Liệu USDA có quá lạc quan về triển vọng ngô tại Argentina sau giai đoạn hạn hán vừa qua?
Báo cáo Cung – cầu không chỉ gây ra biến động mạnh ngay trong phiên công bố mà còn đem lại cho thị trường những thông tin về triển vọng hiện tại của các mặt hàng nông sản, từ đó góp phần thiết lập xu hướng giá trong trung hạn.
Trong phiên tối qua, mặc dù các số liệu mà USDA đưa ra cho thấy nguồn cung ngô không quá thắt chặt như dự đoán trước đó của thị trường nhưng đà tăng của giá vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch sáng nay.
Mặc dù những thiệt hại do hạn hán gây ra đối với mùa vụ tại Argentina là khá rõ ràng, trong khi lượng mưa lớn vừa qua chỉ giúp hạn chế những ảnh hưởng tệ hơn thì USDA vẫn giữ nguyên mức ước tính sản lượng niên vụ 21/22 cho nước này ở mức 54 triệu tấn.
Bên cạnh đó, nếu như các hãng tin và tổ chức lớn đều mạnh tay cắt giảm triển vọng nguồn cung ở Brazil trong suốt thời gian vừa qua thì con số này dừng lại ở mức 114 triệu tấn, cao hơn so với dự đoán của thị trường. So với triển vọng ngô vụ 2 vừa mới được gieo trồng ở Brazil và vẫn chưa có nhiều thông tin thì sản lượng ngô Argentina đang có khả năng bị hạ xuống nhiều hơn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Tồn kho đồng tại các Sở lớn trên thế giới có thể tiếp tục giảm và hỗ trợ cho giá đồng test lại mức đỉnh cũ
Giá đồng bứt phá lên mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2021, đạt 4.6 USD/pound. Đồng USD suy yếu cùng với tồn kho thấp trên các Sở lớn trên thế giới. Tổng khối lượng hàng tồn kho trên ba Sở COMEX, Sở LME và Sở Thượng Hải chỉ còn khoảng 200,000 tấn, đây là một khối lượng chỉ tương đương với nhu cầu tiêu thụ của thế giới trong ba ngày.
Từ quý IV năm ngoái đến nay, tồn kho trên cả ba Sở đã giảm một nửa và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này có thể khiến cho thị trường đối mặt với cú sốc nguồn cung trong ngắn hạn và đẩy giá lên cao.
Ở Trung Quốc, lượng đồng dự trữ do Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc nắm giữ ước tính là khoảng 2 triệu tấn. Và tại các tỉnh vẫn còn lượng hàng khoảng 200,000 tấn. Sắp tới sẽ là thời điểm tiêu thụ mạnh của Trung Quốc, với lượng đồng dự trữ đều tăng trong trong 3 năm gần nhất vào giai đoạn này.
Nếu mức tồn kho trên các Sở tiếp tục giảm mạnh thì rất có thể giá đồng sẽ test lại mức đỉnh cũ hồi tháng 10. Ngoài yếu tố về nguồn cung, trong phiên hôm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 của Mỹ sẽ công bố.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Dầu WTI có khả năng lấy lại vùng giao dịch 90 USD/thùng nếu OPEC đưa ra nhận định tích cực trong báo cáo tối nay
Giá dầu tăng nhẹ trở lại trong phiên hôm qua với giá WTI tăng 0.34% lên 89.66 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.85% lên 91.55 USD/thùng. Tâm lý thị trường được thúc đẩy bởi các số liệu tích cực trong các số liệu Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA tối hôm qua.
Sản lượng xuất khẩu tăng mạnh đã khiến cho lượng dầu tại 2 khu vực lưu trữ và luân chuyển dòng chảy năng lượng chính là PADD 2 (Trung Tây) và PADD3 (Vịnh Mexico) sụt giảm. Điều này đã đẩy tồn kho dầu ở Cushing, PADD 2,nơi lưu trữ dầu vận chuyển theo các hợp đồng WTI rơi xuống mức 27.4 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ quý III/2018. Tồn kho dầu tại Cushing đang tiến tới con số “báo động” 20 triệu thùng. Lần gần đây nhất Cushing chạm ngưỡng này là 2014, và đã góp phần khiến cho giá dầu vượt mức 100 USD/thùng, do vào lúc này, năng lực xuất khẩu dầu của Mỹ có thể xem là “cạn kiệt”, vì Cushing được cho là cần duy trì tối thiểu 20 triệu thùng để vận hành.
Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩp vẫn đang gia tăng đơn hàng từ Mỹ, vì cần phải tránh khả năng mua dầu từ Nga tuy nhiên cuối cùng lô hàng lại bị cấm vận.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV