cơ bản về cung – cầu nên giá vẫn đang biến động trong khoảng sideway rộng và rung lắc mạnh.
Các vấn đề về địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá lúa mì tăng mạnh khi xuất hiện thêm cập nhật mới về tình hình leo thang trong phiên khi Ukraine là đối tác xuất khẩu lúa mì quan trọng của các nước châu Á, châu Âu trong khi Nga lại cung cấp phần lớn lúa mì tới các nước Trung Đông.
Nếu như nguồn cung bị gián đoạn trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa 2 nước này, an ninh lương thực ở một số nước nhập khẩu ngũ cốc thậm chí sẽ khó được đảm bảo. Nếu căng thẳng Nga - Ukraine không sớm hạ nhiệt thì giá lúa mì sẽ khó có thể giảm xuống sâu dưới mức chặn dưới 740 của xu hướng đi ngang hiện tại và cho đến lúc đó mặt hàng này vẫn tiềm ẩn sự biến động mạnh mẽ, giống như những phiên tăng giá đột biến vừa qua.
Khánh Linh
 
Sức ép bán có thể vẫn duy trì ở thị trường cà phê do ảnh hưởng gián tiếp từ những căng thẳng địa chính trị
Kết thúc phiên 14/2, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục lao dốc. Giá Arabica đóng cửa giảm 1.6% về 247.6 cents/pound, còn giá Robusta có mức giảm khiêm tốn hơn, gần 1% về 2263 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở thu hẹp lại còn 58.5% chiết khấu cho giá Robusta.
Các nhà đầu tư vẫn duy trì sức bán lớn trên thị trường trong phiên hôm qua nhằm chốt lời. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá cũng thúc đẩy nông dần trồng cà phê đẩy mạnh bán hàng. Thị trường cà phê cũng đang có xu hướng vận động theo các tin tức vĩ mô và yếu tố liên thị trường thay vì các yếu tố cơ bản về cung cầu trong thời gian gần đây.
Rủi ro địa chính trị giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang cùng với việc FED đẩy mạnh thắt chặt khiến cho dòng vốn đổ vào thị trường cà phê bị cạnh tranh gắt gao, bởi đây vốn là một thị trường rủi ro mang nhiều tính đầu cơ.
Nỗi lo nguồn cung của các nhà đầu cơ đã giảm bớt, khi mà mức dự trữ Arabica trên Sở ICE US không còn giảm mạnh như trong tuần trước, hiện vẫn ở mức 1.03 triệu bao. Trong tuần này, thị trường cà phê có thể sẽ vắng bóng các tin tức cơ bản về nguồn cung, giá cà phê có thể phản ứng với các yếu tố kỹ thuật.
Tiên Phạm
 
Thị trường đồng vẫn chưa có cơ hội bứt phá khỏi khoảng đi ngang dù có rất nhiều tin tức tích cực
Giá đồng kết thúc phiên 14/2 gần như không đổi so với phiên trước đó, vẫn ở mức 4.51 USD/pound. Giá giằng co từ 4.45 – 4.51 USD trong cả phiên và diễn biến này tiếp tục duy trì đến sáng nay.
Sự phân hóa giữa diễn biến tồn kho trên ba Sở lớn là một trong những yếu tố khiến cho giá đồng giằng co. Trong khi mức dự trữ của Sở Thượng Hải liên tục tăng và hiện đã ở mức 66,188 tấn, cao gần gấp đôi so với mức cuối tuần trước. Trái lại, mức dự trữ trên Sở LME và Sở COMEX giảm về lần lượt là 72,225 tấn và 78,146 tấn. Đây là hai Sở giao dịch chính của các nước phương Tây, cộng hưởng với việc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang, nên các nhà đầu tư đã gia tăng sức mua để tránh đối mặt với những việc sụt giảm nguồn cung.
Ngoài các tin tức về nguồn cung, triển vọng tiêu thụ của đồng cũng ngày một được cải thiện, đặc biệt là ở Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mới đây đã bơm thêm khoảng 15 tỷ USD vào nền kinh tế để tái khẳng định lập trường nới lỏng của mình. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang cân nhắc sẽ “mở cửa” đối với thuốc chữa Covid-19 của công ty Pfizer.
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể test lại hỗ trợ mạnh trước khi quay trở lại đà tăng trong tuần này
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng 2.53% lên 95.46 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.16% lên 96.48 USD/thùng. Các căng thẳng địa chính trị trong tuần này khả năng cao sẽ tiếp tục trở thành chất xúc tác để đưa giá dầu lên cao.
Hai tuần cuối tháng 2 khả năng cao sẽ là thời điểm các căng thẳng chính trị được đẩy lên mức cao nhất. Cuộc tập trận chung với Belarus được dự kiến sẽ kéo dài cho đến ngày 20/02, và hiện tại phía Nga đang có sẵn khoảng 30,0000 quân ở Belarus. Theo một số phân tích, quân đội của Belarus có thể cùng tham gia với Nga nếu nước này phát động tấn công vào Ukraine. 20/02 cũng là thời điểm kết thúc thế vận hội Olympic Bắc Kinh.
Một số chỉ ra rằng Nga có thể sẽ đợi hết thời kỳ này mới điều động quân để giữ quan hệ với Trung Quốc. Tính riêng từng quốc gia, Trung quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga hiện giờ, và mới đây nhất Nga cũng đã bắt đầu chấp nhận thanh toán một số hợp đồng nhiên liệu bằng đồng Nhân dân tệ. Ngay cả trong trường hợp Nga thật sự không phát động chiến tranh, giống như các quan chức Kremlin hiện tại khẳng định, với sự trợ giúp của Trung Quốc, khả năng cao Nga cũng sẽ chọn phương án làm gia tăng căng thẳng các bên cho đến khi đạt được một số thỏa thuận có lợi với NATO.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV