Đà tăng hiện tại của đậu tương có thể vẫn sẽ được duy trì nhờ triển vọng nhu cầu của Trung Quốc cải thiện
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/05, giá đậu tương đang suy yếu nhẹ sau đà tăng liên tiếp 6 phiên vừa qua. Giá đã fill lại gapup và bật lên mạnh cho thấy vùng 1646 sẽ là hỗ trợ mạnh và nhịp tăng hiện tại nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì. Kể từ cuối tháng 2 tới nay, giá đậu tương đã trải qua các nhịp tăng, giảm xen kẽ nhau nhưng đều biến động trong khoảng đi ngang 1580 – 1730. Với các thông tin cơ bản hiện tại của đậu tương cùng với việc an ninh lương thực đang trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia thì giá có khả năng sẽ hướng lên vùng chặn trên của vùng sideway này trong vài phiên tới.
Thị trường đậu tương vẫn đang khá ổn định so với 2 mặt hàng nông sản còn lại là lúa mì và ngô do không xuất hiện thêm nhiều thông tin cơ bản đáng chú ý. Yếu tố nguồn cung có ảnh hưởng nhất lên giá đậu tương trong giai đoạn này là triển vọng thời tiết ở Mỹ. Với dự báo mưa và gió lớn sẽ quay trở lại Midwest trong tuần này thì mặc dù tốc độ gieo trồng đã được cải thiện đáng kể trong tuần trước nhưng sẽ khó có thể theo kịp lại tiến độ của những năm trước. Chính vì thế nên nguồn cung đậu tương theo chúng tôi hiện vẫn đang thiên về tác động “bullish” đối với giá.
Bên cạnh nguồn cung, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đang dần trở thành yếu tố đáng quan tâm. Những số liệu xuất khẩu tích cực từ Brazil đã phần nào cho thấy nhu cầu được cải thiện. Mặc dù sản lượng của Brazil đã bị thiệt hại và tốc độ bán hàng thấp hơn trong vài tháng đầu năm nhưng xuất khẩu đã được dự báo sẽ tăng trở lại trong tháng 05. Số liệu xuất khẩu của Mỹ trong vài tuần tới cũng có thể trở nên tích cực hơn nếu như Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Trên biểu đồ kĩ thuật, sau giai đoạn tăng giá liên tục vừa qua, giá đậu tương có khả năng sẽ trải qua một phiên điều chỉnh và vùng 1655 đang là hỗ trợ gần nhất với giá.
Giá cà phê nhiều khả năng sẽ giảm do tâm lý chốt lời tại các vùng kháng cự kỹ thuật
Giá cả 2 mặt hàng cà phê bất ngờ vẫn giữ được đà tăng khi kết thúc phiên 17/05, chủ yếu nhờ các số liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự đoán, và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, dẫn đến kỳ vọng vào nhu cầu sẽ hồi phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các yếu tố này là không chắc chắn và không đủ mạnh để có thể giúp các mặt hàng này bật lên khỏi các vùng kháng cự kỹ thuật quan trọng. Trong khi đó, chỉ số Dollar Index sau 3 phiên suy yếu liên tiếp đã bắt đầu phục hồi trở lại trong hôm nay, có thể gây sức ép lên giá các loại hàng hóa niêm yết bằng đồng bạc xanh.
Cùng với đó, sự chuyển dịch dòng vốn trong ngắn hạn khi thị trường chứng khoán phục hồi có thể khiến thị trường hàng hóa bị tác động tiêu cực. Cà phê vốn là các mặt hàng yêu thích của giới đầu cơ Mỹ, do đó đây cũng sẽ là mặt hàng bị ảnh hưởng đầu tiên, đặc biệt là trong bối cảnh thời tiết tại Brazil sẽ ấm dần từ cuối tuần này, gạt đi các lo ngại về sương giá.
Về mặt kỹ thuật, giá đang gặp lực cản ở vùng mây kumo dày phía trên, cùng với một loạt các đường kháng cự quan trọng. Giá bị đẩy xuống từ cạnh trên của dải Bollinger hướng xuống, và có thể hướng lại về đường SMA20 trong phiên hôm nay, ở quanh vùng giá 217 cent/pound.
Đối với Robusta, lực bán kỹ thuật ở vùng kháng cự 2100 cùng với xu hướng giảm của Arabica có thể đẩy giá lại về vùng 2050 – 2060 trong phiên hôm nay.
Giá đồng khó hồi phục nếu tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp
Giá đồng đang có xu hướng giảm trong phiên giao dịch sáng nay sau những thông tin về tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại tại một số tỉnh lớn của Trung Quốc.
Tại thành phố cảng Thiên Tân, hơn 10 nghìn người đã bị đưa đi cách ly sau khi có thêm 22 ca nhiễm mới được phát hiện. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang có sự gia tăng về số ca Covid-19 và phải phong toả thêm nhiều khu vực, cùng nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các tỉnh thành lân cận. Chính sách Không Covid đang bị hoài nghi do tính cứng nhắc và gây ra nhiều thiệt hại kinh tế, tuy nhiên Chính phủ quốc gia này vẫn không có động thái từ bỏ nào trong chiến dịch chống dịch của mình.
Trung Quốc có tới 9/10 cảng biển lớn nhất trên thế giới và Thiên Tân là cảng biển lớn thứ 9. Trong khi cảng Thượng Hải vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề thông quan dù các biện pháp nới lỏng đã được thực hiện. Tồn kho ngoại quan tại Thượng Hải vẫn đang ở mức cao. Các cảng biển khác tại Trung Quốc đang chịu áp lực liệu rằng sẽ có những đợt phong toả trên diện rộng gây áp lực tới hoạt động kinh tế trong tương lai. Điều này sẽ ngăn cản tốc độ phục hồi trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá phục vụ sản xuất, làm gián đoạn cung ứng, đặc biệt là với yếu tố nguyên vật liệu đầu vào. Nhu cầu tiêu thụ đối với thị trường kim loại cơ bản nói chung và đồng nói riêng vẫn khó có thể khôi phục.
Về phía nguồn cung, ngoại trừ mỏ Las Bambas, các mỏ đồng tại Peru đang dần đi vào hoạt động ổn định. Nguồn cung đồng được nới lỏng trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang bị đe doạ tại Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ giá đồng bứt phá trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá đồng liên tục bật lên từ vùng hỗ trợ 4.10 USD/pound và giảm sau khi chạm kháng cự 4.24 USD/pound kể từ đầu tháng 5 đến nay do vắng bóng các tin tức cơ bản. Giá đồng có thể vẫn sẽ giảm trong các phiên tiếp theo trước những thông tin tiêu cực tại Trung Quốc. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế bán với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.10 USD/pound.
Giá dầu đang tăng trở lại sau thông tin sụt giảm tồn kho tại Mỹ
Thị trường dầu thô tiếp tục thể hiện sự thất thường khi giá dầu đảo chiều tăng trở lại trong phiên sáng nay, bất chấp việc biểu đồ kĩ thuật bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu “bearish” sau phiên giảm hôm qua. Giá dầu WTI vẫn đang mạnh hơn khá nhiều và nới rộng khoảng cách cao hơn so với giá dầu Brent, điều chưa từng xảy ra trong 12 năm qua. Tác động gián tiếp từ việc giá xăng RBOB của Mỹ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại đang khiến giá dầu WTI nhận được rất nhiều lực mua trong vài phiên gần đây, khi tăng thường tăng mạnh hơn Brent và giảm thì sẽ giảm ít hơn.
Thị trường có vẻ đang bị tác động bởi dự báo tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm mạnh trong báo cáo sáng nay của API. Trong bối cảnh thị trường đang ở trạng thái bão hòa với các thông tin, số liệu tồn kho dầu sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với bình thường. Vì thế, thị trường sẽ rất chờ đợi báo cáo vào lúc 21:30 tối nay của EIA, bởi đây mới được coi là số liệu chính thức và đáng tin cậy nhất về tồn kho dầu tại Mỹ, Tồn kho tăng hay giảm gần như chắc chắn sẽ quyết định xu hướng của giá dầu trong phiên tối.
Còn về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, các thông tin trái chiều tiếp tục được đưa ra, khiến thị trường trở nên hoang mang khi nghiên cứu và đánh giá vấn đề này. Trong khi Thượng Hải bắt đầu đón nhận các tin tức tích cực hơn và được kỳ vọng sẽ sớm mở cửa trở lại vào đầu tháng 6, thì Bắc Kinh và Thiên Tân vẫn đang chật vật ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mặc dù số ca nhiễm mới không lớn, nhưng với chính sách “zero-covid” có phần quyết liệt của chính phủ Trung Quốc, chừng nào vẫn còn khả năng lây nhiễm, chừng đó sẽ vẫn phong tỏa các thành phố quan trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, đi lại của đất nước tỉ dân này, và đây sẽ là yếu tố “bearish” đối với giá dầu trong ngắn và trung hạn.