Giá ngô tiếp tục đi ngang với biên hẹp chờ đợi báo cáo Cung-cầu tháng 8
Mở cửa phiên giao dịch ngày 11/08, giá ngô tiếp tục giằng co trên mức hỗ trợ 550 trong khi thị trường vẫn thiếu vắng thông tin mới và các yếu tố cung cầu vẫn đang tạo ra tác động trái chiều.
Phiên hôm nay có khả năng giá ngô vẫn sẽ duy trì trong khoảng đi ngang hiện tại trước khi Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo Cung-cầu vào 23:00 tối mai, 12/08. Trong báo cáo này, thị trường đang kì vọng USDA sẽ giảm năng suất mùa vụ ngô Mỹ niên vụ 2021/22 xuống mức 177.6 giạ/mẫu, thấp hơn mức 179.5 giạ/mẫu trong báo cáo tháng 7. Điều này sẽ kéo theo sản lượng giảm xuống. Bên cạnh đó, CONAB vừa cắt giảm ước tính sản lượng ngô Brazil niên vụ 2020/21 xuống mức 86.65 triệu tấn và giảm gần 7 triệu tấn chỉ trong 1 tháng, dẫn tới xuất khẩu của nước này cũng giảm xuống. USDA thường có cùng ước tính sản lượng với CONAB trong hầu hết các báo cáo trước đây. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là USDA sẽ làm gì với mức xuất khẩu giảm xuống của Brazil, thị trường đang kỳ vọng về mức xuất khẩu ngô Mỹ sẽ tăng lên để bù lại cho con số này. Sản lượng giảm xuống nhưng xuất khẩu lại tăng lên sẽ tạo ra tỉ lệ tồn kho/ sử dụng rất thấp ở Mỹ. Đây sẽ là yếu tố tạo tác động “bullish” mạnh đối với giá ngô.
 
Những khó khăn trong chuỗi logistics toàn cầu có thể tiếp tục hỗ trợ giá Cà phê tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, giá Cà phê trên hai sở đồng loạt bứt phá. Giá Arabica kỳ hạn tháng 12 tiếp tục tăng 1.5% lên 185.1 USD/tấn, giá Robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa với mức tăng mạnh gần 4% lên 1863 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở giảm nhẹ còn 54% chiết khấu cho giá Robusta.
Phiên tăng giá của hôm qua đã hoàn toàn đưa giá của hai mặt hàng Cà phê ra khỏi xu thế đi ngang ảm đạm của tuần trước. Lực mua mạnh duy trì suốt cả phiên hôm qua là minh chứng rõ ràng cho việc dòng vốn đã quay trở lại với thị trường Cà phê. Giới đầu tư hiện vẫn rất tin tưởng vào triển vọng của cả hai mặt hàng Cà phê nhất là trong bối cảnh nguồn cung đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil, biến chủng virus Corona mới, Lamda, đang hoành hành ở các nước khu vực Nam Mỹ, trong đó có Brazil, cũng là một rủi ro mà ngành Cà phê phải đối mặt. Các hoạt động sản xuất và đặc biệt là chuỗi vận chuyển sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn.
Hiệp hội xuất khẩu Cà phê ở Brazil cho biết sản lượng xuất khẩu Cà phê trong tháng 7 đạt 2.83 triệu bao, giảm 12.8% so với cùng kỳ năm trước, bởi Cà phê hiện khó cạnh tranh để được xuất khẩu so với các sản phẩm khác ở Brazil.
 
Thị trường kim loại quý khởi sắc sau chuỗi ngày bị bán tháo mạnh
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá Bạc tăng 0.5% lên 23.4 USD/ounce, giá Bạch kim tăng 1.7% lên 987 USD/ounce.
Giá các mặt hàng kim loại quý đồng loạt bật tăng nhờ vào lực mua bắt đáy của các nhà đầu tư trong bối cảnh mà sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu còn thiếu chắc chắn do biến chủng Delta đang hoành hành. Bên cạnh đó, Thượng viện Mỹ cũng thông qua gói ngân sách hạ tầng trị giá 1000 tỷ USD. Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục thúc đẩy một gói ngân sách khác trị giá 3500 tỷ USD. Nguồn cung tiền trên thị trường trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng và đồng USD nhiều khả năng sẽ khó có thể tăng giá. Do đó, nhiều nhà đầu tư cũng phân bổ dòng vốn của mình vào các thị trường trú ẩn an toàn trong bối cảnh giá Bạc và Bạch kim đều đang ở mức thấp nhất trong vòng nửa năm qua.
Chất xúc tác của thị trường trong tuần này có thể đến từ hai thang đo lạm phát quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố vào hôm nay và chỉ số giá sản xuất PPI được công bố vào ngày mai. Bên cạnh đó, các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang cũng có bài phát biểu trong hôm nay. Nếu bất kì tín hiệu thắt chặt nào được củng cố, giá Bạc và Bạch kim sẽ gặp rất nhiều sức ép, bất chấp các chỉ số lạm phát tăng cao hơn dự báo.
 
Thị trường châu Á tiếp tục tăng trưởng bất chấp lo ngại về dịch COVID-19
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng mạnh 2.72% lên 68,29 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,3% lên 70.63 USD/thùng.Giá dầu khởi sắc cùng với thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư tin tưởng rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng dù dịch COVID-19 gia tăng trở lại tại một số nước.
Mặc dù tình hình COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Á, nhưng đã những dấu hiệu cho thấy kinh tế khu vực này vẫn còn có triển vọng phục hồi. Sau khi mở cửa trở lại vào ngày hôm qua, Singapore đã nâng dự báo GDP trong năm nay từ 4-6% lên 6-7%. Con số này cao hơn ước tính của các nhà kinh tế dưới khảo sát của Reuters. Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc cũng giảm từ 3.7% xuống còn 3.3% - mức thấp nhất trong vòng 1 tháng bất chấp Thủ đô Seoul bị đặt dưới lệnh phong toả nghiêm ngặt. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu của Ấn Độ tiếp tục phục hồi trong tháng 7 và tăng 3% so với tháng 06/2021, nhờ việc các hạn chế di chuyển được nới lỏng ở hầu hết các bang trên toàn quốc. Tiến trình tiêm chủng vắc-xin nhanh chóng tiếp tục là chìa khoá giúp cho các quốc gia này phục hồi sau một thời gian dài đóng cửa. Có thể thấy, thị trường đang dần ổn định trở lại trước chuỗi bán tháo kéo dài hơn 1 tuần.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)