Chia sẻ về kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá trị gia tăng (GDP) toàn ngành năm 2022 đạt 3,36%, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 30/12 tại Hà Nội.
Kỷ lục về xuất khẩu
Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục với 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD và chiếm tới gần 76% xuất siêu của cả nền kinh tế.
Có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD. Riêng ngành thủy sản cũng đã tạo lập nên kỷ lục mới của ngành khi ước xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng thành công trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2022 chính là việc mở cửa thị trường. Nhiều nông sản, trái cây đã chạm ngõ được các thị trường khó tính. Đặc biệt, trong năm 2022, Việt Nam đã ký được 4 nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang và tổ yến.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định thành tích của ngành nông nghiệp có được là nhờ đã bám sát và thực hiện công tác điều hành, quản lý một cách linh hoạt, thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, cũng như khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu, và bất ổn của địa chính trị.
"Dựa trên chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Công thương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Một trong những kết quả gần đây nhất là bà con nông dân đã xuất khẩu thành công bưởi sang thị trường Vương quốc Anh," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Nhìn lại kết quả toàn ngành năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn trên tất cả mọi hoạt động. Toàn ngành đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu
Bước sang năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, ngành nông nghiệp đặt ra các mục tiêu tăng trưởng như: Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
Nhấn mạnh ngành nông nghiệp không chỉ tăng trưởng về số lượng mà sẽ tiếp tục tái cơ cấu theo hướng đi sâu hơn nữa vào phát triển chất lượng trong năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ vấn đề này cần được triển khai bằng cách nâng cao nhận thức, tư duy cho người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật canh tác gắn với chuyển đổi số, chuyển từ sản xuất đơn giá trị sang đa trị.
"Trên cơ sở thành công của năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về nông sản và mở cửa thêm các thị trường trong năm 2023. Toàn ngành nông nghiệp cam kết đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023 là mở cửa thị trường quốc tế thông qua việc tận dụng các FTA thế hệ mới, tháo gỡ rào cản thương mại ở thị trường mới, vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường khó tính. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý toàn ngành nông nghiệp chú trọng hơn vào thị trường trong nước, giúp người dân được sử dụng nhiều sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn.