Số liệu tồn kho thế giới có thể bị USDA cắt giảm trong báo cáo tối nay sẽ là yếu tố hỗ trợ giá lúa mì
Giá lúa mì mở cửa sáng nay đang giảm nhẹ trong tâm lí chờ đợi của thị trường. Kể từ đầu tháng 7 tới nay, lúa mì là mặt hàng nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường với mức tăng mạnh gần 20%. Liệu lúa mì có giữ được xu hướng tăng này hay sẽ bước vào nhịp giảm mới đang là câu hỏi được mong chờ trước báo cáo Cung - cầu tháng 8 được Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào đúng 23:00 tối nay.
Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đông Nam Á đang dần chuyển hướng quan tâm và sử dụng lúa mạch để thay thế một phần nhỏ lượng protein khi họ tiếp tục phải đối mặt với việc giá lúa mì đang tăng lên. Theo số liệu từ hải quan Philippines, nước này đã nhập khẩu 109,659 tấn lúa mạch của Úc làm thức ăn chăn nuôi trong khoảng thời gian từ 10/2020 đến 06/2021, tăng từ mức chỉ 5.500 tấn trong cùng kỳ năm trước và 11.500 tấn trong giai đoạn 2019-2020. Xu hướng nhập khẩu lúa mạch tăng lên này cũng diễn ra ở Việt Nam, Thái Lan. Nhu cầu tiêu thụ lúa mì có nguy cơ giảm xuống nếu tỉ lệ thay thế tiếp tục tăng lên sẽ là yếu tố tạo áp lực lên giá nhưng tác động “bearish” từ thông tin này hiện tại sẽ không quá lớn.
 
Các yếu tố cơ bản có thể không còn hỗ trợ nhiều cho giá Cà phê tăng
Kết thúc phiên giao dịch 11/8, giá Cả hai mặt hàng Cà phê tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp. Giá Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1% lên 187 cents/pound, giá Robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng nhẹ lên 1864 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở tăng nhẹ lên mức 55% chiết khấu cho giá Cà phê Robusta.
Giá Cà phê vẫn được hỗ trợ rất tốt nhờ vào những lo ngại về nguồn cung. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo tổng sản lượng Cà phê toàn cầu cho niên vụ 2020/2021 sẽ đạt gần 170 triệu bao, trong khi tổng mức tiêu thụ ở mức 167.6 triệu bao. Điều này sẽ làm cho thặng dư Cà phê trên toàn cầu ở mức 2.02 và giảm so với mức ước tính trước đó vào tháng 7 là 2.26 triệu bao.
Niên vụ Cà phê của niên vụ tới sẽ chịu nhiều tổn thất vì đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng 90 năm và đợt sương giá nghiêm trọng ở Brazil mới đây. Do đó, thặng dư Cà phê trên toàn cầu có thể tiếp tục giảm trong niên vụ tới, trong khi nhu cầu được dự báo sẽ tăng mạnh nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố trong hôm qua cũng giảm so với dự báo của giới chuyên môn, khiến cho giới đầu tư tiếp tục tin tưởng vào việc FED sẽ duy trì các chính sách nới lỏng. Nguồn cung tiền trên thị trường vẫn ở mức cao, khiến cho các thị trường đầu tư như thị trường Cà phê vẫn được hưởng lợi.
 
Kim loại quý đi ngang, giá Đồng có thể tiếp tục bứt phá
Kết thúc phiên giao dịch 11/8, giá Bạc đóng cửa tăng nhẹ 0.5% lên 23.49 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim có một phiên hồi phục mạnh gần 3% lên 1015 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua giảm còn 0.3% so với mức 0.9% của tháng trước, đồng thời mức giảm này cũng nhiều hơn so với dự báo của các chuyên gia đưa ra trước đo. Số liệu lạm phát này củng cố cho quan điểm “Lạm phát chỉ mang tính chất tạm thời” của các quan chức FED. Do đó, cơ quan này có thể tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng bao gồm lãi suất thấp và khoản mua tài sản trị giá 120 tỉ USD mỗi tháng. Điều này khiến cho đồng USD bị suy yếu và hỗ trợ cho giá của Bạc và Bạch kim tăng.
Trong hôm nay, chỉ số giá sản xuất PPI sẽ được công bố. Nếu chỉ số này cũng thấp hơn so với dự báo, giá của Bạc và Bạch kim có thể tiếp tục tăng nhờ vào sự mất giá của đồng bạc xanh.
Dưới lăng kính kỹ thuật, giá Bạc đang tích lũy trong biên độ 23.1 – 23.67 USD/ounce. Giá có thể test lại mức kháng cự 23.65 USD/ounce trong phiên hôm nay trong bối cảnh tin tức lạm phát tích cực đối với giá.
Ở thị trường Bạch kim, giá bứt phá mạnh trong phiên hôm qua nhờ vào sự suy yếu của đồng USD và lực mua mạnh đưa giá qua khỏi mức kháng cự 1000 USD/ounce.
Bên cạnh hai mặt hàng kim loại quý, sắc xanh cũng tiếp tục duy trì trên thị trường Đồng. Những lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra tại nhiều mỏ đồng lớn ở Chile là yếu tố hỗ trợ rất lớn đối với giá Đồng trong các phiên gần đây.
 
Thị trường dầu tiếp tục đón nhận các tín hiệu lạc quan
Giá dầu tăng trở lại trong ngày hôm qua sau khi Nhà Trắng cho biết các nỗ lực để tăng sản lượng dầu của OPEC được thực thi trong dài hạn, trong khi Mỹ không yêu cầu các công ty dầu đá phiến trong nước gia tăng sản lượng. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 1.41% lên 69.25 USD/thùng, giá Brent tăng 1.15% lên 71.44 USD/thùng.
Nhìn vào số liệu trong Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA, mặc dù tiêu thụ xăng dầu giảm trong tuần vừa rồi, tuy nhiên vẫn đang rất sát so với số liệu năm 2019. Điều này củng cố phần nào tâm lý thị trường. Nhìn vào số liệu mới nhất của Cục thống kê giao thông vận tải Mỹ, chỉ có số chuyến đi trong phạm vi 25-100 dặm giảm, trong khi ở các cung đường chính khác khác lượng giao thông đều tăng. Trong khi đó, số người ở trong nhà tiếp tục xu hướng giảm từ cuối tháng 6.
Tại các nước khác cũng đã xuất hiện các tín hiệu tích cực. New Zealand vừa công bố lộ trình 4 bước để mở cửa biên giới bắt đầu từ 2022. Đây là một trong những quốc gia kiểm soát chặt biên giới với chủ trương “Zero Covid”, do đó thông báo vừa rồi có thể được xem là thay đổi mới của các chính phủ đối với tình hình thực tế của dịch.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)