Số liệu về sản lượng ngô ở Brazil niên vụ 21/22 có thể sẽ là yếu tố bất ngờ trong báo cáo WASDE tối nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 09/02, ngô hiện đang là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản. Những kỳ vọng của thị trường vào việc Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ cắt giảm số liệu sản lượng ở Argentina và Brazil trong báo cáo Cung – cầu được phát hành vào 24:00 tối nay là động lực lớn nhất thúc đẩy lực mua đối với ngô.
Tuy nhiên, tâm lí chờ đợi của thị trường cùng với đà tăng mạnh trong thời gian qua của ngô đã khiến cho mức tăng trong phiên sáng nay không quá mạnh.
Thị trường đang dự đoán rằng sản lượng ngô niên vụ 21/22 của Argentina sẽ giảm xuống mức 52.16 triệu tấn, thấp hơn so với mức 54 triệu tấn trong báo cáo trước. Trong khi đó, con số này được kì vọng sẽ bị cắt giảm từ mức 115 triệu tấn xuống 133.63 triệu tấn cho mùa vụ ở Brazil.
Như đã phân tích ở các bản tin trước, những thiệt hại ở Argentina đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn so với ảnh hưởng của thời tiết đối với Brazil. Qua các báo cáo gần đây của IMEA về cây trồng ở bang Mato Grosso, khu vực sản xuất nông sản lớn nhất Brazil thì triển vọng ngô vụ 2 đang khá tích cực nhờ tiến độ thu hoạch đậu tương nhanh chóng.
Khánh Linh
 
Sức ép nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn có thể hỗ trợ giá Arabica vượt mức 250 cents
Kết thúc phiên giao dịch 8/2, giá Arabica tăng mạnh hơn 3% lên 248.9 cents/pound, còn giá Robusta đóng cửa với mức tăng khiêm tốn hơn chỉ 0.6% lên 2233 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở nới rộng lên 59% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong suốt một năm trở lại đây, nỗi lo về nguồn cung của hai mặt hàng cà phê thay phiên nhau thúc đẩy sức mua trên cả hai Sở. Từ đầu tháng 1 đến nay, thị trường Arabica đang là thu hút dòng tiền hơn, bởi đây là giai đoạn xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhà sản xuất Robusta số một thế giới.
Nguồn cung không còn đối mặt với áp lực thắt chặt khiến cho giá Robusta chịu sức ép bán lớn và chỉ tăng nhờ vào lực mua làm giảm bớt mức chênh lệch giữa hai Sở.
Trái lại, xuất khẩu ở cả Brazil và Colombia, hai nhà sản xuất Arabica lớn nhất thế giới đều giảm trong tháng 1, cộng với việc tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm về mức thấp nhất chưa từng thấy trong 22 năm. Trong tuần này, rất có thể mức dự trữ này sẽ giảm về dưới 1 triệu bao và hỗ trợ cho giá Arabica tăng mạnh.
Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa ở các khu vực trồng cà phê chính ở Brazil đang cao hơn so với mức bình thường.
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể đi ngược lại với các tin tức cơ bản trên thị trường
Kết thúc phiên 8/2, giá đồng đóng cửa trong sắc đỏ ngày thứ 3 liên tiếp.
Trên thị trường động hiện nay có rất nhiều tin tức tích cực có thể củng cố cho sức mua, tuy nhiên diễn biến thực tế đang cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa giá và tin tức. Các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo và đánh giá một cách khách quan về mức độ ảnh hưởng của những tin tức này lên giá, bởi nhiều khi các hãng tin lớn thường có xu hướng “phóng đại” một thông tin để tạo cảm giác bất ngờ lên thị trường.
Theo Shanghai Metal News, mức tồn kho thấp ở Trung Quốc có thể là chất xúc tác cho phe mua trong thời gian tới. Tồn kho đồng bắt đầu tích lũy trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nhưng mức tăng ít hơn so với dự kiến.
Tính đến ngày 7/2, tồn kho đồng tại các tỉnh lớn của Trung Quốc là 157,500 tấn, giảm 13.4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong 4 năm, đồng thời mức dự trữ trên Sở LME giảm xuống còn 80,000 tấn. Tồn kho trên Sở Thượng Hải hiện đang là 24,466 tấn, và cũng là mức thấp nhất trong vòng 4 năm, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tiên Phạm
 
Dầu WTI nhiều khả năng sẽ test lại vùng 90 USD/thùng khi mà tồn kho duy trì ở mức thấp
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 2.15% xuống 89.36 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2.06% xuống 90.78 USD/thùng.
Nếu như trong tháng 1, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA kỳ vọng giá dầu sẽ nhanh chóng điều chỉnh xuống mức trung bình 75 USD/thùng, thì Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 2 phát hành rạng sáng nay đã cho thấy EIA phải điều chỉnh lại dự báo của mình.
Theo ước tính mới nhất, giá dầu thô WTI trong năm 2022 sẽ duy trì ở mức trung bình 79.35 USD/thùng, trong khi trong tháng 2 sẽ duy trì ở vùng 90 USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu là do tồn kho dầu đã giảm 6 quý liên tiếp, và đẩy tồn kho của nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD xuống mức 2.7 tỷ thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Về mặt tiêu thụ dầu, EIA điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu nhiên liệu toàn cầu trong năm 2022 từ 100.52 triệu thùng/ngày lên 100.61 triệu thùng/ngày, trong khi nguồn cung dầu từ phía OPEC được dự báo sẽ giảm xuống. Tuy vậy, EIA vẫn kỳ vọng nguồn cung của nhóm nước non-OPEC, tiêu biểu là Mỹ và Canada sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm và giúp cho thị trường bình ổn.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV