Cụ thể: (i) Cục Hải quan điều chỉnh mức thuế theo hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới; (ii) Bộ Tài chính Ban hành Thông báo về việc miễn, giảm thuế suất theo thỏa thuận với các nước thành viên; (iii) Bộ Thương mại ban hành hướng dẫn cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho phép các doanh nghiệp thương mại và xuất khẩu Thái Lan được hưởng lợi từ RCEP; (iv) Bộ Ngoại giao ra thông báo tuân thủ các điều khoản và điều kiện nhập khẩu phụ tùng xe cơ giới. Ban Thư ký ASEAN phê chuẩn trong vòng 6 tháng để hiệp định có hiệu lực trong năm 2021.

Thỏa thuận RCEP cũng tập trung vào hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn để mua và bán các sản phẩm khác nhau. Đồng thời, thỏa thuận sẽ giúp giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 cũng như giảm bớt các rào cản và thuận lợi hơn cho thương mại quốc tế. Các yếu tố trên sẽ giúp phục hồi nền kinh tế Thái Lan và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào Thái Lan.
Xuất khẩu của Thái Lan tháng 01/2021 tăng nhưng vẫn thấp hơn dự báo
Xuất khẩu của Thái Lan tăng 0,35% trong tháng 01/2021, đây là tháng thứ 2 tăng liên tiếp nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo trước đó là 1,85%. Trong khi các lô hàng ô tô và phụ tùng xe hơi, máy tính và sản phẩm cao su tăng thì xuất khẩu vàng lại giảm 90,3% do biến động của giá vàng thế giới. Xuất khẩu, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Thái Lan, dự kiến sẽ tăng 4% trong năm nay sau khi giảm 6,01% vào năm 2020.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết nếu không tính vàng, xuất khẩu cả năm sẽ tăng 6,27%. Nhu cầu từ các thị trường chính hầu hết đều cao trong tháng 1 như kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 12,4%, sang Trung Quốc tăng 9,9% và sang Nhật Bản tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu tháng 1 giảm 5,24% so với năm 2019, ít hơn mức dự báo giảm 8,3% và thâm hụt thương mại là 202 triệu USD.
Ngân hàng BAAC phê duyệt hỗ trợ cho 3 dự án giúp nông dân trồng lúa
Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) triển khai dự án hỗ trợ phí quản lý và nâng cao chất lượng cho người trồng lúa mùa vụ 2020/21 nhằm khuyến khích nông dân duy trì chất lượng gạo tốt để có cơ hội bán với giá cao hơn. Cụ thể, đợt 1 cấp với mức 500 Bạt/rai, tối đa là 20 rai hoặc không quá 10.000 Bạt/hộ. Với tổng ngân sách 28 tỷ Bạt, mục tiêu dự án nhắm đến 4,56 triệu hộ gia đình và chương trình bắt đầu từ ngày 25/2 đến 30/4/2021.
Ngoài ra, BAAC đồng ý hoãn việc bán thócmùa vụ 2020/21 bằng cách điều chỉnh hạn mức tín dụng từ nguồn quỹ 19,8 tỷ Bạt, bao gồm hạn mức tín dụng 3,5 tỷ Bạt và tiền ký quỹ dự trữ và bảo quản chất lượng gạo là 480 triệu Bạt; gia hạn thời điểm kết thúc hợp đồng vay từ 28/2/2021 sang ngày 31/3.
Thái Lan quy định giá mía nguyên liệu bảo vệ lợi ích cho người trồng mía
Thái Lan ấn định giá ban đầu đối với mía nguyên liệu mùa vụ 2020/21 ở mức 920 Bạt/tấn mía, bằng 98,17% giá ước tính mía trung bình trên toàn quốc là 937,19 Bạt/tấn. Việc xác định giá mía và năng suất để sản xuất và phân phối tổng sản lượng mía niên vụ 2020/21 nhằm giúp nông dân trồng mía có được giá mía tương xứng với giá thành sản xuất và duy trì lợi ích cho nông dân trồng mía. Đồng thời, cũng đảm bảo sự cân bằng cho ngành mía đường Thái Lan.
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan
 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương