Giá đậu tương vẫn duy trì đà giảm do áp lực từ việc các quỹ đang dần thanh lí vị thế mua
Mở cửa phiên sáng nay, cả ba mặt hàng trong nhóm đậu tương đều đồng loạt giảm mạnh, tiếp nối đà giảm từ phiên cuối tuần trước. Hiện tại, giá đậu tương vẫn đang ở trong xu hướng giảm dài hạn, với những nhịp hồi phục nhẹ xen kẽ. Quay trở lại với nhu cầu nhập khẩu khổng lồ của Trung Quốc vài tháng trước, cùng với hạn hán ở Mỹ là những yếu tố đã đẩy nguồn cung đậu tương Mỹ vào tình trạng thắt chặt và khiến giá tăng cao. Mặc dù không còn mới nhưng đây vẫn là thông tin hỗ trợ cho giá đậu tương ở vùng hỗ trợ quan trọng quanh mức 1460.
Các quỹ đang tiếp tục bán vị thế đối với dầu và khô đậu tương và giảm vị thế mua. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, vị thế bán ròng lần đầu xuất hiện đối với khô đậu tương trong hơn 1 năm qua. Điều này cũng cho thấy thị trường đang kỳ vọng vào xu hướng giảm giá sắp tới của các mặt hàng này.
Về cơ bản, mùa vụ ở Mỹ và Nam Mỹ vẫn là 2 yếu tố chính tác động lên giá đậu tương. Hiện tại, nông dân ở Brazil đang bước vào giai đoạn gieo trồng đậu tương nên thời tiết là yếu tố quan trọng sẽ quyết định đến triển vọng nguồn cung ở quốc gia này. Năm ngoái khô hạn đã khiến cho hoạt động gieo trồng bị chậm trễ nên đây sẽ là yếu tố cần theo dõi.
Khánh Linh
 
Giá cả hai mặt hàng cà phê khó có thể tăng mạnh trong tuần này
Diễn biến trái chiều tiếp tục được duy trì ở thị trường cà phê khi kết thúc tuần, giá Robusta tiếp tục tăng mạnh 5% lên 2151 USD/tấn, còn giá Arabica giảm gần 0.9% về 186.4 cents/pound. Chênh lệch giá giữa hai Sở được thu hẹp còn 48% chiết khấu cho giá Robusta.
Thị trường Robusta đang trải qua một thời kì thăng hoa ít thấy trong nhiều năm, với lực mua áp đảo trong nhiều tuần liên tiếp. Đáng chú ý, trong tuần vừa qua, sắc xanh duy trì trên bảng giá trong cả năm phiên. Thị trường vẫn rất lo ngại về tình hình chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho hàng hóa không lưu thông được cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Việt Nam đang có dấu hiệu giảm đi, và Chính phủ sẽ sớm nới lỏng các biện pháp giãn cách để thực hiện “sống chung với dịch bệnh. Giá của cà phê Robusta được dự báo sẽ có một đợt điều chỉnh, tuy nhiên các nhà đầu tư nên đợi tín hiệu từ thị trường, và không nên mở vị thế theo cảm xúc hay với mong muốn “bắt đỉnh”.
Tiên Phạm
 
Giá các mặt hàng kim loại quý có thể tiếp tục giảm trước thềm cuộc họp tháng 9 của FED
Cả ba mặt hàng kim loại đều chịu áp lực bán dồn dập trong tuần vừa qua. Đối với các mặt hàng kim loại quý, giá bạc giảm hơn 6.5% còn 22.34 USD/ounce, giá bạch kim đóng cửa tuần với mức giảm gần 3% còn 930 USD/ounce.
Sự phục hồi của đồng USD tiếp tục là yếu tố chính gây áp lực lên giá của hai mặt hàng kim loại quý. Doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ tăng vượt dự báo của giới chuyên môn khiến cho rất nhiều chuyên gia cho rằng FED sẽ có thông báo cắt giảm gói thu mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng ngay trong cuộc họp tháng 9 vào thứ 5 tuần này.
Những lo ngại về lạm phát và mức nợ công cao kỷ lục của Mỹ cũng là yếu tố khiến rất nhiều quan chức của FED ủng hộ việc thắt chặt, tuy nhiên, biến thể Delta vẫn là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế trên toàn cầu, và có thể khiến cho nội bộ FED “chia rẽ” trong cuộc sắp tới. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, thị trường tiền điện tử, và thị trường hàng hóa đều trải qua một tuần ngập tràn trong sắc đỏ, và việc FED thông báo cắt giảm gói thu mua trái phiếu sẽ khiến cho các thị trường đầu tư chịu biến động mạnh hơn. Vì vậy, FED có thể vẫn giữ lập trường ôn hòa trong buổi họp tuần này, và trì hoãn việc quyết định tới cuộc họp tháng 11. Đồng USD có thể suy yếu sau đó và hỗ trợ cho giá các mặt hàng kim loại đi lên.
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ giảm trước khi có kết quả cuộc họp FED
Giá dầu kết thúc tháng 8 với mức giảm trong tháng lớn nhất kẻ từ tháng 10/2020. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.1% xuống 68.5 USD/thùng, giá Brent giảm 0.83% xuống 71.63 USD/thùng. Tính từ đầu tháng, WTI đã đánh mất 7.5%.
Dầu thô tăng tuần thứ 4 liên tiếp khi nguồn cung bị bó hẹp do ảnh hưởng của các cơn bão tại Vịnh Mexico. Cụ thể, giá WTI tăng 3.38% lên 71.82 USD/thùng. Giá Brent tăng 3.18% lên 74.56 USD/thùng.
Dầu thô lấy lại mức giá trong tháng 7 khi bức tranh cung-cầu trở nên rõ ràng hơn, sản lượng sụt giảm tại Mỹ do bão Ida bù đắp cho tiêu thụ suy yếu tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, việc giá Brent có giữ được khoảng giao dịch 73-75 USD/thùng hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách của FED và phản ứng của thị trường trong cuộc họp thứ 5 tuần này.
Thị trường đã chờ đợi thông báo từ FED về lộ trình cắt giảm chương trình mua tài sản trong vài tháng, và cuộc họp lần này cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù thị trường chứng khoán đã suy yếu từ đầu tháng 9, tuy nhiên các chỉ số chính S&P500, Nasdaq, Down Jones vẫn đang nằm gần mức đỉnh mọi thời đại, nhờ vào mức lãi suất cực thấp và 120 tỷ USD bơm ra thị trường hàng tháng thông qua chương trình mua trái phiếu hàng tháng của FED. Mối liên hệ trực tiếp giữa chứng khoán và dầu mỏ đã suy yếu nhờ vào tầm ảnh hưởng của OPEC+ trong việc điều tiết thị trường và tránh các cú sốc giá.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC