Cùng là yếu tố hỗ trợ về nguồn cung ngô nhưng những thiệt hại ở Argentina có thể sẽ tác động “bullish" mạnh hơn Brazil
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đã bật lên tạo gapup và đang dần suy yếu trở lại và thu hẹp khoảng gap. Trong thời gian gần đây, khi đà tăng của ngô bắt đầu được đẩy mạnh, giá lại có những biến động mạnh vào đầu tuần khi mà có những chuyển biến trong dự báo thời tiết khu vực Nam Mỹ. Nhìn chung, nguồn cung vẫn đang là yếu tố hỗ trợ cho giá, ít nhất là tới trước báo cáo Cung – cầu tháng 2 được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào tối thứ 4 tuần này.
Ở Argentina, tình trạng lại đang ngược lại, khi mà chất lượng ngô đang dần được cải thiện trong vài tuần qua nhờ có lượng mưa đáng kể vào cuối tháng 1 và giúp ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn đối với mùa vụ. Tuy nhiên, độ ẩm đang dần sụt giảm, diện tích những khu vực khô hạn đã tăng từ 50 lên 60% trong tuần trước và dự báo những cơn mưa lớn sẽ khó có thể xuất hiện cho tới cuối tháng 2 này. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng ngô vì cây trồng đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất. Chính vì thế, nếu sụt giảm sản lượng ngô Nam Mỹ trở nên lớn hơn, Argentina sẽ chiếm phần lớn hơn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá Arabica có thể tăng mạnh hơn giá Robusta trong hôm nay
Hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng trong tuần vừa qua. Giá Arabica tăng 2.5% lên 241.9 cents/pound, giá Robusta cũng đóng cửa tuần cao hơn 1.6%, ở mức 2229 USD/tấn, kết thúc chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 58% chiết khấu cho giá Robusta.
Sức ép nguồn cung trong ngắn hạn vẫn đang là yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê trên cả hai Sở, bởi giá Arabica tăng sẽ thúc đẩy lực mua đối với cả thị trường Robusta. Hiện mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US đang là 1.1 triệu bao, và chỉ cách mức thấp nhất trong vòng hai thập kỷ chưa đến 20,000 bao. Nếu trong tuần này, mức tồn kho vẫn sụt giảm nhanh và mạnh như tuần trước, với tốc độ hơn 100,000 bao/tuần thì giá Arabica sẽ có cơ hội tăng mạnh.
Trong tuần trước, các quỹ cũng tiến hành cắt giảm số vị thế mua ròng đối với thị trường Robusta nhưng tăng với thị trường Arabica, cho thấy dòng tiền đang hướng về thị trường Arabica nhiều hơn.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng sẽ hướng sự chú ý của mình về số liệu xuất khẩu tháng 1 của Việt Nam và Brazil, đặc biệt là Việt Nam, bởi đây là giai đoạn xuất khẩu chủ lực của nhà sản xuất Robusta số một thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá đồng sẽ đi theo các tín hiệu kỹ thuật trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc
Thị trường đồng hồi phục hơn 4% trong tuần trước lên 4.49 USD/pound.
Hôm nay là ngày đầu tiên Trung Quốc giao dịch lại sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần. Thị trường vẫn chưa có nhiều tin tức cơ bản nào quá đột phá trong phiên giao dịch đầu tuần. Nhu cầu tiêu thụ trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ có thể sẽ kém hơn so với cùng kỳ với năm ngoái do những chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nhu cầu sẽ sớm tăng lên để đáp ứng các hoạt động sản xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, theo Shanghai Metal News, lượng đồng tồn kho sau kỳ nghỉ lễ sẽ tăng chậm hơn so với năm ngoái và giá đồng dự kiến sẽ tăng trong bối cảnh hàng tồn kho thấp.
Hiện giá đồng đang chịu tác động gián tiếp bởi nhiều yếu tố khác nhau, thay vì các yếu tố cơ bản nội tại của thị trường. Triển vọng tăng trưởng của ngành xe điện đang thúc đẩy đà tăng của một loạt các mặt hàng kim loại như lithium, nhôm, hay nickel, tuy nhiên, giá đồng vẫn đang chưa nhận được nhiều sức mua bởi nguồn cung của đồng hiện tại không ở trong tình trạng bị thắt chặt đáng báo động như các kim loại kia.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Dầu thô khả năng cao sẽ duy trì đà tăng khi cân bằng cung – cầu có dấu hiệu thắt chặt hơn so với dự báo
Giá dầu duy trì đà tăng 7 tuần liên tiếp và hiện đã vượt mức 90 USD/thùng. Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tăng 6.32% lên 92.31 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 5.37% lên 93.27 USD/thùng.
Khả năng cao giá dầu sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần này, khi mà các dấu hiệu đều chỉ ra nguồn cung đang có xu hướng tiếp tục thắt chặt, bất chấp các hoạt động sản xuất dầu đá phiến đang tăng trở lại. Các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ đã tăng giàn khoan trong 5 tuần liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 09/2020 khi mà giá dầu đã quay trở lại mức đỉnh 7 năm. Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, các quốc gia sản xuất không thuộc OPEC, nếu không tính Nga, sẽ tăng sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Sản lượng của các thành viên OPEC+, nếu theo đúng các thỏa thuận, sẽ giải phóng thêm 3.4 triệu thùng/ngày, lần lượt với tốc độ 400,000 thùng/tháng.
Trong khi đó, EIA dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 3.6 triệu thùng/ngày trong năm nay. Về lý thuyết, điều này sẽ mở đường cho tồn kho dầu thế giới tăng lên. Tuy vậy, thực tế sản lượng của các nước OPEC+ hiện đang thấp hơn 600,000 – 700,000 thùng/ngày so với cam kết.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp

Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV