Vượt “bão Covid-19”, xuất nhập khẩu có nhiều điểm sángBộ Công Thương cùng Quảng Ninh khắc phục tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu
Xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục
Tổng cục Thống kê đánh giá, trong tháng 12/2021, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức cán mốc 668,5 tỷ USD
Điện thoại và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.
Chia sẻ về kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, để đạt được con số kỉ lục, gần 670 tỉ USD như năm nay, trước hết là nhờ sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp các ngành, trong đó có ngành Công Thương đã luôn bám sát và dự báo đúng tình hình, kịp thời thực hiện quyết liệt hiệu quả và linh hoạt, sáng tạo các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khắc phục những khó khăn thách thức, tận dụng tốt các cơ hội do hiệp định FTA mang lại để khai thác các thị trường ngoài nước và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ thêm, đã có nhiều mặt hàng giữ được kim ngạch tốt trong thời gian qua, từ những mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến như điện tử, điện thoại, máy móc, thiết bị, phụ tùng, hàng dệt may, da giày, đồ gỗ… cho đến các mặt hàng nhóm nông sản như hạt tiêu, cao su, sắn, cà phê… đều có mức tăng trưởng khá đồng đều. Ngoài ra, một số mặt hàng như xơ sợi, nguyên phụ liệu dệt may, phương tiện vận tải ô tô, xi măng… dù không có tổng kim ngạch cao so với các mặt hàng chủ lực nhưng sự tăng trưởng cũng ở mức khá. Đây là sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp ngành hàng này, đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch, tận dụng tốt những ưu đãi từ FTA. Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang có sự phục hồi. Đây chính là cơ hội cho những nước hướng xuất khẩu như Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn tới.
Xuất siêu 4 tỷ USD
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Trong cơ cấu hàng nhập khẩu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Tiếp đó là Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đáng chú ý, kể từ khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2010 đến nay, xuất khẩu hàng hóa sang EU đã có sự cải thiện. Năm 2021, xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước.
Kinh tế châu Âu (EU) đang trên đà phục hồi rõ nét, nhu cầu tiêu dùng gia tăng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các ưu thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để nâng cao thị phần, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đối với Việt Nam, EU luôn nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu và đối tác thương mại lớn nhất, trong đó các mặt hàng EU có nhu cầu nhập khẩu lớn đều là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…
Về cán cân thương mại, tháng 12 ước tính xuất siêu 2,54 tỷ USD. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD. Đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh và nước ta đã có nhiều tháng xuất siêu.

Nguồn: Bảo Ngọc/congthuong.vn