Thời tiết vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì
Giá lúa mì mở cửa phiên sáng nay tiếp tục giảm nhẹ và gần như xoá hết mức tăng mạnh của phiên đầu tuần. Số liệu bán hàng lúa mì Mỹ cho thấy Trung Quốc vắng bóng trong các đơn mua hàng gần đây là dấu hiệu của việc nước này có thể sẽ giảm tốc độ nhập khẩu trong thời gian tới và là lý do khiến giá tiếp tục giảm trong sáng nay.
Theo số liệu từ Sở giao dịch Buenos Aires (BAGE), nông dân Argentina hiện đã sắp hoàn thành gieo trồng 16 triệu mẫu lúa mì. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng – giảm thất thường trong 2 tuần vừa qua khiến lúa mì vừa gieo không thích ứng kịp, và đe doạ đến sự tăng trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là ở khu vực phía tây. Chất lượng lúa mì được đánh giá tốt - tuyệt vời tiếp tục giảm 8% xuống mức 48% và thấp hơn mức 54% cùng kì năm ngoái. Dự báo thời tiết cho thấy khô hạn vẫn sẽ duy trì ở Nam Mỹ trong tuần tới và tiếp tục gây căng thẳng lên sự phát triển của lúa mì. Bên cạnh đó, ở châu Âu, trong khi độ ẩm vẫn ở mức cao gây ra nguy cơ ngập úng cho cây trồng ở Đức và Pháp trong tuần vừa qua thì dự báo tuần tới mưa dông sẽ lại bao phủ khu vực này, càng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lúa mì. Thông tin này sẽ là yếu tố hỗ trợ tới giá lúa mì.
Biên độ đi ngang của hai mặt hàng Cà phê có thể được duy trì sang tới tuần sau
Kết thúc phiên giao dịch 5/8, giá hai mặt hàng Cà phê tiếp tục diễn biến trái chiều. Sắc xanh vẫn tiếp tục duy trì ở thị trường Cà phê Arabica bằng mức tăng nhẹ 0.71% lên 176.9 cents/pound, trái lại giá Robusta giảm nhẹ còn 1764 USD/tấn. Chênh lệch giá vẫn ở mức 55% chiết khấu đối với giá Robusta.
Như các dự đoán trước đó, giá Cà phê đang ở trong trạng thái tích lũy đi ngang, với mức giá đóng cửa cuối ngày không quá chênh lệch so với các phiên trước đó.
Thời tiết ở Brazil được dự báo sẽ ấm lên và duy trì trong các tuần kế tiếp, tuy nhiên, dự báo cũng cho biết hiện tượng La Nina có thể xảy ra vào cuối năm nay và sẽ làm giảm lượng mưa ở các vùng trồng Cà phê ở nước này.
Các tin tức về dịch bệnh hiện không còn gây sức ép quá nhiều lên giá. Bên cạnh đó, việc các nước đang không ngừng đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin có thể khiến cho dịch bệnh sớm được kiểm soát. Do đó, trong dài hạn, giá Cà phê vẫn được hỗ trợ, nhưng trong bối cảnh các tin tức không đủ “bullish” để khiến cho lực mua mạnh hơn, chu kì đi ngang của Cà phê có thể tiếp tục kéo dài tới tuần sau.
Cơ hội bán khống cho các nhà đầu tư khi dòng tiền dịch chuyển khỏi thị trường kim loại quý
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/8, cả hai mặt hàng kim loại quý tiếp tục lao dốc. Giá Bạc giảm 0.66% còn 25.3 USD/ounce, giá Bạch kim đóng cửa ở mức 1005 USD/ounce. Đáng chú ý đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của Bạch kim kể từ tháng 12/2020.
Cả hai mặt hàng kim loại quý tiếp tục suy yếu trước sức ép của đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 tiếp tục lập đỉnh mới trong tuần này, khiến cho dòng vốn đổ vào thị trường kim loại quý bị chia sẻ bớt.
Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được công bố vào hôm qua cũng giảm so với tháng trước càng củng cố cho các tín hiệu thắt chặt của FED trước đó. Tuy vậy, hai báo cáo việc làm quan trọng nhất của tuần này là số liệu bảng lương phi nông nghiệp và tỉ lệ thất nghiệp tháng 7 mới là yếu tố sẽ gây biến động mạnh nhất đối với thị trường kim loại quý trong phiên hôm nay. Nếu số liệu tích cự hơn so với dự báo, giá của các mặt hàng kim loại quý được dự đoán sẽ suy giảm rất mạnh.
Bên cạnh tin tức cơ bản, các tín hiệu kỹ thuật cũng cho thấy những tín hiệu thiếu khả quan ở cả hai thị trường Bạc và Bạch kim.
Ngoài hai mặt hàng kim loại quý, các nhà đầu tư cũng có cơ hội đầu tư ở thị trường kim loại cơ bản. Tuy giá Đồng đã giảm liên tiếp trong nhiều phiên, nhưng xu hướng phát triển năng lượng xanh trên thế giới vẫn củng cố cho nhu cầu tiêu thụ của kim loại này. Bên cạnh đó, giá Đồng cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố kỹ thuật do đây là mặt hàng được ưa chuộng của các quỹ đầu cơ.
Mất dần đà tăng, giá dầu có thể chuyển sang xu hướng đi ngang trong ngắn hạn
Giá dầu tăng lần đầu tiên từ đầu tuần khi tâm lý các nhà đầu tư được cải thiện trên khắp các thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.38% lên 69.09 USD/thùng, giá Brent tăng 1.29% lên 71.29 USD/thùng.
Một loạt các tin tức tích cực đã quay trở lại hỗ trợ cho thị trường năng lượng ngày hôm qua ngay khi giá mở dầu đã xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Ngay khi số ca nhiễm mới chạm đến 100,000 ca/ngày tại Mỹ, số người đi tiêm vắc-xin đã tăng tốc lên 800,000 mũi/ngày - mức đỉnh đầu tháng 7, phần nào giảm bớt các lo ngại về về viễn cảnh phong toả trở lại. Trong khi đó cả Mỹ và Trung Quốc đều cam kết sẽ đóng góp cho chương trình tiêm chủng diện rộng COVAX của WHO và các nước thu nhập thấp trong năm nay.
Tuy nhiên, theo cố vấn của Nhà Trắng về y tế, phải 2 tuần sau khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin người dân mới được xem là có đủ miễn dịch chóng COVID-19, do đó sớm nhất đến cuối tháng 9 tình hình dịch mới cải thiện đáng kể. Trong khi đó, việc Bắc Kinh thiết lập các ràng buộc về chính sách tiêu tùng, sản xuất và tiền tệ có thể tác động tiêu cục đến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.