Giá đậu tương có thể sẽ test lại đỉnh nếu số liệu bán hàng tích cực trong báo cáo Export Sales tối nay
Mở cửa phiên giao dịch 27/01, đậu tương đang suy yếu sau khi tăng mạnh hôm qua và chạm mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Đây cũng là vùng kháng cự tạo sức ép tới giá trong phiên hôm nay. Ước tính sản lượng thấp hơn ở cả 3 quốc gia sản xuất đậu tương lớn tại Nam Mỹ là yếu tố thúc đẩy đà tăng của giá.
Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết ngắn hạn đang chuyển sang tiêu cực, đặc biệt là ở Argentina khi mà mưa lớn trong 2 tuần qua tưởng chừng như sẽ giúp cải thiện khô hạn trước đó nhưng lại đang gây ra nguy cơ ngập úng và lũ lụt. Có thể trong báo cáo của BAGE ngày mai, chất lượng đậu tương có thể sẽ không cải thiện quá nhiều mà chỉ duy trì ở mức thấp, cùng với tiến độ sẽ chậm lại và nới rộng khoảng cách với các niên vụ trước.
Vào 20:30 tối nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Export Sales, trong đó số liệu bán hàng đậu tương niên vụ 2021/22 sẽ có ảnh hưởng mạnh nhất tới giá mặt hàng này. Trong tuần kể từ ngày 13/01 đến 19/01, một số đơn hàng Daily Export Sales đã xuất hiện trở lại tuy nhiên vẫn chỉ với khối lượng nhỏ.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá hai mặt hàng cà phê có thế tiếp tục diễn biến trái chiều trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 nhích nhẹ 0.4% lên 238.9 cents/pound, trong khi hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm gần 1% về 2218 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 58% chiết khấu cho giá Robsuta.
Giá Arabica tiếp tục nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn so với giá Robusta, nhờ tình hình nguồn cung bị thắt chặt trong ngắn hạn. Từ đầu năm tới nay, mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US đã giảm hơn 200,000 bao về 1,31 triệu bao và rất có thể sẽ giảm về dưới 1 triệu bao trong tháng sau.
Sản lượng cà phê ở Brazil dù được dự báo là sẽ cải thiện nhưng hiện tượng La Nina được dự báo kéo dài đến hết tháng 3 có thể sẽ khiến cho thời tiết ở các khu vực trồng cà phê chính khô hạn hơn bình thường. Ngoài Brazil, các nước ở khu vực Nam Mỹ khác gồm Colombia, Mexico, Honduras, Guatemala, Nicaragua, Costa Rica và El Salvador được dự báo sẽ sản xuất khoảng 30.8 triệu bao cà phê arabica chế biến ướt cho niên vụ 2021/22.
Colombia vẫn là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt lớn nhất trong khu vực và có tiềm năng đạt 15 triệu bao, tuy nhiên niên vụ năm nay sản lượng giảm chưa đến 14 triệu bao.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Các tin tức “bearish” đều chưa ảnh hưởng lên giá đồng trong ngắn hạn, giá sẽ phản ứng với các tín hiệu kỹ thuật nhiều hơn
Giá đồng tăng phiên thứ 2 liên tiếp lên 4.51 USD/pound. Mức tăng 2% của giá đồng trong phiên hôm qua tuy rất tích cực, nhưng giá đã có thể tăng nhiều hơn nếu không chịu sức ép từ đồng USD.
Kết thúc phiên họp đầu tiên của năm 2022, dù FED chưa thông báo chính thức về ngày tăng lãi suất, nhưng các chính sách thu hẹp bảng cân đối kế toán của cơ quan này vẫn được nhấn mạnh lại, bao gồm việc kết thúc gói nhu mua trái phiếu vào tháng 3 năm nay. Đây là những nỗ lực của FED nhằm bảo vệ vị thế của đồng bạc xanh, nên rất có thể tỷ giá đồng USD so với các đồng tiền khác sẽ tăng lên trong thời gian tới và gây sức ép lên thị trường hàng hóa nói chung và thị trường đồng nói riêng. Hiện chỉ số Dollar Index đang là 96.7 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 tháng, và rất có thể sẽ tiến tới mức 97 điểm trong tuần tới.
Về phía các yếu tố cơ bản về cung cầu, theo Shanghai Metal News, sản lượng dự kiến của các nhà máy luyện đồng chính của Trung Quốc cho năm 2022 là 10.45 triệu tấn, tăng 650,000 tấn tức 6.56% so với năm 2021.
Sự gia tăng chủ yếu đến từ các kế hoạch mở rộng và xây dựng mới của các lò luyện trong nước trong giai đoạn 2021-2022, đặc biệt là các dự án của các lò luyện ở miền đông và miền trung Trung Quốc.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng nối dài đà tăng bất chấp diễn biến của thị trường tài chính chung
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong ngày hôm qua với căng thẳng giữa khối NATO và Nga tăng cao. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 2.04% lên 87.35 USD/thùng trong khi giá Brent tháng 4 tăng 1.79% lên 88.74 USD/thùng.
Giá tăng mạnh trong phiên tối bất chấp báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng mạnh hơn dự đoán. Đà tăng chỉ suy yếu sau khi chủ tịch FED Jerome Powell cho biết FED sắp tăng lãi suất và cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ, góp phần kéo theo thị trường tài chính, chứng khoán hay cả giá dầu đi xuống.
Tuy vậy, so sánh với với thị trường chứng khoán Mỹ, cụ thể là với chỉ số chính S&P500, hiện tại giá dầu đang có sự khác biệt nhất định. Nếu như trong năm 2021 giá dầu và S&P500 vẫn đi cùng xu hướng, thì từ đầu năm nay trở đi đã có sự phân hóa rõ rệt. Chứng khoán Mỹ vẫn đang trên đà đi xuống mà chưa có dấu hiệu sẽ sớm phục hồi trong khi đó ngày càng nhiều nhà phân tích cho biết giá dầu thô sẽ lên 100 USD/thùng. Nguyên nhân là do dầu thô đang đi theo các yếu tố địa chính trị, và đà tăng đang mạnh đến mức thị trường bỏ qua cả các yếu tố dư cung trong ngắn hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV