Yếu tố nguồn cung thắt chặt sẽ là dấu hiệu xác nhận cho nhịp tăng mới của giá ngô
Sau phiên giao dịch ngày 12/08 với diễn biến tăng sốc sau khi báo cáo Cung-cầu được công bố rồi lại giảm vào cuối phiên, giá ngô không chỉ thể hiện rõ hơn cán cân hiện tại đang nghiêng về bên mua mà còn phần nào cho thấy được tâm lí vẫn còn chưa chắc chắn của thị trường. Mặc dù đã phá vỡ khoảng đi ngang biên độ 540-560, với khối lượng giao dịch đột biến đúng với mô hình phiên bùng nổ của giá nhưng lực bán mạnh lên khiến giá ngô mất đi một nửa mức tăng trước đó là yếu tố đáng chú ý.
Số liệu trong báo cáo Cung-cầu tối qua đều cho thấy rõ ràng yếu tố nguồn cung toàn cầu đang bị thắt chặt, với nguyên nhân chính bắt nguồn từ mức giảm sản lượng ở các vùng sản xuất chính. Luận điểm cho rằng năng suất ngô ở những bang phía Đông Midwest sẽ bù lại cho thiệt hại từ những bang ở phía Tây khu vực, nơi đang phải gánh chịu hạn hán nặng nề của phe gấu đã hoàn toàn bị bác bỏ. Ước tính năng suất của Minnesota là mức thấp nhất trong 7 năm, South Darkota trong 14 năm và North Darkota trong 20 năm khiến cho năng suất chung của các nước giảm mạnh và thấp hơn nhiều so với dự đoán của thị trường.
 
Giá Cà phê có thể không biến động mạnh trong phiên cuối tuần
Thị trường Cà phê kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8 với diễn biến trái chiều. Trong khi hợp đồng Cà phê Arabica tháng 12 tăng 1.4% lên 189.6 cents/pound thì hợp đồng Robusta tháng 11 giảm nhẹ 0.54% còn 1854 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên 55.6% chiết khấu đối với giá Cà phê Robusta.
Giá Arabica tăng đều đặn và ổn định trong suốt một tuần nay có thể là tín hiệu phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Dòng tiền đổ về thị trường với niềm tin rằng giá Cà phê sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi mà thặng dư Cà phê trên toàn cầu có thể tiếp tục giảm.
Trái lại, giá Robusta không duy trì được đà tăng và thị trường đang có dấu hiệu ảm đạm hơn so với các phiên đầu tuần. Tổng cục Hải Quan Việt Nam công bố mức xuất khẩu Cà phê tháng 7 của Việt Nam tăng 11.2% so với tháng trước, tuy nhiên tổng mức xuất khẩu Cà phê trong 7 tháng đầu 2021 lại giảm 8%.
Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tin tức mới, giá Cà phê có xu hướng phản ứng với các tín hiệu kỹ thuật.
 
Kim loại quý ảm đạm đi ngang, giá Đồng có thể tăng trở lại
Kết thúc phiên giao dịch 12/8, giá hai mặt hàng kim loại quý đi ngược chiều nhau. Trong khi Bạc kỳ hạn tháng 9 giảm 1.6% còn 23.1 USD/ounce, giá Bạch kim kỳ hạn tháng 10 tăng nhẹ 0.2% lên 1017 USD/ounce.
Sự phân hóa này là điều hiếm thấy trên thị trường trong những ngày có các tin tức quan trọng. Bộ Lao động Mỹ đã công bố số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần này ở mức 375,000 đơn, trùng với con số của giới chuyên gia đưa ra trước đó. Trái lại, chỉ số giá sản xuất PPI tăng cao hơn với mức dự báo lên 1%. Việc hai thước đo lạm phát CPI và PPI trái chiều nhau khiến cho các nhà đầu tư kim loại quý có phần lưỡng lự giữa các quyết định mua bán.
Các tin tức cơ bản giờ đây không còn hỗ trợ nhiều cho giá của các mặt hàng kim loại quý. Rất nhiều quan chức của FED với lập trường ôn hòa thì giờ đây cũng quay sang kêu gọi thắt chặt sớm hơn. Chủ tịch FED San Francisco Mary Daly, vốn là một thành viên luôn ủng hộ các chính sách nới lỏng, cũng phát biểu rằng các mục tiêu mà FED đặt ra cho nền kinh tế có thể đạt được vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022, do đó, các chính sách tiền tệ sẽ được cắt giảm sớm hơn.
 
Thị trường dầu vẫn còn những điểm sáng trong năm nay
Giá dầu giảm nhẹ ngày hôm qua sau khi báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA điều chỉnh giảm nhu cầu dầu thô thế giới trong nửa cuối năm nay. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm nhẹ 0.23% xuống 69.09 USD/thùng, giá Brent giảm 0.18% xuống 71.31 USD/thùng.
Mặc dù IEA chỉ hạ dự báo nhu cầu trong toàn cầu xuống 200,000 thùng/ngày trong năm nay, tuy nhiên ước tính mức tiêu thụ trong quý III giảm 700,000 thùng/ngày so với báo cáo trước. Điều này gây áp lực lên giá, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang gia tăng ở châu Á.
Theo đánh giá của Goldman Sachs, nguồn cung ngoài OPEC (ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc) gia tăng chậm hơn đáng kể so với với ước tính của IEA. Nếu dự đoán của Goldman Sachs là đúng, thị trường sẽ tránh được tình trạng dư cung trong đầu năm 2022 mà IEA dự đoán trong báo cáo hôm qua. Trong khi đó, tại nội bộ OPEC, một số nước thành viên như Angola và Nigeria đang gặp khó khăn trong việc cung cấp sản lượng ngay theo cả hạn ngạch hiện tại. Thực tế là ngoại trừ 5 thành viên được tăng hạn ngạch trong cuộc họp vừa rồi (Kuwait, Iraq, UAE, Saudi Arabia, Nga), phần lớn các thành viên khác đều đang gặp khó khăn trong duy trì và gia tăng sản lượng do thiếu hụt đầu tư, bất ổn nội bộ, an chinh khu vực và chính trị. Trong khi đó cơ sở để tính hạn ngạch được cấp cho Nga (11.5 triệu thùng/ngày) cao hơn cả năng lực sản xuất thực tế hiện tại. Trong Báo cáo Thị trường dầu năm 2021, IEA ước tính cho đến năm 2026 công suất của Nga cũng chỉ đạt 11.3 triệu thùng/ngày. Như vậy, mặc dù nhu cầu sẽ chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, tuy nhiên có khả năng nguồn cũng sẽ không gia tăng vượt nhu cầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)