Nguồn cung tác động trái chiều, giá ngô đang gặp phải lực bán từ kháng cự tạo bởi vùng đỉnh cũ
Mở cửa phiên giao dịch ngày 11/02, giá ngô vẫn đang giằng co quanh mức tham chiếu. Phiên hôm qua khi mà giá ngô biến động mạnh theo cả 2 chiều và đóng cửa trong sắc đỏ đã cho thấy thị trường đang phản ứng trái chiều với triển vọng mùa vụ ở Nam Mỹ sau những số liệu trong báo cáo Cung – cầu tháng 2.
Mặc dù các số liệu chưa phản ánh đúng với những kì vọng của thị trường về những thiệt hại bất lợi mà thời tiết gây ra trong thời gian qua ở Argentina nhưng mùa vụ ngô thứ 2 ở Brazil lại đang diễn ra khá tích cực.
Các đợt mưa ở Argentina đang thưa thớt dần và dự báo khô hạn sẽ quay trở lại, gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng ngô. Mặc dù chất lượng ngô nước này trong 2 tuần trước không còn giảm mạnh nhưng theo báo cáo mới nhất từ Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), tỉ lệ ngô đạt tốt tuyệt vời đang có dấu hiệu suy giảm trở lại.
Con số này đang giảm xuống mức 28%, và thấp hơn nhiều so với mức 63% trong niên vụ trước. Nông dân nước này vừa hoàn thành việc gieo trồng, có nghĩa là nếu khô hạn nghiêm trọng như giai đoạn trước sẽ ảnh hưởng đến hầu hết diện tích và ở trong giai đoạn ngô đang phát triển nhạy cảm.
Khánh Linh
Giá cà phê có thể hấp thụ các tin tức vĩ mô trước khi phản ứng với các tin tức cơ bản về nguồn cung
Diễn biến trái chiều quay trở lại với thị trường cà phê. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 1.2% về 255.2 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 0.4% lên 2279 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở giảm nhẹ về 59% chiết khấu cho giá Robusta.
Các tin tức cơ bản hiện đang rất có lợi đối với triển vọng tăng giá của hai mặt hàng cà phê. Tuy nhiên, sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ sau công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI đã khiến cho lực bán trên thị trường Arabica cũng mạnh hơn. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cùng với tâm lý chốt lời ở vùng đỉnh 11 năm cũng là yếu tố kìm hãm sức mua. Tuy nhiên, vì các tin tức vẫn tích cực và đà tăng không bị đầu cơ quá nên đây có thể là một phiên giảm điều chỉnh thay vì sự đảo chiều xu hướng. Mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US cũng chỉ giảm nhẹ hơn 400 bao trong phiên hôm qua thay vì hàng chục nghìn bao như các phiên trước đó.
Đối với thị trường Robusta, việc Việt Nam có khối lượng xuất khẩu chỉ tăng 1.2% so với cùng kỳ năm trước không phải là một yếu tố tích cực về triển vọng nguồn cung Robusta toàn cầu.
Tiên Phạm
Tồn kho trên Sở Thượng Hải phục hồi có thể gây sức ép lên giá đồng trong hôm nay
Kết thúc phiên 10/2, giá đồng tăng 1.2% lên 4.66 USD/pound và vẫn duy trì ở mức cao nhất trong vòng bốn tháng. Các tin tức tích cực về triển vọng tiêu thụ đồng là yếu tố củng cố đà tăng cho giá trong các phiên gần đây.
Trái với quan điểm thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như Anh và Mỹ, Trung Quốc vẫn đang cho thấy lập trường khá nới lỏng của mình để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Đáng chú ý, các hạn chế đối với thị trường bất động sản đã được giảm bớt, cùng với việc gia tăng thanh khoản cho thị trường, tâm lý các nhà đầu tư đã được cải thiện khá nhiều.
Các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Trung Quốc đang bắt đầu chảy xuống nền kinh tế, thông qua việc các ngân hàng gia hạn một lượng cho vay kỷ lục trong tháng 1. Các tổ chức tài chính đã cung cấp 626 tỷ USD cho các khoản vay mới trong tháng, đánh bại ước tính trung bình của các nhà kinh tế là 580 tỷ USD và là mức cao nhất kể từ năm 1992. Các khoản vay thường tăng mạnh trong tháng 1 do các ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh cho vay vào đầu năm để tận dụng hạn mức mới.
Tiên Phạm
Giá dầu khả năng cao sẽ duy trì trong khoảng giao dịch hẹp trong phiên hôm nay
Giá dầu chịu áp lực trong ngày hôm qua do khả năng FED tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát, sau khi số liệu CPI cho thấy lạm phát đang ở đỉnh 40 năm. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng 0.25% lên 89.88 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.15% xuống 91.41 USD/thùng.
Dầu chịu áp lực chung khi áp lực FED tăng lãi suất khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và làm cho các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn. Một số lo ngại rằng giá dầu cao sẽ làm giảm tốc nền kinh tế cũng như làm giảm lượng dầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, thực chất ngay từ đầu năm, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng lạm phát khó có thể giảm ngay trong quý I. Với các sức ép như khâu vận chuyển thời gian kéo hay “thiếu hụt tất cả mọi hàng hóa”, như Goldman Sachs nhận định, và hoạt động khai thác sản xuất chưa thể khôi phục đủ để bắt kịp nhu cầu, khi mà Omicron vừa quét qua hầu hết các quốc gia.
Do đó, có thể thấy dự báo về việc dầu đạt 100 USD/thùng vẫn đang tương đối nhiều. Theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai CFTC, khối lượng quyền chọn mua với giá thực hiện trên 100 USD/thùng cho tháng 6 và tháng 12 năm 2022, hiện ở mức tương đối lớn khoảng 714,000.
Hồng Hoa