Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Singapore. Theo số liệu Thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore; trong đó Việt Nam đang nguồn cung hàng hóa lớn thứ 10 tại châu Á của Singapore và là nguồn cung lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á của quốc gia này.
Đáng chú ý, Việt Nam và Singapore đều là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) … nhờ đó hai nước có thêm nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau cũng như tìm kiếm thông tin, mở rộng các tệp khách hàng. Thời gian qua, Việt Nam và Singapore luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thúc đẩy toàn diện và sâu sắc mọi nội dung của các FTA thế hệ mới, đồng thời nỗ lực tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các FTA mang lại đối với các doanh nghiệp. Nhận thức được tính bổ trợ của hai nền kinh tế, Việt Nam và Singapore đã và đang thúc đẩy các FTA cùng tham gia, từ đó tăng cường hợp tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như của khu vực.

Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Singapore trong 9 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 09)
ĐVT: %

Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC

Trong những năm qua, Singapore luôn nằm trong tốp những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Singapore có mặt tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, điển hình như thành phố Hồ Chí Minh với 1.635 dự án, thành phố Hà Nội với 493 dự án, tỉnh Bắc Ninh với 93 dự án … Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Singapore có 3.806 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 81,13 tỷ USD. Trong đó, Singapore đầu tư vào 18 ngành, tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa …
Số liệu từ Trading Economics cho thấy, nền kinh tế Singapore tăng trưởng mạnh mẽ 5,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2024, cao hơn so với ước tính sơ bộ trước đó và vượt qua mức kỳ vọng của thị trường. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Singapore đã giảm xuống 1,4% vào tháng 10/2024 từ mức 2% trong tháng trước, thấp hơn kỳ vọng của thị trường - đây cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 03/2021. Cũng theo Bảng xếp hạng mức độ cạnh tranh kinh tế của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) công bố vào ngày 18/6, Singapore đã lấy lại vị trí dẫn đầu là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2024, vượt qua các nền kinh tế khác như Thụy Sĩ và Đan Mạch.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Singapore đạt 9,01 tỷ USD, giảm nhẹ 1,64% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,29 tỷ USD, giảm 0,55% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,71 tỷ USD, giảm 2,61%.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam –  Singapore trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước

ĐVT: Triệu USD

  Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng đều đặn. Ba nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore gồm Nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại; lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Singapore chủ yếu là các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại; nhóm xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ; Chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh; ngọc trai, đá quý, và các sản phẩm kim hoàn …

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore trong giai đoạn 2013 – 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Năm 2016 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Singapore thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 2,42 tỷ USD, trong khi đó năm 2022 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 4,32 tỷ USD, tăng nhẹ 0,55% so với năm 2023 và tăng rất mạnh 78,35% so với năm 2016; tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2013 – 2023 đạt 6,58%. Xuất khẩu hàng hóa sang Singapore trong những năm qua có nhiều khởi sắc tích cực khi hai nước trở thành thành viên của các FTA thế hệ mới, được hưởng các ưu đãi thuế quan và cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau. Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế của Singapore được hỗ trợ bởi một số yếu tố, đặc biệt là nhu cầu tăng mạnh về các sản phẩm điện tử cao cấp (như chip liên quan đến AI), dự kiến sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành sản xuất điện tử, điều này cũng tạo cơ hội cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ được xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường này.
Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Singapore đạt 433,10 triệu USD, tăng 11,71% so với tháng trước đó và tăng đáng kể 32,49% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 10 tháng năm 2023 là 26,68%, đạt 4,35 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 20,07%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 16,55%) và Phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 15,03%).
Trong đó, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh so với 10 tháng đầu năm 2023, gồm: Phương tiện vận tải và phụ tùng; Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; Dầu thô; Sản phẩm từ cao su; với mức tăng lần lượt là 103,92%; 81,37%; 180,64% và 56,18%. Ngược lại, một số mặt hàng ghi nhận mức giảm đáng kể so với 10 tháng đầu năm 2023 gồm Sắt thép các loại; Sản phẩm từ sắt thép; Giấy và các sản phẩm từ giấy với mức giảm lần lượt là 29,97%; 32,24% và 30,89%.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang thị trường này. Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại Singapore đối với 3 nhóm gạo là: gạo tẻ trắng (chiếm 48,62%); gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 69,43%) và gạo nếp (78,05%). Sản phẩm gạo Việt Nam không chỉ được tiêu thụ tại thị trường Singapore mà còn được các doanh nghiệp Singapore xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới; vì vậy các doanh nghiệp cần lưu ý vai trò địa bàn trung chuyển quan trọng của Singapore, chứ không chỉ là địa bàn gần 6 triệu dân của quốc gia này.

 Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Singapore trong tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024

     (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 10/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Singapore đạt 545,78 triệu USD, tăng mạnh 42,94% so với tháng trước đó và tăng 49,86% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 7,33% so với 10 tháng đầu năm 2023, đạt 4,29 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Xăng dầu các loại (chiếm tỷ trọng 40,47%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 10,02%) và Chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh (chiếm tỷ trọng 7,99%).

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Singapore trong tháng 10/2024 và 10 tháng đầu năm 2024

(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong năm 2024, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Singapore luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Tháng 12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam có chuyến thăm chính thức Singapore từ ngày 1-3/12.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai nước khẳng định quan hệ Việt Nam - Singapore không ngừng phát triển, đạt nhiều dấu mốc quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Với nền tảng vững chắc về hợp tác kinh tế song phương, hai bên khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa trụ cột hợp tác quan trọng này, thông qua tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm xử lý những vấn đề mới trong phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy đầu tư trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi nước, tạo đột phá trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như logistics xanh, xây dựng trung tâm dữ liệu, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng sạch, tín chỉ carbon, an ninh lương thực, tài chính xanh…
Để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore ngày càng phát triển và sớm nâng lên một tầm cao mới; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước về hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; triển khai các hoạt động hợp tác giữa các ủy ban, cơ quan của Quốc hội, giữa các nghị sĩ hai nước, trong đó có nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ...
Hoạt động xúc tiến thương mại trong một số lĩnh vực:
Lĩnh vực thủy sản: Ngày 04/9/2024, tại Mariba Bay Sands Singapore, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội các ngành công nghiệp thủy sản Singapore (SIAS), Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi (AAMD), Bộ Công Thương tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngành hành thủy sản Việt Nam tại Singapore. Tại gian hàng chính của Việt Nam đã diễn ra Lễ cắt băng khai mạc gian hàng Việt Nam với sự tham gia của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Singapore.
Đây là hoạt động triển khai cụ thể hóa Chương trình ngoại giao kinh tế năm 2024 nhằm thúc đẩy hiệu quả cao, xúc tiến đầu tư công nghiệp vào Việt Nam, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore,… tại địa bàn; góp phần cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TW, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực phát triển kinh tế - xã hội trong nước,…cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tại hội chợ triển lãm SEAFOOD EXPO ASIA 2024 lần này có sự tham gia của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 360 doanh nghiệp tham gia. Việt Nam có 16 doanh nghiệp thủy sản từ Việt Nam sang tham gia gian hàng. Dự kiến Hội chợ triển lãm sẽ thu hút khoảng 9.000 đối tác thăm quan.
Lĩnh vực thương mại xuyên biên giới: Tháng 6/2024, tại trụ sở Shopee Singapore đã diễn ra Hội nghị xúc tiến Thương mại điện tử và Thanh toán điện tử xuyên biên giới Việt Nam - Singapore 2024, do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đang tích cực thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Thông qua hợp tác, Việt Nam và Singapore có thể tận dụng các thế mạnh tương ứng và tạo ra hệ sinh thái sản xuất năng động và liên kết với nhau, qua đó thúc đẩy đổi mới, phát triển cơ sở hạ tầng và bảo mật thương mại điện tử chung, thúc đẩy phát triển kỹ năng và tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới. Hội nghị cũng được coi là chất xúc tác cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Singapore và Việt Nam, giúp hai bên cùng khai thác toàn bộ tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới và thanh toán điện tử cho các lĩnh vực sản xuất.
Để duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường Singapore, doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, nắm bắt những thay đổi của thị trường nhập khẩu để xây dựng chiến lược xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, hình thức của sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường Singapore.

Nguồn: VITIC tổng hợp