Hoạt động xuất khẩu tắc nghẽn ở các khu vực cảng tại Mỹ sẽ là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương
Trong sáng nay, giá đậu tương đã giảm 10 cents trở lại mức hỗ trợ 1285. Đà giảm mạnh của giá dầu cọ sau phiên nghỉ giao dịch đang tạo áp lực lên giá dầu đậu tương, từ đó gián tiếp khiến giá đậu tương giảm điểm.
Sau phiên nghỉ giao dịch trong hôm qua, giá dầu cọ giảm mạnh hơn 4% để bù đắt lại diễn biến vốn đã xảy ra nếu không tạm dừng giao dịch một ngày. Tuy đà giảm mạnh của giá dầu cọ không gây bất ngờ cho giới phân tích, nhưng cũng đã là yếu tố khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc mở các vị thế “long” mới đối với mặt hàng dầu thực vật thay thế là dầu đậu tương.
Nếu như trong năm ngoái, nông dân trồng đậu tương tại Mỹ phải đối mặt với các thiệt hại về sản lượng do bão Derecho, thì trong năm nay, bão Ida lại tạo nên một bài toán hoàn toàn khác. Cụ thể, chi phí vận chuyển ngũ cốc bằng sà lan trên sông Mississippi, tuyến đường nối giữa khu vực Midwest và các cảng xuất khẩu chính ở Mỹ, tăng vọt do thiệt hại từ cơn bão. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến nông dân chỉ ký kết các hợp đồng bán hàng mới có mức giá có thể giúp họ bù đắp sự gia tăng trong chi phí vận chuyển và gián tiếp trở thành yếu tố hỗ trợ giá đậu tương.
Khánh Linh
 
Lực mua kỹ thuật có thể hỗ trợ giá cà phê tiếp tục đi lên trong phiên hôm nay
Trong một ngày mà thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ bởi sự phục hồi của đồng USD, sắc xanh vẫn duy trì trên bảng giá của hai măt hàng cà phê. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0.43% lên 188.15 cents/pound, và hợp đồng Robusta bứt phá mạnh hơn 1% lên 2107 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được thu hẹp lại còn 49% chiết khấu cho giá Robusta.
Cả hai mặt hàng cà phê đều chịu áp lực khi chỉ số Dollar Index tăng mạnh nhờ tin tức doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ đánh bại mọi dự đoán trước đó của giới chuyên môn. Tuy nhiên tới cuối phiên, giá cả hai mặt hàng đều có cú lội ngược dòng và đóng cửa với mức tăng. Bất chấp những khó khăn do đợt bùng phát dịch mới nhất ở Mỹ, doanh số bán lẻ tăng khiến cho nhiều nhà đầu tư có niềm tin rằng sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cà phê.
Bên cạnh đó, đồng Real của Brazil liên tiếp suy yếu trong những ngày gần đây cũng khiến cho nông dân trì hoãn bán hàng và đẩy giá cà phê lên cao hơn. Khu vực trồng Arabica chủ đạo của Brazil là Minas Gerais vẫn chưa có mưa trong những tuần gần đây. Nếu thời tiết khô nóng kéo dài và ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa của cây, sản lượng năm tới của Brazil sẽ bị ảnh hưởng.
Tiên Phạm
 
Các tin tức tiêu cực của Trung Quốc sẽ khiến lực bán tiếp tục áp đảo trên thị trường Đồng
Kết thúc phiên 16/9, giá đồng giảm mạnh gần 3% còn 4.28 USD/pound, mức thấp nhất trong vòng 1 tuần.
Sau phiên tăng mạnh vào thứ 6 tuần trước, giá đồng hầu như chịu lực bán mạnh trong tuần này. Liên tiếp các tin tức tiêu cực được đưa ra khiến cho giá ngày càng khó có cơ hội tiến lại về mức đỉnh 4.6 USD/pound của tháng 7.
Những lo ngại về nguồn cung đã được xóa tan khi công đoàn ở các mỏ đồng Chile đã đạt được những thỏa thuận về tiền lương. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường bán ra đồng từ kho dự trữ quốc gia để bình ổn giá cả nguyên vật liệu đầu vào.
Đối với nhu cầu tiêu thụ, sự hồi phục thiếu ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể khiến cho giá đồng tiếp tục chịu nhiều sức ép. Bất chấp việc hơn 1 tỷ người dân đã được tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ, một đợt dịch mới tiếp tục bùng phát ở tỉnh Phúc Kiến, và có thể lây lan rộng hơn. Các chỉ số công nghiệp mới nhất được thông báo đều cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều hãng tin lớn như Fitch hay Bloomberg nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi tập đoàn bất động sản lớn thứ hai nước này là Evergrande đang có nguy cơ “vỡ nợ”.
Tiên Phạm
 
Giá dầu sẽ giảm trước khi đạt được mức đỉnh tháng 7
Đà tăng của giá dầu suy yếu trong ngày hôm qua, với WTI đóng cửa không đổi so với phiên trước, trong khi Brent tăng nhẹ 0.28% lên 75.61 USD/thùng. Tâm lý thị trường suy yếu dần khi giá ở mức quá cao.
So sánh với thời điểm giá Brent vượt ngưỡng 75 USD/thùng trong đầu tháng 7, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đã hạ nhiệt, đặc biệt là sau tác động của dịch COVID-19. Một mặt, giá cả đầu vào PPI và đầu ra CPI duy trì ở mức cao trong thời gian dài khiến kịch bản “lạm phát nhất thời” của FED ngày càng không khả thi. Mặt khác, tiêu dùng cá nhân suy yếu, khiến các tổ chức lớn như Goldman Sachs lần lượt hạ triển vọng GDP của 2 “đầu tầu” kinh tế trong nửa cuối năm. Điều này có thể thúc đẩy FED cắt giảm các gói hỗ trợ và khiến USD tăng giá, tác động tiêu cực lên giá dầu.
Trong khi đó, về yếu tố cơ bản, hoạt động sản xuất đang được phục hồi tại Vịnh Mexico với gần 72% sản lượng bị gián đoạn bởi Ida đã được khôi phục. Điều này sẽ làm giảm áp lực cho nguồn cung và tạo sức ép lên giá dầu.
Hồng Hoa