Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su trong tháng 8/2016 ước đạt 150.253 tấn với giá trị khoảng 191,3 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.273 USD/tấn. So với tháng 7/2016, xuất khẩu cao su tăng 17,7% về lượng, tăng 17,1% về giá trị và giá giảm 0,7%.
Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 718.246 tấn, với giá trị 901,6 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.255 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm tăng 12,3% về lượng, nhưng giảm 2,9% về giá trị, do giá xuất khẩu giảm 13,6%.
Chủng loại cao su thiên nhiên được xuất khẩu trong tháng 8/2016 nhiều nhất là cao su hỗn hợp (nhóm mã HS 400280 – Mixtures of natural and synthetic rubber) đạt 61.575 tấn, chiếm 41% về lượng (trong đó, 100% xuất sang Trung Quốc), trị giá 77,8 triệu USD. Kế đến là cao su khối SVR 3L đạt 32.364 tấn (chiếm 21,5%), tăng 61% so với tháng 7. Loại SVR 10 đạt 24.907 tấn (chiếm 16,6%), tăng 87,3%.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 406.885 tấn, chiếm 56,6% tổng lượng xuất khẩu (tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước), giá trị đạt 503,4 triệu USD (tăng 12,8%). Tiếp đến là thị trường Ấn Độ đạt 58.925 tấn, chiếm 8,2% (tăng 28%) và Malaysia đạt 56.256 tấn, chiếm 7,8%, giảm 47%.
Mặc dù có những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc – nhà tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, song từ đầu năm đến nay tiêu thụ cao su của nước này vẫn tăng trưởng đều đặn. Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc thường tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, với nhu cầu cao su luôn ở mức cao, dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường sẽ tiếp tục khả quan trong các tháng tới.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ cũng có triển vọng tăng, do nhu cầu cao của thị trường này. Mặt khác, các nhà nhập khẩu cao su Ấn Độ cũng đang chuyển hướng sang nguồn cao su nhập khẩu khi giá cao su trong nước cao hơn quốc tế và nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su sang thị trường Malaysia nhiều khả năng vẫn ảm đạm, do nhu cầu thấp và tồn kho cao.
Ở chiều ngược lại, khối lượng cao su nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 265.172 tấn, giá trị 405,7 triệu USD, tăng 6,4% về khối lượng nhưng lại giảm 6,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 8 tháng đầu năm 2016 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Đài Loan, chiếm 57% thị phần. Trong 8 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu cao su từ hầu hết các thị trường đều tăng về khối lượng, ngoại trừ 2 thị trường là Campuchia và Nga, trong đó thị trường Campuchia giảm 5,6% và thị trường Nga giảm 8,5%. Còn về giá trị, có 4 thị trường có giá trị nhập khẩu cao su tăng trong 8 tháng đầu năm 2016 là Trung Quốc, Malaixia, Indonesia và Thái Lan với giá trị tăng lần lượt là 24,7%, 7,8%, 6,1% và 2,9%. Các thị trường còn lại có giá trị nhập khẩu giảm, trong đó Nga giảm mạnh nhất 24,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại thị trường trong nước: Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến tăng tích cực trong tháng 9/2016, với mức tăng từ 1.400 – 1.500 đ/kg. Cụ thể: cao su SVR3L tăng từ 28.200 đ/kg (1/9/2016) lên 29.700 đ/kg (21/9/2016); cao su SVR10 tăng từ 26.500 đ/kg lên 27.900 đ/kg. Trái lại, giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước tháng 9 giảm 500 đ/kg, từ 7.520 đ/kg xuống chỉ còn 7.040 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Tính trong 9 tháng năm nay, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh vẫn tăng, song mức giá hiện nay thấp hơn so với 3 tháng trước. Cao su SVR3L tăng từ 23.900 đ/kg lên 29.700 đ/kg (mức cao hồi tháng 6 là 31.600 đ/kg); cao su SVR10 tăng từ 23.500 đ/kg lên 27.900 đ/kg.

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về XK cao su 8 tháng đầu năm 2016

Thị trường

8T/2016

+/- (%) 8T/2016 so với cùng kỳ

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Tổng cộng

       718.246

   901.589.652

+12,30

-2,87

Trung Quốc

       406.885

   503.413.341

+31,75

+12,72

Ấn Độ

         58.925

     78.732.969

+28,05

+11,28

Malaysia

         56.256

     67.410.384

-47,23

-54,91

Hàn Quốc

         24.269

     32.608.250

+27,38

+15,21

Đức

         21.935

     28.024.205

+28,13

+5,24

Hoa Kỳ

         20.081

     24.121.385

-8,90

-18,18

Đài Loan

         16.042

     21.914.977

+7,28

-7,43

Thổ Nhĩ Kỳ

         13.306

     16.235.670

+8,20

-6,95

Nhật Bản

           7.071

     10.489.934

+7,40

-6,29

Italia

           8.585

     10.122.195

+17,35

-6,20

Indonesia

           6.966

       8.967.740

+11,46

+3,25

Tây BanNha

           7.228

       8.934.716

+4,97

-11,28

Braxin

           8.001

       8.821.788

+20,88

-1,31

Hà Lan

           6.305

       8.498.379

15,51

-22,58

Nga

           6.016

       7.926.451

+144,85

+113,37

Pakistan

           3.548

       4.432.117

-14,92

-18,84

Bỉ

           3.996

       4.166.116

-15,64

-26,53

Canada

           2.224

       3.179.335

+15,89

+3,86

Pháp

           2.135

       2.998.485

+6,06

-9,76

Áchentina

           1.449

       1.810.984

-17,90

-31,53

CH Séc

           1.268

       1.535.329

-20,25

-35,42

Anh

           1.230

       1.499.729

-4,06

-20,82

Mexico

           1.037

       1.437.323

+5,60

-10,07

Thụy Điển

           1.089

       1.410.091

+28,57

+10,76

Hồng Kông

           1.014

       1.280.749

+1,40

-15,33

Phần Lan

              484

          605.606

-42,86

-55,18

Singapore

                45

            56.914

+28,57

+15,67

Nguồn: Vinanet