Cá tra
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 9/2020 vẫn ở mức thấp 17.500 – 18.000 đ/kg đối với loại 700-800 g/con, do nguồn cung tăng, trong khi xuất khẩu vẫn ảm đạm, lượng tồn kho cao, giá xuất khẩu thấp. Dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước.
Diễn biến giá cá tra thịt trắng loại 1 tại Đồng Tháp
ĐVT: đ/kg
Nguồn: Tính toán từ số liệu của VASEP
Tôm
Sau một thời gian giảm sâu, từ cuối tháng 8/2020 đến nay giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tăng trở lại, thị trường mua bán nhộn nhịp, do xuất khẩu thuận lợi, nhiều công ty, doanh nghiệp có hợp đồng, đơn hàng mới, hàng tồn kho giảm dần.
Hiện giá tôm thẻ chân trắng tăng 20.000 đồng/kg so với tháng 8/2020. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình công nghiệp, loại 22-25 con/kg giá 160.000 đồng; loại 26-30 con/kg giá 146.000 đồng/kg; loại 35-40 con/kg 126.000 đồng/kg; loại 55-60 con/kg giá 100.000 đồng/kg. Tôm sú loại 20 con/kg giá 180.000 - 190.000 đồng/kg, loại 30 con/kg trên 200.000 đồng/kg.
Diễn biến giá tôm sú loại 30 con/kg tại ĐBSCL
ĐVT: đ/kg
Nguồn: Tính toán từ số liệu của VASEP
CUNG - CẦU
Theo Tổng cục Thủy sản, 8 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 5,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 62,9% kế hoạch cả năm; trong đó, khai thác ước đạt 2,6 triệu tấn và nuôi trồng đạt 2,8 triệu tấn.
Năm 2020, dự kiến ngành thủy sản phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng: Tổng sản lượng 8,6 triệu tấn (vượt 22,8% so với chỉ tiêu so với chỉ tiêu được giao), trong đó nuôi trồng 4,7 triệu tấn (vượt 4,4%), khai thác 3,9 triệu tấn (vượt 56%); kim ngạch xuất khẩu phấn đấu 10 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thủy sản các loại về Việt Nam liên tục tăng trong 4 tháng gần đây, tháng 8/2020 tăng 1,5% so với tháng 7/2020 và tăng 8,8% so với tháng 8/2019, đạt 151,32 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu thủy sản đạt gần 1,15 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt trên 5,21 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 8/2020 đạt 814,71 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng 7/2020 và tăng 0,6% so với tháng 8/2019.
Theo Bộ Công Thương, Saudi Arabia đã cho phép 12 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào nước này, đây là tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều thị trường gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Trước đó, Saudi Arabia tạm ngừng nhập khẩu thủy sản Việt, sau khi đoàn thanh tra thực tế của SFDA đến Việt Nam làm việc và kết luận một số cơ sở sản xuất, chế biến tôm và cá tra của Việt Nam không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Dự báo
Dự báo trong thời gian tới, giá cá tra tại ĐBSCL tiếp tục ổn định ở mức thấp. Xuất khẩu cá tra trong thời gian tới sẽ tăng do thủy sản là sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu nên dù dịch có kéo dài thì thị trường vẫn cần, nhiều khả năng thị trường sẽ hồi phục sau dịch. Thực tế, thị trường Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi và tạo sức bật xuất khẩu cá tra. Xuất khẩu sang EU sẽ tăng, mục tiêu đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2025 nhờ EVFTA. Xuất khẩu sang ASEAN, Nhật Bản, Nga… cũng đang có triển vọng.
Dự báo, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tiếp tục có nhiều tín hiệu khả quan và có lợi cho Việt Nam, nhất là các nước xuất khẩu tôm lớn và là đối thủ của Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan... đều đang bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tôm, khiến sản lượng giảm mạnh. Cùng với đó, hệ thống cung - cầu về mặt hàng tôm của nhiều nước cũng đã bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, đây là thời cơ cho ngành tôm Việt Nam.

Nguồn: VITIC