Thị trường nông sản sẽ ít biến động trong lúc chờ đợi báo cáo Diện tích Gieo trồng
Nhóm đậu tương tiếp tục có sự phân hóa và vẫn cùng 1 kịch bản đã diễn ra liên tục kể từ đầu năm 2021 tới nay. Khô đậu tương vẫn là mặt hàng yếu nhất với mức giảm 6,4% khi mà giá dầu đậu tương vẫn tiếp tục tăng theo giá dầu thô, dù đà tăng bị chững lại vào cuối tuần khi tòa án tối cao đã ra phán quyết ủng hộ các nhà máy lọc dầu vừa và nhỏ được tiếp tục miễn trừ nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học.
Đối với đậu tương, mặt hàng đóng vai trò đầu vào trong chuỗi sản xuất của 3 mặt hàng, xu hướng giảm trong vòng gần 3 tuần qua phải nói là rất mạnh. Giá giảm từ 1465 xuống tới hỗ trợ 1250 mới nhận được hỗ trợ nhiều hơn và tạm thời đang ngăn được đà giảm của giá. Dự báo những cơn mưa tốt hơn ở Midwest, Mỹ sẽ xuất hiện trong tuần này và giúp mùa vụ đậu tương phát triển tốt hơn. Các báo cáo Crop Progress gần đây của USDA cho thấy tiến độ mùa vụ đậu tương năm nay ở mức bình thường và mùa vụ đã bắt đầu bước vào giai đoạn ra hoa, giai đoạn quan trọng và nhạy cảm, có thể quyết định năng suất thu hoạch sau này.

Tong hop cac ban tin ngay

Trong tuần này, báo cáo Diện tích gieo trồng sẽ hoàn toàn chi phối thị trường. Diện tích trồng đậu tương đang được dự báo sẽ cao hơn so với báo cáo 31/03 và thời tiết đang khá thuận lợi, sẽ là thông tin gây áp lực lên giá từ giờ tới trước thời điểm báo cáo phát hành.

Giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 kết thúc tuần trước giảm mạnh 8.30% về mức 519.25 trong bối cảnh thị trường đang kỳ vọng USDA sẽ điều chỉnh tăng diện tích gieo trồng ngô của Mỹ so với báo cáo tháng 3 và ước tính ban đầu trong Diễn đàn Nông nghiệp hồi đầu năm. Bên cạnh đó, tuy sản lượng ethanol của Mỹ trong tuần vẫn duy trì ở trên mức 1 triệu thùng/ngày, lo ngại về thông tin miễn giảm nghĩa vụ pha trộn nguyên liệu sinh học bắt buộc của các nhà máy lọc dầu của tổng thống Joe Biden đã khiến bên mua trở nên thận trọng hơn khi tham gia thị trường.
Dự báo thời tiết trong những ngày tới cho thấy, hầu hết khu vực Midwest sẽ có mưa trong những ngày tới tạo điều kiện cho giai đoạn phát triển ban đầu của cây ngô tại đây. Nhiều khả năng giá ngô sẽ hướng về vùng giá 500 – 510 trong một vài phiên tới.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá lúa mỳ hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giảm 1.7%. Lực bán chốt lời sát ngày thông báo đầu tiên và kỳ vọng của thị trường vào việc USDA sẽ đưa ra số liệu lớn hơn đối với tồn kho cuối niên vụ 20/21 của Mỹ trong Báo cáo Tồn kho quý sắp tới đã là những yếu tố chính tạo áp lực lên giá lúa mỳ.
Tại khu vực châu Âu, điều kiện thời tiết vẫn đang khá thuận lợi đối với sự phát triển của cây lúa mỳ vụ mới. Cụ thể, cuối tuần trước văn phòng nông nghiệp FranceAgriMer cho biết chất lượng tốt – tuyệt vời của lúa mỳ tại đây vẫn đang duy trì xung quanh mức 80% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong những ngày tới cho thấy, mưa sẽ xuất hiện tại hầu hết các khu vực gieo trồng lúa mỳ của Nga, Ukraine và Pháp, với lượng vừa, tiếp tục tạo điều kiện cho sự phát triển của cây lúa mỳ vụ xuân. Trong khi đó, tại Mỹ, dù mưa đã xuất hiện ở nhiều khu vực của Midwest, tuy nhiên khu vực North Dakota vẫn đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, gây ra lo ngại rất lớn về năng suất lúa mì vụ xuân. Vì thế, nhiều khả năng giá lúa mì sẽ đi ngang trong vùng giá 640 – 660 trước báo cáo.
 
Giá Robusta có thể là yếu tố dẫn dắt thị trường cà phê đi lên trong tuần này
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá Cà phê hai sàn hồi phục mạnh. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE US đóng cửa tuần với mức tăng 3.85% lên 157.8 cents/pound, nhờ vào đà tăng trong phiên thứ sáu. Trong khi đó, giá Robusta kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE EU đã thoát khỏi xu thế đi ngang và bứt phá với mức tăng 3.9% lên 1679 USD/tấn.
Giá Cà phê Arabica được hỗ trợ chủ yếu nhờ vào việc sản lượng thu hoạch ở Brazil thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên phiên tăng giá mạnh vào cuối tuần vừa qua thì lại được dẫn dắt bởi giá Cà phê Robusta.
Giá Robusta bất ngờ tăng mạnh vào hai phiên cuối cùng của tuần và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. Điều này được lý giải bởi hợp đồng Cà phê Robusta tháng 7 bất ngờ vọt tăng lên mức 1745 USD và đóng cửa ở mức 1699 USD, kéo theo việc hợp đồng các tháng sau đó được hưởng lợi. Thông thường, giá hợp đồng kỳ hạn sau phải cao hơn giá hợp đồng đáo hạn trước đó, tuy nhiên, giá hợp đồng tháng 7 của Cà phê Robusta lại cao hơn do gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình giao hàng. Tình trạng thiếu hụt container cùng với cước tàu biển tăng chóng mặt khiến cho hàng ở Việt Nam và Indonesia vẫn ở trong tình trạng kẹt cứng, chưa thể rời đi.
Dự kiến chi phí vận chuyển sẽ tiếp tục tăng do chịu ảnh hưởng bởi đà năng của thị trường năng lượng trong thời gian gần đây, đặc biệt là dầu thô. Do đó, giá Cà phê có thể tiếp tục được hưởng lợi trong thời gian sắp tới.
Từ góc nhìn kỹ thuật, giá Cà phê Arabica vẫn chật vật để vượt qua mức 160 cents. Trong hôm nay, hiệu ứng tích cực từ lực mua mạnh của Cà phê Robusta có thể dẫn dắt giá Arabica test lại mức này. Thêm vào đó, giá bật tăng trở lại khi giảm về vùng hỗ trợ Fibonacci 61.8, là dấu hiệu của việc phe bán vẫn chưa thể chiếm ưu thế. Đây có thể là dấu hiệu tích cực cho việc giá Arabica khôi phục lại xu thế cấp 1 và test lại các vùng cản 162.5 và 165 cents/pound.

Đối với giá Cà phê Robusta, trong hôm nay, lực mua mạnh do các vấn đề về vận chuyển vẫn chưa được giải quyết sẽ đưa giá Cà phê Robusta lên test mức 1685, tương ứng với mức Fibonacci mở rộng 1.0, là một vùng cản kỹ thuật do lực chốt lời, nhưng khả năng cao giá sẽ vượt qua vùng này để test mức cản tâm lý 1700 USD. Nếu giá đóng cửa trên 1700 USD, đà tăng của Robusta có khả năng được phục hồi và mục tiêu chốt lời tiếp theo của các nhà đầu tư có thể ở vùng 1814 USD/tấn.
 
Triển vọng tích cực cho thị trường kim loại quý trong tuần này
Thị trường kim loại quý kết thúc tuần với sắc xanh áp đảo. Giá Bạc tăng nhẹ 0.45% lên 26.09 USD/ounce, giá Bạch kim tăng mạnh 6% lên 1103.6 USD/ounce.
Trong tuần vừa qua, thị trường kim loại quý hồi phục nhưng phần nào bị lu mờ bởi đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường năng lượng. Chỉ số S&P 500 tăng gần 3% lên mức cao nhất mọi thời đại là 4,280 điểm, cùng với đó, giá Dầu thô cũng tăng lên mức 75 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2018. Các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan với triển vọng hồi phục của nền kinh tế, cộng với hiệu ứng tích cực sau khi Tổng thống Biden đã đạt được thỏa thuận với Quốc hội Mỹ về gói phát triển hạ tầng bao gồm 579 tỉ USD chi tiêu mới.
Thị trường Bạc có dấu hiệu hồi phục khi giá đóng cửa tuần tăng so với mức tham chiếu của tuần trước đó, tuy nhiên, nhìn ở mốc thời gian ngắn hơn, giá đi ngang trong biên độ 25.7 – 26 USD/ounce suốt cả năm phiên. Bên cạnh đó, lực mua yếu phản ánh tâm lý nhà đầu tư không quá hào hứng đối với kim loại này.
Trái lại, giá Bạch kim vọt tăng liên tiếp trong cả tuần vừa qua, được thúc đẩy từ lực bắt đáy mạnh mẽ ở khi giá giảm về tiệm cận với vùng hỗ trợ tâm lý 1000 USD/ounce. Ở thị trường kim loại, Bạch kim đang được giao dịch ở một mức giá “hấp dẫn” và là kim loại công nghiệp hiếm hoi nằm ngoài đà tăng “vũ bão” như siêu chu kỳ của Đồng hay Quặng sắt. Thêm vào đó, nhu cầu sản suất công nghiệp và ứng dụng quan trọng của Bạch kim trong ngành sản xuất ô tô và năng lượng xanh vẫn đảm bảo cho kim loại này một triển vọng sáng sủa, do đó, lực mua của các nhà đầu tư có phần vượt trội so với Bạc để đưa giá Bạch kim phục hồi về vùng 1100 USD/ounce.
Trong tuần tới, các tin tức kinh tế như Doanh số nhà chờ bán tháng 5 hay số Đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn là yếu tố sẽ dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tâm điểm của tuần này thuộc về số liệu Bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ 6 tuần này. Đây là dữ liệu rất quan trọng, phản ánh tốc độ hồi phục của nền lao động Mỹ. Và nếu số liệu không tích cực như dự báo, FED có thể sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ. Bên cạnh đó, thỏa thuận cơ sở hạ tầng vừa qua sẽ khiến thị trường tiếp tục được bơm thêm rất nhiều tiền mặt, điều này gây lên áp lực lớn đối với giá trị của đồng USD, tuy nhiên lại là yếu tố hỗ trợ giá của kim loại quý như Bạc và Bạch kim.
Từ góc nhìn kỹ thuật, thị trường Bạc vẫn đang nằm trong xu thế đi ngang, và dự kiến sẽ sớm test lại mốc kháng cự 26.3 USD/ounce. Chỉ số RSI ở mức 40 cho thấy lực mua vẫn còn yếu, và các tín hiệu mua vào chưa rõ ràng. Do đó, trong tuần này, nếu số liệu Bảng lương phi nông nghiệp tiêu cực hơn so với dự đoán và làm đồng USD giảm giá, giá Bạc có thể hồi phục và test lại mốc Fibonacci 61.8 tương đương với mức 26.8 USD/ounce.

Đối với thị trường Bạch kim, triển vọng tăng giá vẫn sáng sủa hơn so với Bạc khi tín hiệu RSI cho thấy một xu hướng tăng, phản ánh lực mua vào đang có phần áp đảo. Tương tự, nếu các tin tức cơ bản hỗ trợ, giá Bạch kim trong tuần này có thể hồi về vùng Fibonacci 0.5 tương đương với mốc 1150 USD/ounce. Tuy nhiên, do tăng liên tiếp trong nhiều phiên, giá có thể gặp áp lực chốt lời một phần ở vùng 1120 USD/ounce (Fibonacci 38.2) trước khi tăng lên 1150 USD/ounce.
 
Giá dầu có thể sẽ giảm nhẹ khi thị trường chờ đợi tin tức từ OPEC
Giá dầu đã tăng trong suốt 5 tuần liên tiếp, với kỳ vọng của thị trường là nhu cầu sẽ tăng vượt nguồn cung trong năm nay. Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tăng 3.87% lên 74.05 USD/thùng, giá Brent tăng 3.63% lên 76.18 USD/thùng.
Một loạt các tín hiệu tuần vừa rồi cho thấy nhu cầu nhiên liệu trên thế giới sẽ tăng vượt nguồn cung. Việc Iran từ chối các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn khiến cho Viện Tài chính Quốc tế dự báo rằng cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran dù thành công cũng sẽ vẫn sẽ áp dụng hầu hết các lệnh cấm vận năm 2015, hạn chế sản lượng của Iran trong năm nay. Trong khi đó, theo báo cáo của Baker Hughes thứ 6 tuần trước, số giàn khoan dầu đá phiến đã giảm 4 cái bất chấp mức giá cao trong hơn 1 tháng, cho thấy các nhà sản xuất tại Mỹ vẫn đang khá thận trọng đối với các quyết định sản lượng, nhất là khi các quy định khí thải đang thắt chặt. Mới đây, một nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ đã thảo luận một dự luật có thể buộc các công ty dầu khí tăng cường các biện pháp xử lý nước thải, gia tăng chi phí sản xuất.
Nhân tố có khả năng tác động đến lớn nhất đến thị trường hiện nay, nhóm OPEC+ nhiều khả năng vẫn sẽ áp dụng các chính sách sản lượng thận trọng để hỗ trợ giá dầu, đặc biệt khi chủng vi-rút COVID-19 Delta đang lây lan trên hơn 80 nước trên thế giới. Úc vừa tiến hành các biện pháp phong tỏa trở lại một số vùng trong tuần vừa rồi, trong khi số ca nhiễm mới tại Israel tăng từ khoảng vài chục ca 1 ngày lên gần 200 ca/ngày. WHO cảnh báo việc tiêm đủ 2 liều vắc-xin là không đủ nếu không tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc,… Do đó, giới phân tích cho rằng OPEC+ sẽ chỉ tăng sản lượng lên khoảng 500,000-700,000 thùng/ngày trong thời gian tới. Nếu cuộc họp 1/7 diễn ra theo đúng kịch bản này, với sản lượng trên thế giới ước tính đang thấp hơn so với nhu cầu khoảng 3 triệu thùng/ngày theo ước tính của Goldman Sachs, giá dầu sẽ tăng lên cao sau cuộc họp và có thể vượt mốc 75 USD/thùng với dầu WTI. Tuy nhiên, đà tăng lần này có thể bị hạn chế nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến xấu đi.
Về mặt kỹ thuật, giá WTI đang điều chỉnh nhẹ và test lại vùng giá 74 USD/thùng sau khi bị chặn tại mức 74.3 USD/thùng. Giá có thể sẽ điều chỉnh giảm xuống dưới vùng 73.4-74 USD/thùng trong vài phiên tới, trước khi có kết quả cuộc họp chính sách của OPEC ngày 1/7.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)