Thụy Điển đứng thứ 11 thế giới về GDP bình quân đầu người ở mức 58,639 USD (năm 2021) và công dân nước này được hưởng một mức sống rất cao. Về cơ cấu, nền kinh tế Thụy Điển được đặc trưng bởi một khu vực chế tạo quy mô lớn, tập trung tri thức và định hướng xuất khẩu, một hệ thống phân phối hiện đại. Do giữ chính sách trung lập, Thụy Điển đã không bị hai cuộc chiến tranh thế giới tàn phá giống như nhiều nước châu Âu khác.
Thụy Điển là nền kinh tế thị trường định hướng xuất khẩu. Gỗ, thủy điện và quặng sắt là các tài nguyên đầu vào quan trọng của kinh tế Thụy Điển định hướng mạnh mẽ vào thương mại nước ngoài. Ngành kỹ thuật của Thụy Điển chiếm 50% sản lượng và xuất khẩu trong đó viễn thông, công nghiệp ô tô và dược phẩm là những lĩnh vực quan trọng nhất. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thụy Điển năm 2023 đạt 390 tỷ USD, giảm 2,5% so với năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thụy Điển đạt 195 tỷ USD, trong đó quý I năm 2024 đạt 97 tỷ USD, quý II đạt 98 tỷ USD. Phần lớn hoạt động thương mại quốc tế của Thụy Điển là với các nước trong Liên minh châu Âu. Các nước khác là đối tác thương mại quan trọng của Thụy Điển là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam-Thuỵ Điển không ngừng phát triển ổn định. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Thụy Điển đạt 1,288 triệu USD, giảm 329 triệu USD tương đương -20,34% so với năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt xấp xỉ 946 triệu USD, nhập khẩu đạt 342 triệu USD, xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao là 604 triệu USD nhưng giảm 307 triệu USD, tương đương -33,69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Thụy Điển đạt gần 966 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt xấp xỉ 685 triệu, nhập khẩu 281 triệu, xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao là 404 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển hiện nay là điện thoại các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giầy dép, sản phẩm từ sắt thép, phụ tùng. Mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Thụy Điển là thiết bị viễn thông, máy móc thiết bị các loại và dược phẩm. Với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết vào ngày 30/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cơ hội thương mại mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU, trong đó có Thuỵ Điển, là rất lớn.

Nguồn: Vinanet/VITIC