Những số liệu tích cực hơn về mùa vụ đậu tương ở Mỹ đang gây sức ép lên giá
Mở cửa ngày 24/05, giá đậu tương đang chịu áp lực bán nhẹ khi tiếp nối đà giảm từ phiên phá vỡ hỗ trợ 1700 hôm qua. Phiên giao dịch này được xem là phiên điều chỉnh thứ 2 trong nhịp tăng mạnh trong suốt 2 tuần vừa qua. Mặc dù vẫn chưa chạm đến vùng chặn trên của khoảng đi ngang 1580 – 1735 nhưng nếu như đóng cửa tiếp tục giảm sâu trong phiên hôm nay thì giá đậu tương có thể sẽ xác nhận tín hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.
Về mặt cơ bản, đương nhiên sự quan tâm của thị trường vẫn sẽ chỉ hướng về nguồn cung ở Mỹ. Báo cáo Crop Progress công bố sáng nay được xem là bức tranh tổng quan và cập nhật nhanh nhất tình hình mùa vụ. Những số liệu trong báo cáo tuần này đã khả quan hơn khi tiến độ gieo trồng đã cải thiện đáng kể từ mức 20% trong tuần trước đó, lên mức 50% diện tích dự kiến và chỉ còn thấp hơn một chút so với mức trung bình 5 năm. Đáng chú ý, tốc độ ở những bang sản xuất chính cũng được đẩy mạnh. Nông dân đã tận dụng thời gian khô ráo và giúp khoảng cách giữa tiến độ ở Illinois, Iowa và Indiana năm nay so với mức trung bình đã được thu hẹp đáng kể. Điều này cho thấy với nửa diện tích dự kiến còn lại vẫn chưa được gieo trồng, tiến độ năm nay có thể sẽ theo kịp và những lo ngại về việc cây trồng phát triển trong khung thời tiết bất lợi sẽ phần nào được xoa dịu.
Ngoài nguồn cung, những đơn hàng bán đậu tương trong báo cáo Daily Export Sales cũng sẽ là dấu hiệu giúp thị trường nhận định được triển vọng nhu cầu hiện tại. So với giai đoạn 1 tháng trước, các báo cáo này đang dần xuất hiện thưa thớt hơn, đồng nghĩa với việc nhu cầu mua đậu tương Mỹ với khối lượng lớn cũng đang suy yếu. Không những thế, giao hàng cũng đang chậm hơn so với niên vụ trước. Mặc dù chưa phản ánh ngay vào giá nhưng đây có thể sẽ là yếu tố “bearish” tiềm ẩn với giá.
Đà giảm của cà phê và bông có thể vẫn tiếp tục nhưng sẽ bị cản ở các vùng hỗ trợ quan trọng
Sau 2 tuần biến động khá mạnh, giá các mặt hàng cà phê đã có sự bình ổn trở lại trong đầu tuần này. Khoảng dao động trong phiên hôm qua là không quá lớn, chỉ khoảng 3 cents đối với Arabica và khoảng 20 USD đối với Robusta, so với trung bình lần lượt là 8 cents và 50 USD (tính từ đầu tháng 05 đến nay).
Thời tiết từ nay đến cuối tháng hầu như đều khô ráo ở khắp các khu vực gieo trồng chính của Brazil, với nền nhiệt độ tăng dần. Có khả năng mưa sẽ xuất hiện ở các bang phía nam và quanh khu vực Rondonia trong đầu tháng tới, nhưng không có dự báo mưa lớn nào cho miền trung và Minas Gerais. Các nhà khí tượng học cũng cho biết, đợt lạnh được dự đoán vào đầu tháng 06 đã biến mất, khiến cho thời tiết được đánh giá là khá thuận lợi với mùa vụ cà phê tại đây.
Trong khi đó về nhu cầu tiêu thụ, một loạt các thông tin tiêu cực xuất hiện từ đầu tuần đến nay. Số ca dương tính mới ở Bắc Kinh trong ngày hôm qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát đến nay. Còn tại Nga, chuỗi cà phê hàng đầu thế giới Starbuck đã đóng cửa 130 cửa hàng và rút hoạt động kinh doanh khỏi nước này, theo làn sóng phản đối của các doanh nghiệp phương Tây trước tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đen. Đây là 2 trong số 8 quốc gia nhập khẩu cà phê hàng đầu thế giới, và nhu cầu giảm từ đây thường sẽ tác động “bearish” đến cả Arabica lẫn Robusta.
Về mặt kỹ thuật, giá Arabica vẫn đang trong downtrend kể từ khi lập đỉnh 10 năm hồi đầu tháng 02 đến nay. Giá giằng co ở đường SMA20 của Bollinger hướng xuống và với các thông tin cơ bản hiện tại, có khả năng giá sẽ tiếp tục giảm về cạnh dưới của dải này. Tuy nhiên, trước mắt giá sẽ cần vượt qua được vùng hỗ trợ tương đối quan trọng 210 cents. Giới đầu tư có thể mở vị thế bán mới ở đầu phiên hôm nay quanh vùng giá 215, với kỳ vọng chốt lời khi giá giảm từ 2-3 cents.
Đối với Robusta, xu hướng chủ đạo vẫn đang là lình xình đi ngang từ cuối tháng 02 quanh vùng giá 2000 – 2160 USD. Tuy nhiên giá nằm dưới vùng mây kumo, cho thấy sức ép bán vẫn có phần nhỉnh hơn và khả năng giá sẽ sớm kiểm trả mốc hỗ trợ 2000 trong tuần này. Có thể mở bán vị thế mới ở quanh vùng 2050 với kỳ vọng giá giảm khoảng 30 USD.
Đối với bông, mặc dù Hiệp hội Xuất khẩu Bông Brazil (ANEA) hạ dự báo sản lượng so với kế hoạch ban đầu do thời tiết bất lợi, nhưng xuất khẩu năm nay vẫn dự kiến ở mức 1.9 triệu tấn, cao hơn mức 1.74 triệu tấn đã bán trong niên vụ trước. Đây có thể tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá bông, khi mà thời tiết tại Mỹ cũng đang có sự cải thiện ở các khu vực gieo trồng chính phía nam và đông nam.
Về mặt kỹ thuật, giá đang tìm về cạnh dưới của dải Bollinger bó hẹp, ở quanh vùng giá 140 cents. Đây là vùng giá tương đối quan trọng của bông, do đặc thù giới hạn giá của mặt hàng này phân theo từng mức giá. Ở khoảng 110 – 140, giới hạn giá ban đầu sẽ đặt ở mức 5 cents còn từ 140 – 170 sẽ là 6 cents. Do đó, giá thường sẽ phản ứng mạnh tại đây và có khả năng không giảm về dưới mốc này.
Những gói kích thích kinh tế của Trung Quốc chưa thể xoa dịu thị trường đồng trong ngắn hạn
Theo các khảo sát của Bloomberg, người dân tại Trung Quốc hầu như vẫn đang mang tâm lý lo sợ vì đại dịch và sự không chắc chắn của nền kinh tế. Điều này đã khiến cho lượng tiền gửi tiết kiệm tại Trung Quốc vào các ngân hàng, cho dù lãi suất đang rất thấp, đã tăng 7% trong 4 tháng đầu năm, lớn hơn con số 5.5% trong cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động đầu tư bất động sản, vốn chiếm 70% tài sản của Trung Quốc trong các năm trước đây, điều đã giúp Trung Quốc phát triển bùng nổ, giờ trở thành một kênh đầu tư rủi ro không thu hút được người mua. Như vậy, có thể thấy rằng dư địa của đại dịch và các chính sách kiểm soát lần này chưa thể cho lĩnh vực xây dựng và bất động sản phục hồi rõ rệt. Điều này sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới nhu cầu kim loại cơ bản được sử dụng với vai trò nguyên vật liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, tại thị trường nhập khẩu đồng lớn thứ 2 trên thế giới, hoạt động sản xuất của Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong 3 tháng do tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tháng 5 giảm 0.3 điểm so với mức 53.5 hồi cuối tháng 4. Nhà sản xuất ô tô top đầu trên thế giới, Toyota, đã thông báo sẽ cắt giảm kế hoạch sản xuất toàn cầu khoảng 100.000 đến 850.000 xe vào tháng 6 do tình trạng thiếu chất bán dẫn vì tình trạng phong toả tại Trung Quốc. Điều này sẽ gây ra tác động bearish đối với giá đồng trong ngắn hạn do vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô.
Về các yếu tố hỗ trợ trong dài hạn, Chính phủ Trung Quốc vừa tung ra gói hỗ trợ gồm 33 điểm nhằm nỗ lực phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, gói hỗ trợ bao gồm kế hoạch mở rộng việc giảm thuế giá trị gia tăng cho nhiều ngành công nghiệp thêm 140 tỷ nhân dân tệ (NDT), đưa tổng mức cắt giảm hàng năm của quốc gia này vượt qua khoản cứu trợ vào năm 2020 khi đại dịch lần đầu xảy ra. Tuy nhiên, trước tâm lý lo ngại rủi ro của người dân Trung Quốc và chuỗi sản xuất chưa thể khôi phục hoàn toàn, thị trường đồng vẫn khó có thể bứt phá trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, đường MACD trên khung ngày cắt lên nhưng nằm dưới đường zero chưa cho thấy tín hiệu giá đảo chiều. Trên khung H4, giá đồng đang dao động với biên độ giá khá hẹp, các nhà đầu tư chưa nên vào vị thế tại khoảng giá này.
Dầu thô có khả năng điều chỉnh trong một vài phiên tới trước sức ép của nền kinh tế
Giá dầu đóng cửa với mức tăng rất nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần này. Cụ thể, dầu WTI gần như không thay đổi ở mức 110.29 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 0.77% lên 113.42 USD/thùng. Thị trường chật vật tìm kiếm hướng đi giữa các thông tin cơ bản trái chiều nhau.
Giá dầu chịu áp lực trong phần lớn phiên sáng, khi thị trường không còn nhiều yếu tố để giúp dầu thô duy trì đà tăng. Bên cạnh yếu tố chính là EU vẫn chưa đưa ra được tiếng nói đồng thuận trong việc áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu lên Nga, thì thị trường cũng cân nhắc thêm tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát hoàn toàn. Khi mà Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ chiến lược “Zero-Covid” thì bất cứ đợt bùng phát dịch nào cũng có thể tạo ra khả năng nước này sẽ tiến hành đóng cửa các hoạt động sản xuất, giao thông đi lại để kiểm soát dịch và khiến cho nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu nói chung và xăng dầu giảm. Với tư cách là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới, chiếm khoảng 14% nhu cầu dầu toàn cầu, các thông tin từ Trung Quốc có tác động lớn đến thị trường, nhất là khi dầu thô WTI thực chất đã luôn đi ngang trong khoảng giao dịch lớn 95-120 USD/thùng kể từ tháng 3 đến nay. Tuần này, thị trường không có các báo cáo lớn, do đó các thông tin về sức khỏe nền kinh tế sẽ tiếp tục là yếu tố chủ đạo chi phối hướng đi của giá dầu tuần này, đặc biệt là sẽ có chỉ số về lạm phát như Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ hay biên bản cuộc họp của Fed.
Trên biểu đồ kỹ thuật, giá WTI kỳ hạn tháng 07/2022 đang test lại hỗ trợ ở vùng 109,5 USD/thùng. Các chỉ số kỹ thuật không đưa ra được tín hiệu rõ ràng, với RSI và MACD đều có dấu hiệu đi ngang trong vùng trung tính. Có thể mở lệnh bán tại vùng 109.5 USD/thùng và chốt lời ngắn 1 USD/thùng.