Trong đó, xuất khẩu đạt 97,02 tỷ USD, giảm 11,35% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 13,82 tỷ USD, giảm 4,47% so với năm 2022. Trong đó, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử và nông sản
Bước sang năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, bất chấp diễn biến phức tạp kinh tế toàn cầu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng khá nhờ vào nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ổn định của thị trường này.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam –Hoa Kỳ giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, chiếm tỷ trọng 4,0% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ các thị trường trên thế giới, cải thiện so với mức tỷ trọng chiếm 3,51% của cùng kỳ năm 2023. Đứng đầu trong danh sách này là các thị trường như: Mexico, Canada, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Hoa Kỳ trong năm 6 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 7)
Đơn vị tính: %
Nguồn: Tính toán từ số liệu của ITC
Riêng trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Hoa Kỳ đạt 11,28 tỷ USD, tăng 7,69% so với tháng trước và tăng 30,99% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đạt 66,4 tỷ USD, tăng 24,98% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 29,19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ra thế giới. Với kết quả này, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong tháng 7/2024
Đơn vị tính: Triệu USD, %
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong giai đoạn 2012 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Đứng đầu trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,19 tỷ USD, tăng 50,82% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 19,87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường Hoa Kỳ.
Đứng thứ hai trong danh sách này là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch xuất khẩu đạt 11,14 tỷ USD, tăng 19,87% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 16,79%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn thiết bị công nghệ, nguyên liệu sản xuất và các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Trong tháng 7 năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hoa Kỳ đạt 1,33 tỷ USD, tăng 9,06% so với tháng trước và tăng 13,26% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Hoa Kỳ 8,45 tỷ USD, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 3,97% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thế giới. Với mức kim ngạch nhập khẩu này, Hoa Kỳ hiện là nguồn cung ứng hàng hóa lớn thứ 5 của Việt Nam.
Trong đó, mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Hoa Kỳ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7/2024 đạt 377,04 triệu USD, giảm 11,1% so với tháng trước và giảm 8,34% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu mặt hàng này từ Hoa Kỳ tổng 2,27 tỷ USD, tăng 19,74% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 26,93% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ thị trường Hoa Kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong tháng 7 năm 2024.
Đơn vị tính: Triệu USD, %
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp thực hiện một loạt các biện pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu rõ ràng và thiết thực, tạo ra các cơ chế ưu đãi về thuế, cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu. Việc nâng cao năng lực và chất lượng hạ tầng logistic cũng là một yếu tố then chốt, giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, việc thiết lập và duy trì các chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của Hoa Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp cần được cung cấp các công cụ và kiến thức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường này, từ việc cải thiện quy trình sản xuất đến việc nâng cao chất lượng đóng gói và tiếp thị.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả bằng cách nghiên cứu và nắm bắt xu hướng thị trường, tìm hiểu nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Đồng thời, việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế và các sự kiện giao thương là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, thiết lập mối quan hệ với các đối tác và nhà phân phối tại Hoa Kỳ.
Một yếu tố không thể thiếu là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để tạo ra một môi trường xuất khẩu thuận lợi, qua đó tối ưu hóa khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Chính sách toàn diện và sự nỗ lực không ngừng của cả hai bên sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng và nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Về định hướng phát triển quan hệ thương mại của hai nước trong thời gian tới: Ngày 25/6/2024, cuộc họp Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất đã diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington D.C, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez. Cuộc họp Đối thoại Kinh tế đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tại cuộc họp Đối thoại, hai bên đã trao đổi thẳng thắn để đưa ra những giải pháp cụ thể trong 5 lĩnh vực, bao gồm: Thiết lập hợp tác xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn; hợp tác về năng lượng và khoáng sản chủ chốt; hợp tác về môi trường kinh doanh; thúc đẩy thu hút và duy trì đầu tư chất lượng cao, kiểm soát xuất khẩu chiến lược; hợp tác hạ tầng công nghệ thông tin chủ chốt và an ninh mạng. Cuộc họp Đối thoại kinh tế giữa 2 nước đã thành công tốt đẹp, đạt được các kết quả cụ thể, đặc biệt trong các nội dung liên quan đến hệ sinh thái bán dẫn. Hai phía cùng thống nhất các giải pháp cụ thể, làm căn cứ để thúc đẩy việc triển khai. Kết quả đối thoại cũng đã đáp ứng được mục tiêu thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.