Trong 10 tháng năm 2023, nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, đạt 172,1 triệu USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 30,8% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 55,1 triệu USD, giảm 11,8%, chiếm 9,8% tỷ trọng xuất khẩu.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 24,8%; hạt điều tăng 16,7%; cà phê tăng 52,4%.
Hiện Việt Nam và New Zealand có rất nhiều lợi thế khi cả hai quốc gia đều là thành viên của ba hiệp định thương mại tự do lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai bên cũng là thành viên của 4 khuôn khổ hợp tác khu vực bao gồm: APEC, ASEAN, EAS, ASEM và gần đây nhất là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Những kết nối kinh tế sâu rộng ở cả cấp song phương và khu vực này sẽ đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng và giảm bớt các rào cản đối với thương mại quốc tế.
Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và New Zealand có tính bổ sung cho nhau, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp và cán cân thương mại luôn được duy trì ở mức cân bằng. Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là những ngành hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: may mặc, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đợi, sữa, gỗ, nguyên phụ liệu dệt may và da giày...
Bên cạnh đó, việc hiệp định RCEP được ký kết và đi vào thực thi cho phép cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ nội khối đã mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, thiết lập chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và khu vực thị trường có quy mô dân số lớn nhất thế giới với khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu).
Với năng lực, thế mạnh, kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới và khu vực, các doanh nghiệp New Zealand có thể nghiên cứu, hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang có ưu thế và nhu cầu phát triển như: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
Những thuận lợi và cơ hội nêu trên sẽ là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu tư, tăng cường thương mại, qua đó đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Số liệu xuất khẩu sang New Zealand 10 tháng/2023
(Tính toán số liệu công bố ngày 10/11 của TCHQ)