Theo số lượng thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong 7 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu đạt 634.995 tấn trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và 58,4% về giá trị. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 151.138 tấn cao su trị giá 225,5 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 19,8% về giá trị.
Xuất khẩu sản phẩm từ cao su trong 7 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ cao su giảm 5,2% xuống còn 292 triệu USD.
Trung Quốc vẫn đứng đầu thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 394.614 tấn đạt giá trị 690,7 triệu USD. Đứng thứ 2 là Malaysia với 38.663 tấn trị giá 61,3 triệu USD. Tiếp theo là Ấn Độ đạt lượng xuất khẩu cao su là 25.731 tấn, trị giá 44,72 triệu USD. 
 
Theo báo cáo của Hiệp hội các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết nguồn cung cao su thiên nhiên trên toàn thế giới hiện đang thiếu hụt 700.000 tấn trên toàn cầu. Con số này chuẩn xác so với dự báo của ANRPC đưa ra hồi tháng 5 sau khi nguồn cung cao su thiên nhiên trên toàn cầu trong 5 tháng đầu năm thâm hụt 600.000 tấn.
Mặc dù vậy nhưng ANRPC dự báo mức thiếu hụt trong tháng 9 có thể giảm xuống còn 466.000 tấn và 100.000 tấn vào tháng 12.
Tại thị trường Việt Nam, theo thông tin từ Hiệp hội Cao su Việt Nam cho hay hầu hết các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đều bị thiệt hại trên 2,5% sản lượng trong tháng 7/2017 do mưa bão kéo dài. Trong tháng 7/2017 có 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng lớn đến công tác khai thác mủ của các công ty cao su tại Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực phía Bắc, nên các công ty không thể thu hoạch mủ trọn vẹn.
Tuy nguồn cung bị thiếu hụt nhưng giá vẫn giữ ở mức thấp khi giá cao su tự nhiên tại sàn TOCOM hồi tháng 6 giảm tới 42,8% so với đỉnh tháng 1/2017. Điều này khiến nông dân hạn chế khai thác mủ khiến tình trạng thiếu cao su càng trở nên nghiêm trọng.
Nguyên nhân của việc giá cao su chưa thể tăng cao, theo chủ tịch ANRPC nhận định là do các yếu tố khác như tiền tệ, giá dầu thô và căng thẳng địa chính trị, không phải yếu tố cung-cầu.
 Nguồn Đức Quỳnh/ndh.vn