Giá cả
Thép
Thị trường thép thế giới trong tháng 9/2020 đã hồi phục mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao, nhiều nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa và các biện pháp chống dịch trong trạng thái bình thường mới và giá nguyên liệu thô tăng do nguồn cung khan. Tuy nhiên, cán cân cung - cầu vẫn còn bấp bênh do các nhà sản xuất thép tìm cách nâng sản lượng mà không gây áp lực lên giá. So với tháng liền trước, giá các sản phẩm thép tháng này tăng trên khắp các châu lục. Giá thép cây dùng trong ngành xây dựng tăng nhẹ 2,33% so với tháng liền trước, song vẫn giảm mạnh gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu thép đang được thúc đẩy bởi sự hồi sinh toàn cầu của sản xuất công nghiệp, với chỉ số quản lý thu mua sản xuất toàn cầu của JP Morgan chạm mức đỉnh 21 tháng vào tháng 8/2020 và doanh số bán hàng tăng trong lĩnh vực ô tô - ngành tiêu thụ thép chủ chốt.
Trung Quốc đã quay trở lại hoạt động với tốc độ tối đa trong vài tháng qua, trong khi châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản đang trỗi dậy khỏi tình trạng tồi tệ nhất của đợt đóng cửa. Nhu cầu nội địa đang được cải thiện ở Nhật Bản và Ấn Độ, mặc dù cả hai quốc gia này đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, vốn có thể không bền vững trong dài hạn. Sản lượng ô tô của Ấn Độ tăng 58% trong tháng 7 do các nhà sản xuất ô tô địa phương tiếp tục sản xuất sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc. Mỹ phục hồi chậm hơn một chút và nhu cầu của khách tiêu dùng đã hồi phục mạnh do sản xuất ô tô mạnh hơn.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô thế giới (64 quốc gia sản xuất nhiều thép nhất thế giới) đạt 156,2 triệu tấn vào tháng 8/2020, tăng 0,6% so với tháng 7/2019. Sản xuất tại tất cả các quốc gia đều giảm trừ Trung Quốc.
Tại Châu Á, giá thép biến động theo chiều hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thép hồi phục mạnh tại nhiều nước.
Tại Trung Quốc, chỉ số giá các sản phẩm thép tăng nhẹ. Riêng giá thép cây dùng trong xây dựng trong tháng 9/2020 biến động theo chiều hướng giảm so với tháng liền trước do nguồn cung tăng mạnh và nhu cầu yếu do mùa mưa bão. Giá giảm đã khiến các nhà máy hoạt động không lợi nhuận, một số còn báo lỗ. Ngày 22/9/2020, giá thép cây đạt 3.614 CNY/tấn tại Thượng Hải, giảm 167 CNY/tấn so với ngày 22/8/2020.
Ngành thép của Trung Quốc đã hồi phục nhanh nhờ các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ngành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá nguyên liệu và nhập khẩu thép tăng. Nhập khẩu thép Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020 đã tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại trong tháng 9 sau khi đạt mức cao kỉ lục vào tháng 8/2020 do các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn ảnh hưởng đến nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng. Sản lượng thép thô trong 10 ngày đầu tháng 9 đạt mức trung bình 2,96 triệu tấn/ngày, giảm 0,6% so với mức ghi nhận từ ngày 20-31/8/2020, nhưng tăng 6,4% so với cùng kì năm ngoái.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thép thô của nước này đạt 94,9 triệu tấn trong tháng 8/2020, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái và sản lượng thép thành phẩm đạt 119,1 triệu tấn, tăng 11,3%. Sản lượng gang lên tới 78,6 triệu tấn, tăng 5% so với cùng tháng năm trước và tăng 0,47% so với tháng liền trước. Sản lượng thép cây đạt 24,13 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng tháng một năm trước. Sản lượng thép cuộn đạt 14,7 triệu tấn, tăng 7%.
Các nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Biểu đồ diễn biến giá thép cây xây dựng (Rebar)
tại Thượng Hải - Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay
Nguồn: Reuters
Giá quặng sắt
Giá quặng sắt tại Trung Quốc trong tháng 9/2020 biến động theo chiều hướng tăng so với tháng 8/2020. Giá quặng sắt nhập khẩu tại Đại Liên đã lên tới 135,4 USD/tấn ngày 7/9/2020, mức cao nhất từ đầu năm tới nay sau đó giá giảm dần về cuối tháng. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh, kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng trong khi nguồn cung quặng sắt từ Brazil thắt chặt do dịch bệnh đang làm tê liệt toàn bộ ngành khai khoáng và hoạt động tại cảng của nước này. Xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 8/2020 giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước còn 31,3 triệu tấn quặng sắt.
Tuy nhiên, giá cũng chịu áp lực bởi các hạn chế môi trường tại khu vực sản xuất thép chủ yếu. Thành phố sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn – Trung Quốc đã đưa ra các hạn chế hoạt động tại một số nhà máy thép do điều kiện thời tiết bất lợi.
Trung Quốc hiện phụ thuộc vào nguồn quặng sắt nhập khẩu để đáp ứng 2/3 nhu cầu nội địa, trong đó chủ yếu từ Autralia và Brazil.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 24/9/2020

Tên sản phẩm

Giá trung bình (CNY/tấn)

So với 1 tháng trước đó (%)

So với 1 năm trước đó (%)

Quặng sắt trong nước (65% sắt)

998

3,58

6,47

Quặng sắt nhập khẩu (62% sắt)

962(122,91

USD/T)

2,95

4,72

Quặng sắt nhập khẩu (65% sắt)

1060(135,07 USD/T)

7,68

5,56

Nguồn: SteelHome
Sản lượng
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô thế giới (64 quốc gia sản xuất nhiều thép nhất thế giới) đạt 156,2 triệu tấn vào tháng 8/2020, tăng 0,6% so với tháng 7/2019. Sản xuất tại tất cả các quốc gia đều giảm trừ Trung Quốc.
Trong tháng 8/2020, châu Á sản xuất 120 triệu tấn thép thô, tăng 4,8%. Trong đó, Trung Quốc sản xuất 94,8 triệu tấn thép thô, tăng 8,4% so với tháng 8/2019. Ấn Độ sản xuất 8,4 triệu tấn, giảm 4,4%. Nhật Bản sản xuất 6,4 triệu tấn, giảm 20,6%. Hàn Quốc sản xuất 5,8 triệu tấn, giảm 1,8%.
Sản xuất tại EU đạt 9,3 triệu tấn, giảm 16,6%. Đức sản xuất 2,8 triệu tấn, giảm 13,4%. Ý sản xuất 0,93 triệu tấn, tăng 9,7%. Pháp sản xuất 0,72 triệu tấn, giảm 31,2%.
Sản xuất thép tại Bắc Mỹ đạt 7,6 triệu tấn, giảm 23,7%. Trong đó, Mỹ sản xuất 5,5 triệu tấn, giảm 23,7%.
SNG sản xuất 7,9 triệu tấn, giảm 6,2%. Ucraina sản xuất 1,8 triệu tấn, giảm 6,7%.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng thép thô thế giới đạt 1.180 triệu tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Châu Á sản xuất 882 triệu tấn thép thô, giảm 0,7% so với nửa đầu năm 2019. EU (28 nước) sản xuất 88 triệu tấn thép thô, giảm 18,6%. Sản lượng thép thô của Bắc Mỹ đạt 65,6 triệu tấn, giảm 19%.
Dự báo
Giá thép sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới khi các nền kinh tế phục hồi và nhu cầu tăng lên sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Giá quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép bằng lò cao, có thể sẽ giảm trong 6 tháng tới do nguồn cung và tồn kho lớn hơn của Brazil, bất chấp kỳ vọng nhu cầu lớn hơn từ các nhà sản xuất thép sẽ đưa sản xuất lò cao hoạt động trở lại.
Dự báo giá quặng sắt 62% Fe giao cho Trung Quốc sẽ giảm trở lại 85 USD/tấn vào năm 2021.
Về nhu cầu, tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch Covid và thời tiết. Mùa mưa bão tại một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan… trong tháng tới cũng ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng.
Tại Trung Quốc, cung - cầu sẽ mất cân đối. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép mạnh trong nước, ngành thép sẽ còn tiếp tục nhập khẩu nhiều nguyên liệu sản xuất thép từ nhiều nước để sản xuất thép đồng thời giảm xuất khẩu.
Cung khan, cầu tăng sẽ đẩy giá quặng sắt tiếp tục tăng cao trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam, đây cũng là lý do để các doanh nghiệp nâng giá bán hàng, tuy nhiên sẽ còn phụ thuộc vào người mua.

Nguồn: VITIC