Vùng giá 1700 sẽ tiếp tục là kháng cự khó phá vỡ của đậu tương trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/05, giá đậu tương vẫn chỉ đang giằng co quanh mức tham chiếu. Hiện tại đậu tương đang biến động trong vùng giá khá nhạy cảm ở ngay dưới vùng kháng cự tâm lí 1700. Xu hướng trong vài phiên gần đây cũng khó xác định khi giá chưa chạm nhưng đã có dấu hiệu quay đầu bởi lực bán từ vùng chặn trên 1735 của khoảng đi ngang. Tuy nhiên, tín hiệu đảo chiều lại chưa được xác nhận khi giá đã hồi phục khá mạnh trong phiên hôm qua.
Nhìn vào các yếu tố cơ bản hiện tại của đậu tương, cán cân cung cầu khá rõ ràng nhưng vẫn chưa nghiêng hẳn về bên nào. Đối với nguồn cung tại Mỹ, nếu như tốc độ gieo trồng vẫn được duy trì trong tuần này thì tiến độ mùa vụ 21/22 sẽ theo kịp với trung bình các năm trước. Chỉ trong 1 tuần tiến độ có thể đẩy mạnh 30% thì với 50% diện tích dự kiến vẫn chưa được gieo trồng thì thời tiết hiện vẫn chưa phải yếu tố đáng lo ngại đối với mùa vụ ở thời điểm này. Dự báo cho thấy thời tiết trong tuần này cũng vẫn sẽ có mưa ở Midwest nhưng sẽ giảm dần vào cuối tuần.
Trong khi đó, triển vọng về nhu cầu tiêu thụ nội địa của Mỹ lại đang là yếu tố có thể hỗ trợ cho giá đậu tương. Giá dầu thô quốc tế leo thang đã kích thích hoạt động sản xuất dầu diesel sinh học, dẫn đến khối lượng ép dầu đậu tương làm nguyên liệu cũng tăng mạnh. Mới đây, công ty thực phẩm toàn cầu, Cargill, cũng đã dự định xây dựng một cơ sở chế biến đậu tương đầu tiên ở Missouri, bang có sản lượng lớn thứ 6 của Mỹ. Đây sẽ là cơ hội giúp Mỹ tận dụng được nhu cầu gia tăng trong nước, thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu đậu tương vẫn đang duy trì ở mức cao. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, nhu cầu sử dụng đậu tương hay các mặt hàng thành phẩm sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương sẽ khó giảm sâu dưới vùng 1700.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu có thể ngăn cản sự phục hồi mạnh mẽ của giá đồng
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng có xu hướng giảm sau các dữ liệu kinh tế tiêu cực tại Mỹ trong tháng 5, làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu trong tương lai.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ trong tháng 5 đều có xu hướng giảm so với tháng trước. Đáng chú ý, doanh số bán nhà mới trong tháng 4 tại Mỹ đã giảm 16.6%, đạt mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, phản ánh nhu cầu về nhà ở sụt giảm. Đây có thể là một tín hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và là lực cản đối với nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho ngành xây dựng.
Tại Trung Quốc, các thông tin xoay quanh chính sách kích thích nền kinh tế dường như đã được phản ánh vào giá, và vẫn chưa thể cho thị trường đồng một sự bứt phá rõ rệt. Những nỗ lực của Chính phủ để kích thích thị trường bất động sản có thể đã trở nên “bão hòa", do nhu cầu của người dân Trung Quốc vẫn đang ở trong tình trạng “đóng băng sâu”. Theo thông tin mới nhất, dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan rộng tại thành phố cảng Thiên Tân, trong khi thủ đô Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục phong toả các ổ dịch mới. Việc kích cầu về bất động sản chỉ có thể đạt được hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế ổn định, và dường như hiện tại thị trường này vẫn chỉ là lựa chọn sau cùng đối với tâm lý người dân. Trong khi đó, xây dựng chiếm khoảng 20% nhu cầu đồng của Trung Quốc, và do vậy, điều này khó có thể cho đồng một động lực để tăng giá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang chịu sức ép về chi phí điện gia tăng do yêu cầu về yếu tố môi trường và chi phí nhiên liệu tăng cao. Giang Tô, nơi có nền kinh tế tương đương với Hàn Quốc, lớn thứ hai tại đại lục, đã tăng thuế quan đối với gần 30 nhà máy lớn vì không đạt mục tiêu hiệu quả năng lượng. Trong khi đó, Chiết Giang cũng đang tìm kiếm phản hồi về đề xuất tăng giá, bắt đầu từ tháng 7, cho hơn 600 nhà máy để bù đắp chi phí tăng cao. Điều này có thể gây ra sự sụt giảm trong sản xuất và nhu cầu tiêu thụ điện, gây áp lực đối với thị trường đồng vốn đóng góp hơn 30% trong ngành điện tại Trung Quốc.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá đồng đang có xu hướng giảm về ngưỡng hỗ trợ 4.25 USD/pound và nhiều khả năng sẽ bật tăng trở lại theo kênh xu hướng. Các nhà đầu tư lướt sóng có thể chờ đợi nến tăng xác nhận và mở vị thế mua với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.34 USD/pound.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hạnh
 
Dầu WTI tăng tháng thứ 5 liên tiếp, dẫn dắt bởi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung là chủ yếu
Giá dầu kết thúc trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua, với WTI giảm 0.47% xuống 109.77 USD/thùng trong khi giá dầu Brent nhích nhẹ 0.12% lên 113.56 USD/thùng. Thị trường tiếp tục các biến động mạnh.
Dầu thô WTI tăng trở lại trong phiên sáng nay, nhưng thực chất vẫn khó để cho giá có thể tạo được đà tăng vững chắc. Mặc dù chỉ số OVX, đo lường sự biến động trên thị trường dầu, hay còn gọi là “thước đo sự sợ hãi” trên thị trường dù đã giảm dần trong 2-3 tuần gần đây nhưng vẫn duy trì ở mức trên 45, cao hơn các năm thường chỉ ở vùng 30-40. Khối lượng giao dịch giảm cho thấy không có nhiều động lực để giúp cho giá thoát khỏi khoảng giao dịch rộng từ tháng 3. Cùng với thị trường tài chính chung, dòng tiền đã giảm bớt khỏi thị trường dầu khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn và chuyển sang nắm giữ tiền mặt. Dollar Index hiện vẫn đang ở gần vùng đỉnh trong vòng 2 năm. Thực chất, giá Dollar giảm trong thời kỳ này phản ánh đà tăng của Euro chứ không phải là giới đầu tư tiến hành quay lại các thị trường rủi ro. Việc Ngân hàng ECB cho biết sẽ tiến hành tăng dần lãi suất trong tháng 7 và tháng 9 là yếu tố chính dẫn đến Euro tăng giá và gây sức ép lên Dollar trên thị trường ngoại hối. Vì vậy, dù các thông tin cơ bản đều gợi ý giá sẽ còn tiếp tục tăng khi cán cân cung – cầu ngày càng chênh lệch, đặc biệt khi Saudi Arabia liên tục tuyên bố đã làm hết khả năng có thể cho khâu sản xuất, báo hiệu các quốc gia dầu lớn tại Trung Đông sẽ không thể sớm gia tăng sản lượng cho thị trường, thì giá dầu vẫn chưa thể thoát khỏi khoảng giao dịch.
Trên biểu đồ kỹ thuật, giá WTI kỳ hạn tháng 07/2022 giằng co quanh vùng giá mở của tại 110.5 USD/thùng. Giá 3 phiên test hỗ trợ vùng 109-109.5 USD/thùng và chưa có dấu hiệu bứt phá khỏi khoảng hẹp. RSI và MACD tiếp tục xu hướng đi ngang. Có thể mở vị thế bán tại vùng 112 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời ngắn 1-1.5 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV