Vùng hỗ trợ 1646 có thể sẽ đẩy giá đậu tương tiếp tục tăng mạnh trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/05, giá đậu tương vẫn đang giằng co quanh mức tham chiếu. Sau khi tạo gapup và bật tăng mạnh vào đầu tuần, giá đã dần suy yếu và fill lại khoảng gap này trong phiên sáng nay. Mặc dù nguồn cung hiện tại của đậu tương không quá lo ngại như 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại là ngô và lúa mì nhưng với triển vọng thời tiết trở nên bất lợi hơn đối với mùa vụ của Mỹ thì giá có khả năng vẫn sẽ được hỗ trợ và tiếp tục duy trì nhịp tăng bắt đầu từ vùng 1580.
Thời tiết khô ráo hơn trong tuần vừa rồi đã giúp tốc độ gieo trồng đậu tương tại Midwest được đẩy mạnh. Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo Crop Progress sáng nay khi tiến độ đã tăng mạnh 18%. Tuy nhiên, con số này sẽ không tác động “bearish” quá mạnh đến giá đậu tương trong phiên hôm nay do so sánh với trung bình 5 năm trước, tiến độ năm nay vẫn đang chậm hơn. Ngoài ra, sự chuyển biến rõ ràng về thời tiết cũng thường được phản ánh vào giá rất nhanh, phiên sụt giảm đầu tuần trước cũng xuất phát từ việc thời tiết trở nên khô ráo hơn. Bên cạnh đó, triển vọng sắp tới hoạt động gieo trồng cũng sẽ khó đạt được tốc độ như tuần vừa rồi do dự báo mưa bão lại tiếp tục xuất hiện. Chính vì thế, cùng với diễn biến khá tích cực nhờ giá bật tăng sau khi fill gap, lực mua có thể sẽ được đẩy mạnh đối với giá đậu tương trong phiên tối nay.
Một yếu tố khác mặc dù đang khá mờ nhạt nhưng có thể sẽ tác động mạnh hơn tới giá đậu tương trong thời gian tới là nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc. Công tác kiểm soát dịch bệnh Thượng Hải, đã có nhiều tín hiệu tích cực, khi số ca mắc mới trong một ngày tại thành phố này liên tục giảm mạnh. Nếu tình hình được cải thiện, Trung Quốc mở cửa trở lại cùng với kinh tế hồi phục, nhu cầu nhập khẩu đậu tương có thể sẽ trở nên tích cực hơn.

Nỗ lực khôi phục chuỗi cung ứng tại Trung Quốc gặp khó khăn vẫn tạo áp lực lên giá đồng
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng đang đón nhận những tín hiệu tăng trở lại nhờ tình hình dịch bệnh được cải thiện tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng vẫn đang gặp nhiều trở ngại vẫn sẽ là yếu tố cản trở sự phục hồi của giá đồng trong ngắn hạn.
Việc Thượng Hải có ngày thứ 3 liên tiếp không có ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng là cột mốc quan trọng cho các hành động nới lỏng phong toả và nối lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, “cánh cửa” cho quá trình nhập khẩu đồng vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi hoạt động thông quan vẫn chậm trễ do ảnh hưởng của chính sách kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, đại dịch đã gây ra ảnh hưởng lớn đến hoạt động tháo dỡ đồng phế liệu và thu mua nguyên liệu, khiến cho một số nhà sản xuất đồng thứ cấp đã ngừng hoặc phải cắt giảm sản xuất.
Theo đánh giá, hoạt động kinh tế có thể sẽ được nới lỏng trước các thông tin tích cực trong chính sách chống dịch của Trung Quốc, tuy nhiên, việc phục hồi có thể chậm trễ do chuỗi cung ứng chưa thể nối lại ngay trong ngắn hạn. Các dự án xây dựng và bảo vệ lưới điện vẫn bị đình chỉ, do đó nhu cầu về dây cáp giảm, dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn đồng nhận được ít đơn đặt hàng hơn. Nhìn chung, nhu cầu về đồng có thể phục hồi nhưng việc tiêu thụ các thiết bị đầu cuối vẫn tiếp tục giảm. Do vậy, giá đồng vẫn đang nhận được rất ít những sự hỗ trợ trong các phiên giao dịch sắp tới.
Tồn kho trên Sở Thượng Hải đã đạt mức hơn 170,000 tấn do lượng nhập khẩu tăng lên, lớn hơn khá nhiều so với con số khoảng 100,000 tấn vào hồi đầu tháng 4. Tồn kho trên Sở Giao dịch LME cũng đang dần được phục hồi, tuy nhiên các số liệu vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Về mặt tích cực, kỳ vọng về sức tiêu thụ của thị trường đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ phục hồi trong khoảng đầu tháng 6 khi tình hình đại dịch bắt đầu được cải thiện. Thị trường đồng sẽ dần được hồi phục trong dài hạn.
Xét về yếu tố kỹ thuật, trên khung H4, giá đồng đang có xu hướng giảm sau khi chạm mức kháng cự 4.24 USD/pound. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế bán với kỳ vọng chốt lời ở vùng hỗ trợ quanh mức giá 4.1 USD/pound.

Giá dầu giằng co với khoảng hẹp trong nửa đầu ngày giao dịch 17/05
Giá dầu giằng co với khoảng hẹp trong nửa đầu ngày 17/05, cho thấy mặc dù đã tạo ra một số tín hiệu “bullish” khi phá vỡ các kháng cự quan trọng, nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố “bearish” khiến lực mua chưa thực sự mạnh lên. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 6 vẫn giao dịch quanh mức 114 USD/thùng và giá dầu Brent tháng 7 giao dịch quanh mức 114.2 USD/thùng. Sự trái chiều trong thời gian gần đây đã khiến chênh lệch giá của 2 loại dầu này giảm xuống mức rất thấp, về lý thuyết sẽ tạo áp lực giảm cho dầu WTI hoặc hỗ trợ lực mua cho dầu Brent trong vài phiên tới.
Bên cạnh các thông tin xoay quanh việc Trung Quốc nới lỏng phong tỏa, thị trường sẽ dành nhiều sự chú ý đến việc Hungary đang phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của khối EU. Nhiều quốc gia kêu gọi liên minh châu Âu EU bỏ qua Hungary để sớm thông qua lệnh cấm, nhưng lãnh đạo EU chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện lời kêu gọi này ngay lập tức. Trước đó, Hungary đã đưa ra những yêu cầu được coi là “khó chấp nhận” để nước này thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Nếu EU không thể áp dụng một biện pháp cụ thể nào trong việc giảm lượng nhập khẩu dầu từ Nga, nghĩa là yếu tố “bullish” nhất trên thị trường trong suốt 2 tháng vừa qua sẽ trở nên yếu đi và dần dần có thể tạo ra 1 làn sóng bán tháo trên thị trường năng lượng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì và nhiều chuyên gia cho rằng việc EU có cấm nhập khẩu dầu của Nga hay không sẽ quyết định việc giá dầu có thể lên tới 150 USD/thùng hay sẽ giảm lại vùng 70 USD/thùng trong năm nay.
Cũng trong nhóm năng lượng, giá xăng RBOB của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong ngày hôm qua. Dù giá đang điều chỉnh giảm nhẹ trong sáng nay, nhưng các chuyên gia cho rằng giá cao sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu sử dụng vốn sẽ bước vào giai đoạn cao điểm trong vài tuần tới. Nếu giá xăng tiếp tục tăng lên, chắc chắn sẽ có những tác động nhất định lên thị trường dầu thô, đặc biệt là dầu WTI. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khoảng cách giữa giá dầu Brent và dầu WTI thu hẹp lại trong vài ngày trở lại đây.
Thị trường có lẽ sẽ trải qua 1 – 2 ngày biến động với khoảng hẹp khi cần thời gian để các thông tin mới được tung ra. OPEC+ sẽ “án binh bất động” và sự chú ý về nguồn cung sẽ tập trung vào câu chuyện Nga – EU, còn nhu cầu sẽ xoay quanh chính sách zero Covid của Trung Quốc. Với diễn biến như hiện tại, chúng tôi cho rằng giá dầu có thể sẽ có sự điều chỉnh giảm nhẹ trong ngày hôm nay, nhưng mức giảm không lớn và giá sẽ vẫn neo ở các vùng cao trên 110 USD/thùng trong ít nhất 1 – 2 ngày tới.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV