Trong các cuộc gặp mặt cấp cao, Chính phủ Italia luôn đánh giá Việt Nam là quốc gia ưu tiên phát triển quan hệ tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời khẳng định nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện với Việt Nam; trong khi đó, Việt Nam luôn xem Italia là đối tác quan trọng hàng đầu tại châu Âu, mong muốn nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai bên lên một giai đoạn phát triển mới.
Xét về hợp tác thương mại, hiện nay Italia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối EU và Việt Nam là đối tác lớn nhất về thương mại của Italia trong khối ASEAN. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo ra bước ngoặt to lớn và quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam - Italia nói riêng trong thời gian qua. Về đầu tư, theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 3/2024, Italia có 150 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đạt 535,32 triệu USD, nằm trong tốp 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Italia là một quốc gia có thế mạnh về công nghiệp với nhiều lĩnh vực đa dạng, mức thu nhập bình quân đầu người tương đương với Anh và Pháp. Tại Italia, hệ thống các công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ rất phát triển, hoạt động hiệu quả và đóng góp đến gần 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Đáng chú ý, nền kinh tế tư bản của Italia vẫn tồn tại sự phân chia kinh tế theo khu vực, các công ty tư nhân nắm giữ sự phát triển của nền nông nghiệp ở phía Bắc trong khi ở phía Nam nền nông nghiệp kém phát triển hơn và phụ thuộc vào phúc lợi. Hiện nay, Italia phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu thô dùng cho các ngành sản xuất công nghiệp và hơn 75% nhu cầu về năng lượng.

Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Italia trong năm 2023

ĐVT: phần trăm

Nguồn: Trademap

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Italia đạt 6,1 tỷ USD, giảm nhẹ 1,89% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 1,00% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,04%. Hai nước đang phấn đấu sớm đưa kim ngạch hai chiều lên 7 tỷ USD. Hiệp định EVFTA có hiệu lực đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid 19 bùng phát nên có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với hai quốc gia; Hiệp định đã góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế hai nước, góp phần duy trì trao đổi thương mại song phương ở mức ổn định. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2022 vẫn tăng so với năm 2021, đạt 6,2 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2019 – 2023.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Italia trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD

     Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo Trading Economics, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Italia tăng 0,2% so với quý trước đó và phù hợp với dự báo của thị trường. Sự gia tăng này chủ yếu là do xuất khẩu tăng, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu trong nước tiếp tục giảm. Về mặt sản xuất, công nghiệp tăng (1,1%) trong khi nông nghiệp và dịch vụ có xu hướng thu hẹp lại. Italia cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ xung đột Nga – Ukraine sau khi Nga ra lệnh hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu vì nước này phụ thuộc tương đối nhiều vào khí đốt tự nhiên để sản xuất điện.
Lạm phát tiêu dùng của Italia đã tăng lên mức 1,2% vào tháng 3/2024, từ mức 0,8% trong tháng 2 nhưng vẫn thấp hơn dự báo của thị trường là 1,3%. Theo thống kê từ Viện Thống kê Quốc gia Italia (ISTAT), tỷ lệ lạm phát trung bình của Italia trong năm 2023 giảm xuống mức 5,7%, từ mức 8,1% trong năm 2022, đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ khi Italia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro) năm 1999. Trong quý IV/2023, Italia đã thực hiện các biện pháp chống lạm phát nhằm giảm giá tiêu dùng đối với nhóm hàng nhu yếu phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italia trong giai đoạn 2013 – 2023

(ĐVT: Triệu USD)

       Nguồn: Tổng cục Hải quan

Việt Nam và Italia có những điểm tương đồng về cơ cấu kinh tế khi có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền kinh tế hai nước cũng có sự bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng cũng như sản phẩm. Hiện nay, những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Italia là cà phê, hạt tiêu, hạt điều bóc vỏ, điện thoại và linh kiện, giày dép … Đặc biệt, Việt Nam và Italia hợp tác rất chặt chẽ trong lĩnh vực dệt may, da giày, năng lượng, hai bên đã thành lập Trung tâm công nghệ dệt Việt - Italia, Trung tâm công nghệ giày Việt - Italia, Trung tâm đào tạo công nghệ khai thác đá Việt – Italia, bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với Italia trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa, dệt may, sản xuất thời trang, phụ kiện may mặc, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển các ngành công nghiệp của hai bên.
Trong khuôn khổ triển khai Đối tác chiến lược, năm 2014, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế Italia đã ký Thỏa thuận thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế; đến nay, hai nước đã tổ chức thành công 7 khóa họp, đề xuất nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông, xây dựng, văn hóa du lịch, tài chính ngân hàng... góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương ở mức ổn định.
Trong tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Italia đạt 451,1 triệu USD, tăng đáng kể 29,32% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 3 tháng đầu năm 2023 là 27,58%, đạt 1,33 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Sắt thép các loại (chiếm tỷ trọng 22,45%); Cà phê (chiếm tỷ trọng 14,73%) và Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 12,11%).

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Italia trong tháng 3/2024

(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 3/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Italia đạt 138,5 triệu USD, tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ là 1,74% so với ba tháng đầu năm 2023, đạt 396,03 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 26,66%); Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 15,56%) và Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (chiếm tỷ trọng 10,11%).

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Italia trong tháng 3/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Italia luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhiều hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức góp phần tăng cường hợp tác song phương Việt Nam - Italia trên lĩnh vực kinh tế, thương mại. Theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, ngoài việc đẩy mạnh thông tin cho các doanh nghiệp, Thương vụ tiến hành xuất bản Newsletter điện tử hàng tháng và phối hợp với Phòng Thương mại Torino dịch sang tiếng Italia. Bản tin Newsletter đề cập đến hoạt động thương mại, đầu tư, cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về quy định trong EVFTA, ngành hàng cụ thể và cơ hội hợp tác giao thương giữa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Italia cũng triển khai nghiên cứu theo từng mảng thị trường lĩnh vực ngành hàng, xuất bản sách nghiên cứu về thị trường Italia, Cyprus, Malta, Sanmarino và Vatican để giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên Thương vụ, các doanh nghiệp đã có cơ hội tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn, hội chợ, đẩy mạnh tiếp xúc doanh nghiệp, thăm nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các công ty, từ đó tăng cường cơ hội tiếp xúc, giao thương giữa hai nước.
Trong năm 2024, chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại dành cho doanh nghiệp Italia đã được triển khai, theo đó trong tháng 3/2024, Thương vụ Italia (ITA) ở Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại dành cho cộng đồng doanh nghiệp Italia tại TP. Hồ Chí Minh và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thực phẩm cao cấp. Điển hình, khu vực gian hàng Italia tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 12 về thực phẩm, đồ uống, thiết bị làm bánh, nhà hàng, khách sạn và cung ứng dịch vụ-Food & Hotel Vietnam 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), là nơi kết nối cộng đồng doanh nghiệp Italia với doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Triển lãm Food & Hotel Vietnam 2024 là một trong những hoạt động quảng bá đầu tiên trong năm 2024, nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa Italia và Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Italia đang có nhu cầu giới thiệu sản phẩm chất lượng cao của Italia với giá cả hợp lý cho cả nhà phân phối, hệ thống bán lẻ và người dân Việt Nam. Trong năm 2024, ITA tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại khác như VinItalia - Triển lãm rượu vang được tổ chức tại Verona, Italia; sự kiện văn hóa rượu vang mang tên “Borsa Vini Vietnam” tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 25 nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung cấp rượu mới từ Italia giới thiệu sản phẩm.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, máy móc, Bộ Công Thương Việt Nam mong muốn Italia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh đối với những ngành thế mạnh, như như công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, trong khuôn khổ triển khai hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương cũng đề nghị Italia tăng cường trao đổi thông tin, cập nhật quy định của EU nói chung và Italia nói riêng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp Italia đang ngày càng quan tâm và mong muốn hợp tác đầu tư, thương mại với Việt Nam. Hai bên cũng có nhiều triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo … Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, cải thiện chất lượng sản phẩm, thường xuyên liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tiếp cận cơ hội xúc tiến thương mại với doanh nghiệp Italia.

Nguồn: Vinanet/VITIC