Xuất khẩu rau quả cần gỡ ‘nút thắt’ chế biếnNăm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ lội ngược dòng?
Tăng trưởng 10%
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu suy giảm xuất khẩu thì ngành hàng rau quả là một trong những điểm sáng. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group – cho biết, những tháng đầu năm xuất khẩu trái cây có nhiều tín hiệu tốt, khi đơn hàng liên tục tăng lên. Tại thị trường Hoa Kỳ, đơn hàng của doanh nghiệp tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU vẫn duy trì.
Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc, cuối năm 2022, doanh nghiệp đã ký với doanh nghiệp đối tác tại thị trường này xuất khẩu 1.500 container sầu riêng. Đơn hàng sẽ được cung cấp trải đều trong cả năm. “Mặc dù nhiều dự báo trước đó về vấn đề lạm phát, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu sụt giảm, tuy nhiên, tín hiệu thị trường xuất khẩu đầu năm lại rất tốt”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan, quý I/2023 xuất khẩu rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam, chiếm đến 57,5% và tiếp đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), việc Trung Quốc ngưng chính sách Zero COVID-19 và mở cửa thêm một số mặt hàng nông sản Việt Nam, thị trường xuất khẩu rau quả sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này đồng thời tạo thuận lợi cho ngành rau quả khi năm qua Việt Nam đã ký Nghị định thư về sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến để xuất chính ngạch sang thị trường này.
Xuất khẩu rau quả lấy lại đà tăng trưởng
Xuất khẩu rau quả đang có nhiều tín hiệu tích cực
Cũng chính vì sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời giá nguyên liệu cũng tăng lên, một số mặt hàng tăng giá mạnh như sầu riêng, thanh long,... điều này khiến cho thị trường các loại trái cây này tại Việt Nam sôi động hơn hẳn.
 
Cũng từ hoạt động nhập khẩu trái cây mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, nhiều cửa khẩu của Việt Nam cũng mở rộng giờ hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc vẫn còn tốt, nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý II có thể tăng 10%, thậm chí cao hơn. Như vậy, cả 2 quý đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt tương đương 2 tỷ USD - ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
 
Tiếp tục lạc quan trong quý II
Dự báo về tình hình xuất khẩu rau quả quý II/2023, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, quý II xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi. Theo ông Nguyên khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thị trường này vẫn liên tục đặt hàng mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường này. Bước sang tháng 4/2023 trở đi, sầu riêng vào thời điểm chính vụ, hàng hoá dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng.
Thêm vào đó, ngoài mặt hàng chủ lực sầu riêng thì cộng với mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD trong năm nay, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này cho thấy ngành rau quả đang có triển vọng lớn tại thị trường này.
Đánh giá về xu hướng xuất khẩu rau quả trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng, người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm rau quả chế biến. Điều này thể hiện rõ khi trong tất cả các sản phẩm rau quả xuất khẩu, thì rau quả chế biến chiếm tỷ trọng đáng kể. Theo đó, trong năm 2022, rau củ quả chế biến chiếm 1/3 lượng kim ngạch, quý I/2023, tỷ lệ này cũng giữ được vị thế.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C, việc đầu tư, phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát chi phí, hạ giá thành sản phẩm, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với hàng tươi.
Đặc biệt, chế biến nông sản còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung. Tuy nhiên, ông Thứ cho biết, ngành hàng này cần nguồn vốn lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây phản ánh, hiện nay, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, những đơn vị còn lại quy mô vừa và nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Trí – Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại nông sản Trí Việt đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần có nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả. Khi đầu tư nhà máy, các cơ quan chức năng cần quản lý quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu. Có như vậy, trái cây, rau củ quả chế biến mới có thêm cơ hội khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu.

Nguồn: Hà Linh//congthuong.vn/