Giá lúa mì đang gặp phải mức kháng cự kĩ thuật mạnh
Ngược với diễn biến giằng co không rõ xu hướng của ngô, lúa mì vẫn tiếp tục xu hướng tăng và phiên sáng nay giá đã có thời điểm vượt mức đỉnh 8 năm đạt được từ hồi tháng 5 vừa qua. Với những yếu tố cơ bản vững chắc về nguồn cung thắt chặt như hiện nay, tâm lí mua vào của giới đầu tư đối với lúa mì vẫn được củng cố hơn so với ngô và đậu tương. Do cơ cấu cung – cầu phân mảnh hơn ngô, nên nhu cầu lúa mì không bị phụ thuộc quá lớn với một nước, trong khi những nguồn cung lớn đều đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, đặc biệt là Nga và Canada. Chính vì thế, giá lúa mì hoàn toàn có thể vượt được vùng kháng cự tâm lí hiện tại.
Theo Hiệp hội Lúa mì Mỹ (USWA), nông dân ở nước này vẫn đang tiếp tục giai đoạn thu hoạch lúa mì bất chấp tình hình nắng nóng kéo dài. Với vụ lúa mì Hard Red Winter (HRW), tiến độ thu hoạch đã đạt hơn 95%, diện tích lúa mì còn lại vẫn đang trải qua căng thẳng do hạn hán.
Giá lúa mì đang trong xu hướng tăng mạnh nhưng gặp phải mức kháng cự mạnh ở vùng 770, mức chặn trên đã đẩy giá xuống 2 lần liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Chỉ báo động lượng RSI cũng đang hướng lên và bước vào vùng quá mua.
Khánh Linh
 
Kịch bản nào cho thị trường Cà phê trong tuần này?
Thị trường cà phê vừa trải qua một tuần giao dịch sôi động với giá Arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng gần 4% lên 185.75 cents/pound và giá Robusta tăng gần 5% lên 1836 USD/tấn.
Dòng vốn quay trở lại thị trường, cộng thêm một phần tâm lý đầu cơ trước tin tức thời tiết khô hạn ở Brazil đã giúp cho giá Arabica có 4 phiên tăng liên tiếp trước khi quay đầu giảm ở phiên thứ 6 cuối tuần qua. Giá Robusta tăng mạnh trong 3 phiên đầu tuần nhờ vào những lo ngại về nguồn cung và khó khăn trong công tác giao hàng do dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam và Indonesia. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 55% chiết khấu cho giá Robusta.
Các tin tức cơ bản không đủ tác động để giúp giá Cà phê duy trì sắc xanh trong cả tuần, cả hai mặt hàng đều gặp phải lực chốt lời ngắn hạn trong phiên cuối tuần. Đây nhiều khả năng là nhịp điều chỉnh trước khi giá tiếp tục tăng, bởi giá Cà phê vẫn được hỗ trợ trong dài hạn.
Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tin tức cơ bản gây biến động lên giá, thì diễn biến của phiên giao dịch hôm nay có thể định hướng xu thế cho tuần này.
Tiên Phạm
 
Các mặt hàng kim loại có thể ít biến động trước thềm công bố biên bản cuộc họp FOMC
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá bạc giảm nhẹ 2.3% còn 23.78 USD/ounce, giá bạch kim hồi phục mạnh 5.5% lên 1026 USD/ounce.
Hiếm có khi nào mà cả hai mặt hàng kim loại có sự phân hóa rõ rệt đến như vậy. Các tin tức về lạm phát như chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số giá sản xuất PPI không còn ảnh hưởng quá mạnh lên giá của cả hai mặt hàng kim loại quý. Tâm điểm của thị trường vẫn là các số liệu việc làm. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp vừa qua tiếp tục giảm nhưng không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Tới thứ 6, chỉ số kỳ vọng tiêu dùng của tháng 8 được công bố giảm mạnh do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta trên toàn nước Mỹ khiến cho đồng USD giảm mạnh về 92.52 điểm, cuốn bay đà tăng trong 4 phiên trước đó.
Trong tuần này, ngoài Doanh số bán lẻ và số liệu việc làm được công bố, giới đầu tư sẽ tập trung về biên bản họp tháng 7 của Ủy ban thị trường Mở liên bang (FOMC) nhằm tìm kiếm các tín hiệu thay đổi trong chính sách tiền tệ của FED. Việc nền kinh tế Mỹ đã đạt được những dấu hiệu hồi phục trong tháng 7 khiến cho FED có thể áp dụng các biện pháp thắt chặt sớm hơn. Quỹ tiền tệ thế giới IMF cũng tăng dự báo GDP của Mỹ lên mức 7% trong năm nay. Do đó, nếu biên bản họp trong tuần này cho thấy các thành viên của FOMC đang xem xét giảm quy mô tài sản, thì đồng USD sẽ phục hồi mạnh và gây sức ép lên giá của các mặt hàng kim loại quý.
Tiên Phạm
 
Triển vọng kinh tế suy yếu tại Trung Quốc đang gây áp lực cho giá dầu
Giá WTI tăng nhẹ 0.23% lên 68.44 USD/thùng trong khi Brent giảm nhẹ 0.16% xuống 70.59 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu chịu nhiều sức ép từ các thông tin tiêu cực đến từ phía Trung Quốc trong tuần vừa rồi.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy sự suy yếu trong cả tiêu dùng lẫn sản xuất, thể hiện qua số liệu mới công bố sáng nay. Sản xuất công nghiệp trong tháng 7 chỉ tăng trưởng 6.4%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 7.8% cho thấy dấu hiệu của sự giảm tốc của “công xưởng thế giới” trong nửa cuối năm nay, nhất là khi giá đầu vào gia tăng mạnh từ đầu năm. Trong khi đó, doanh số bán lẻ chỉ đạt 8.5%, thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng 11.5% cho thấy sự suy yếu trong tiêu dùng. Gần đây, Bắc Kinh đã chuyển hướng từ việc hỗ trợ các công ty công nghệ sang thúc đẩy gia tăng các hoạt động sản xuất với “Tầm nhìn 2025” trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và Mục tiêu dài hạn cho đến 2035, với kế hoạch thiết lập các cơ chế để biến các công ty vừa và nhỏ trở thành ”người khổng lồ nhỏ” trong các lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, các số liệu mới đây cho thấy khó khăn của Trung Quốc trong việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng lẫn việc tái cấu trúc nền kinh tế. Sản xuất suy yếu kết hợp với việc thiếu hụt các dự án xây dựng cơ sở vật chất mới giống Mỹ có thể khiến cho nhu cầu năng lượng nói chung và dầu thô nói riêng tại đây sụt giảm.
Hồng Hoa

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)