Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU đang tăng trưởng tốt. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt trên 2,34 tỷ USD, tăng 3,2% so với 7 tháng đầu năm 2023, chiếm 11,55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới.
1. Đánh giá tổng quan tình hình xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU 7 tháng đầu năm
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, sau 4 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (từ tháng 8/2020), EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%. Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10%. EU nằm trong Top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023.
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU cũng đang tăng trưởng tốt. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt trên 20,27 tỷ USD, tăng 6,3% so với 7 tháng đầu năm 2023; Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang EU chiếm 11,55% trong tổng kim ngạch, đạt trên 2,34 tỷ USD, tăng 3,2%.
2. Cơ cấu các thị trường thành viên trong EU nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024
Trong 7 tháng đầu năm 2024, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang 26 thị trường trong khối EU; trong đó, Hà Lan và Đức là 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, riêng 2 thị trường nay đã chiếm gần một nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang khối EU.
Trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan nhiều nhất đạt trên 686,18 triệu USD, tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 29,29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; riêng tháng 7/2024 xuất khẩu sang thị trường Hà Lan đạt trên 120,84 triệu USD, giảm 3,32% so với tháng 6/2024 nhưng tăng 32,92% so với tháng 7/2023. Xuất khẩu sang thị trường Đức 7 tháng đạt gần 438,88 triệu USD, giảm 15,86% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 18,74%; riêng tháng 7/2024 đạt trên 75,23 triệu USD, giảm 14% so với tháng 6/2024 và giảm 1,82% so với tháng 7/2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024; thì có 6 thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt kim ngạch trên 100 triệu USD; ngoài 2 thị trường chủ đạo là Hà Lan và Đức nói trên, còn có các thị trường như: Tây Ban Nha đạt trên 312,28 triệu USD, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,33% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; Pháp đạt gần 257,17 triệu USD, tăng 4,84%, chiếm 10,98%; Bỉ đạt trên 256,96 triệu USD, tăng 1,21%, chiếm 10,97%; Italia đạt gần 199,92 triệu USD, tăng 6,23%, chiếm 8,53%.
Một số thị trường xuất khẩu hàng dệt may đáng chú ý trong 7 tháng đầu năm 2024, tuy kim ngạch nhỏ nhưng so với cùng kỳ năm 2023 thì tăng trưởng mạnh như: Séc tăng mạnh 50,96%, đạt gần 17,94 triệu USD; Slovakia tăng 71,43%, đạt trên 2,98 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Rumani tăng 40,27%, đạt gần 3,87 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh ở các thị trường như: Bungari giảm 75,54%, chỉ đạt 242.316 USD; Lithiumnia giảm 99,55%, đạt 6.700 USD; Malta giảm 57,52%, đạt gần 454.480 USD.
3.Tình hình nhập khẩu hàng dệt may mã HS 61 vào các thị trường thành viên của EU
Theo số liệu thống kê của Trademap, kim ngạch nhập khẩu các loại quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc (mã HS 61) trong 5 tháng đầu năm 2024 vào thị trường EU đạt gần 38,06 tỷ USD, giảm 1,84% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị phần hàng dệt may của Việt Nam chỉ chiếm 3,86% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của EU nên vẫn còn nhiều dư địa cho hàng dệt may Việt Nam tại thị trường này, nhất là khi Việt Nam có lợi thế về EVFTA nếu đáp ứng đủ được các cam kết trong Hiệp định.
Trong số 27 thị trường thuộc khối EU tham gia nhập khẩu nhóm hàng dệt may mã HS61 trong 5 tháng đầu năm 2024, thì Đức là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, với gần 8,49 tỷ USD, giảm 2,43% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 22,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mã hàng này của toàn khối EU. Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Hiện nay kinh tế Đức đang lún sâu vào khủng hoảng, đang trong trạng thái lạm phát cao kèm tăng trưởng chậm, nhưng Đức vẫn là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu chủng loại hàng dệt may mã HS 61 lớn nhất trong các thị trường khối EU.
Tiếp đến thị trường Pháp đạt gần 4,56 tỷ USD, giảm 8,43%, chiếm 11,98%; thị trường Tây Ban Nha đạt gần 3,93 tỷ USD, tăng 0,15%, chiếm 10,32%; Hà Lan đạt trên 3,86 tỷ USD, tăng 3,51%, chiếm 10,15% trong tổng kim ngạch.
4. Dự báo xu hướng
Dự báo, xuất khẩu mặt hàng dệt may của cả nước sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới nhờ một số căn cứ sau:
+ Theo thời vụ, các tháng trong quý III là thời điểm xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất trong năm.
+ Đơn hàng dồi dào. Hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.
+ Xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn trong đó có EU đang hồi phục tốt.
Tình trạng lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang được kiểm soát tốt, giúp sức mua tăng. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Hiệp hội ngành hàng để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng.
So với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước bắt kịp khả năng sản xuất thì ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức. Để tránh khả năng này, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM (sản xuất dưới thương hiệu gốc) hoặc ODM (sản xuất theo thiết kế gốc) để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác.
+ Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân hiện nay của các ngân hàng đang ở mức hấp dẫn. Theo Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân là 8,3%, giảm 0,96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức, nhưng với những thuận lợi nêu trên, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.

Nguồn: Vinanet/VITIC