Những số liệu trong báo cáo Cung - cầu tối nay có khả năng sẽ hỗ trợ cho giá ngô trong trung hạn
Mở cửa phiên giao dịch ngày 12/05, giá ngô vẫn chỉ đang biến động giằng co như tâm lí chờ đợi thường thấy trong phiên công bố báo cáo Cung – cầu hàng tháng. Trong 2 tuần vừa qua, giá đã bước vào nhịp giảm điều chỉnh khá mạnh sau xu hướng tăng kéo dài trong vài tháng qua. Những số liệu trong báo cáo tháng 5 này sẽ mang lại nhiều tác động bullish đến giá hơn và có khả năng sẽ hỗ trợ giá ngô quay trở lại đà tăng.
Thị trường đang tiếp tục kì vọng USDA sẽ cắt giảm dự báo sản lượng ngô của 2 quốc gia Nam Mỹ niên vụ 2021/22. Ở Argentina, con số này được dự đoán sẽ giảm 1 triệu tấn xuống mức 52 triệu tấn. Mặc dù hoạt động thu hoạch đang diễn ra khá thuận lợi nhưng cũng không giúp cải thiện chất lượng cây trồng đã bị ảnh hưởng trong vài tháng vừa qua. Trong báo cáo tháng 4, USDA cũng vẫn giữ nguyên số liệu trên nên khả năng cao dự báo tối nay sẽ bị hạ xuống như kỳ vọng của thị trường.
Nếu như sản lượng Brazil được dự báo tăng là yếu tố đã khiến cho giá suy yếu trong phiên công bố báo cáo tháng trước thì ngược lại, số liệu này đang là yếu tố hỗ trợ cho giá. Tình trạng cây trồng ở hầu hết các bang sản xuất chính đều kém khả quan, với năng suất dự báo đều thấp hơn kỳ vọng ban đầu. Một số hãng tin lớn cũng đã cắt giảm mức sản lượng này xuống còn 112 triệu tấn, so với mức 116 triệu tấn mà USDA đưa ra. Không những thế, mùa vụ của nước này hiện cũng đang gặp phải những rủi ro về sương giá nên kể cả trong trường hợp USDA không điều chỉnh số liệu này thì thời tiết vẫn sẽ là yếu tố “bullish” tiềm ẩn đối với giá ngô trong trung hạn.
Một yếu tố đáng lưu ý khác là trong báo cáo lần này, USDA sẽ lần đầu đưa ra những số liệu về nguồn cung trong niên vụ 22/23. Tuy nhiên, cho đến nay thì những số liệu mà thị trường tiếp cận mới đang là diện tích và tiến độ nên khả năng sẽ không gây ra nhiều tác động lên giá trong phiên hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Giá cà phê có thể phục hồi tại các vùng hỗ trợ tâm lý
Giá cà phê Arabica đã có một phiên tăng rất mạnh kể từ tháng 07 năm ngoái đến nay trong ngày hôm qua, và đẩy giá về lại sát vùng 220 cent/pound, lấy lại hết mức giảm của 4 phiên trước đó.
Một sự tương đồng đáng chú ý là trong lần gần nhất giá Arabica tăng mạnh như vậy, cũng là do lo ngại về sương giá xuất hiện tại các vùng gieo trồng cà phê chính của Brazil, và các thông tin này thường tác động rất lớn đến tâm lý của giới đầu tư, thậm chí trước cả khi ảnh hưởng đến sản lượng.
Mặc dù thời tiết tại Minas Gerais được dự báo giảm về dưới 10 độ vào cuối tuần này, nhưng đây mới chỉ là những đợt lạnh đầu mùa, và nhiệt độ sẽ phục hồi ngay sau đó. Chính vì thế, giá có thể nhanh chóng giảm trở lại trong hôm nay, khi thị trường có thời gian đánh giá thông tin một cách chính xác hơn. Bên cạnh đấy, tâm lý chốt lời của giới đầu cơ lướt sóng cũng sẽ gia tăng và có thể đẩy giá về lại vùng hỗ trợ 210 – 215 cents.
Đối với Robusta, giá đang bị cản lại ở đường MA50 và MA20, cùng với 2 đường Tenkan và Kijun của chỉ báo Ichimoku. Trong bối cảnh thị trường hàng hóa đều đang suy yếu, và không có yếu tố cơ bản nào hỗ trợ, nhiều khả năng giá Robusta sẽ hướng lại về vùng hỗ trợ quan trọng 2000 USD.
Hãng Louis Dreyfus cho biết, các nhà máy ở trung nam Brazil có khả năng chỉ sản xuất 29 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại (bắt đầu từ tháng 04), khi mà việc sản xuất ethanol đang được ưu tiên hơn do giá nhiên liệu tăng cao.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Bảo Trung
Giá đồng có thể phục hồi trong dài hạn nhờ những tín hiệu thúc đẩy kinh tế của Chính phủ Trung Quốc
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng liên tục giảm và chạm ngưỡng hỗ trợ 4.13 USD/pound trước khi tăng nhẹ trở lại. Các số liệu về lạm phát tại Mỹ và sự không chắc chắn đối với các chính sách vĩ mô trong tương lai, cùng với chính sách Zero-Covid kéo dài tại Trung Quốc đã khiến giá đồng giằng co quanh mức 4.13 – 4.21 USD/pound.
Các số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang được kiểm soát, tuy nhiên, CPI vẫn ở mức cao có thể là yếu tố bearish cho giá đồng trong ngắn hạn do các nhà đầu tư lo ngại rằng Fed và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất trong tương lai nhằm bình ổn giá cả.
Tại thị trường Trung Quốc, diễn biến tiêu cực của tình hình kinh tế do ảnh hưởng từ các đợt phong toả đang tạo ra các sức ép buộc Chính phủ nước này phải nhanh chóng có các biện pháp khôi phục tăng trưởng. Các hoạt động sản xuất đình trệ, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản bị bó hẹp bởi các điều kiện thắt chặt về vay nợ đã không thể giúp Trung Quốc có động lực tăng trưởng đủ mạnh. Điều này dẫn đến tình hình nợ trái phiếu tại các tỉnh của quốc gia này ngày càng tệ đi, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ kinh tế sớm phải được hiện thực hoá.
Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ coi việc ổn định tăng trưởng trở thành ưu tiên nổi bật và tăng tốc thực hiện các biện pháp chính sách thúc đẩy kinh tế. Đây sẽ là yếu tố hứa hẹn cho hoạt động kinh tế của quốc gia này sẽ được đẩy mạnh trong tương lai. Thị trường đồng, vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế có thể phục hồi nhờ những tín hiệu này. Tuy nhiên, các chính sách thường mất khá nhiều thời gian để đạt được hiệu quả, Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng vẫn sẽ giữ tình trạng hiện tại ít nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ 22 của Trung Quốc diễn ra vào cuối năm nay. Do đó, trong ngắn hạn, giá đồng vẫn sẽ phản ứng với các yếu tố vĩ mô, chủ yếu về chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed. Xu hướng nắm giữ đồng USD vẫn sẽ tạo áp lực lên giá đồng.
Về kỹ thuật, giá đồng đang nằm ở vùng hỗ trợ quanh mức giá 4.13 USD/pound. Đây là một vùng tiềm ẩn nhiều rủi ro, các nhà đầu tư nên chờ thêm tín hiệu từ thị trường và không nên mở vị thế ở vùng giá này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hạnh
Dầu thô có thể tiếp đà giảm khi tâm lý lo ngại về suy thoái gia tăng trên thị trường chung
Dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua, khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung một lần nữa gia tăng khi EU tích cực thảo luận với các thành viên để thúc đẩy lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 5.96% lên 105.71 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4.93% lên 107.51 USD/thùng.
Tuần này là thời điểm thị trường năng lượng phải đón nhận nhiều báo cáo, liên tiếp giữa các số liệu cập nhật mới nhất từ báo cáo tuần của Viện Dầu khí Mỹ API và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho đến các báo cáo mang tính trung và dài hạn như 2 báo cáo tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ OPEC chiều tối nay. Trong báo cáo tháng 4, đồng loạt cả 3 tổ chức đều đã cắt giảm dự báo tiêu thụ dầu thế giới trong năm nay. Giá dầu tăng 5 tháng liên tiếp phần nào đã tạo ra rủi ro về việc tạo ra vùng giá “hủy diệt nhu cầu”. Thực tế, sau khi lạm phát trong tháng 04/2022 tại Mỹ đạt đỉnh 40 năm, nhiều hộ gia đình tại Mỹ đã bắt đầu xem xét việc cắt giảm chi phí đi lại, theo khảo sát của CNBC. Số liệu lạm phát tháng 5 tại Mỹ công bố hôm qua đạt 8.3% dù giảm một ít so với tháng 4, tuy vậy vẫn cho thấy áp lực lạm phát hiện vẫn đang rất lớn và có thể sẽ thực sự khiến cho nhu cầu đi lại giảm dần, nhất là trong mùa lái xe bắt đầu từ tháng 6, do giá xăng tại Mỹ hiện vẫn nằm ở gần mức đỉnh 4.4 USD/gallon, cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, khi lo ngại về suy thoái kinh tế trên thị trường chung đang cao, nếu trong báo cáo sắp tới cả IEA và OPEC đồng loạt hạ dự báo nhu cầu, thì trong bối cảnh hiện tại, giá dầu vẫn có thể chịu sức ép tiếp tục điều chỉnh.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu đã rơi khỏi hỗ trợ tại vùng 103 USD/thùng. RSI và MACD đang hướng xuống, gợi ý giá khả năng cao sẽ còn điều chỉnh. Giá có thể sẽ test lại vùng 101 USD/thùng trong phiên hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa