Tính chung xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 15,8% về lượng so với cùng kỳ, đạt 161.322 tấn, nhưng giá trị thu về lại giảm nhẹ 1,1%, đạt 948,83 triệu USD.
Giá hạt điều xuất khẩu tháng 4/2021 tăng 1,7% so với tháng 3/2021 nhưng giảm 9,7% so với cùng tháng năm 2020, đạt trung bình 5.914 USD/tấn. Tính trung bình giá xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2021 cũng giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.881,6 USD/tấn.
Mỹ luôn thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại hạt điều của Việt Nam, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay đạt 45.704 tấn, tương đương 251,37 triệu USD, chiếm 28% trong tổng lượng và chiếm 26,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, giảm 12,2% về lượng và kim ngạch giảm 30,3% so với cùng kỳ, giá cũng giảm 20,6%, đạt 5.500 USD/tấn.
EU là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, xuất khẩu hạt điều sang EU đạt 33.885 tấn, tương đương 173,17 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, tăng 9,5% về lượng nhưng giảm 20% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá giảm 27%, đạt 5.110 USD/tấn.
Xuất khẩu hạt điều sang sang Trung Quốc - thị trường lớn thứ 3, đạt 21.961 tấn, tương đương 158,85 triệu USD, giá 7.233 USD/tấn, tăng 5% về giá, tăng 104,9% kim ngạch, tăng 115% về lượng, chiếm 13,6% trong tổng lượng và chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.
Nhìn chung, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường chủ yếu trong 4 tháng đầu năm nay sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng mạnh.
Xuat khau hat dieu 4 thang dau nam 2021
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu hạt điều thời gian tới tương đối khả quan do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng. Cụ thể, tại Mỹ- thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, nhập khẩu hạt điều năm 2020 tăng 8%, cao nhất trong vòng 10 năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Tại châu Âu, nhu cầu tiêu thụ hạt điều năm 2020 tăng 17%, từ 140.000 tấn năm 2019 lên 160.000 tấn năm 2020 và dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh trong năm 2021.
Trên thị trường quốc tế, những ngày đầu tháng 5/2021, giá hạt điều trên tiếp tục tăng. Đặc biệt, giá hạt điều chủng loại WW320 tăng mạnh, đôi khi đạt mức tương đương với loại WW240 do nhu cầu cao trong khi nguồn cung thấp. Giá hạt điều thô tăng khiến giá hạt điều nhân cũng tăng. Ngoài ra, khó khăn trong hoạt động logistic như thiếu container, giá vận chuyển tăng cũng có tác động đến giá hạt điều.
Về xuất khẩu tại các thị trường lớn, Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, tại Bờ Biển Ngà, xuất khẩu hạt điều nhân tháng 4/2021 đạt 2.300 tấn, ổn định so với cùng kỳ năm 2020, đưa Bờ Biển Ngà vượt Brazil trở thành nước xuất khẩu hạt điều nhân điều lớn thứ ba trên thế giới. Nguồn dự trữ hạt điều thô từ các nhà sản xuất tại Bờ Biển Ngà đầu tháng 5/2021 giảm. Sản lượng và chất lượng hạt điều vụ thu hoạch thứ hai tại Bờ Biển Ngà ở mức thấp. Sản lượng hạt điều của Bờ Biển Ngà có khả năng giảm xuống dưới 800 nghìn tấn.
Tại Ấn Độ, hầu hết các bang tại nước này áp dụng các biện pháp hạn chế kể từ giữa tháng 4/2021 để ngăn chặn sự lây lan của virus corona của Covid-19. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, mặc dù các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và các ngành công nghiệp liên quan được miễn cách ly.
Ở Andhra và Odisha (Ấn Độ), vụ thu hoạch hạt điều thô đang vào chính vụ, sản lượng ổn định, chất lượng tốt. Giá hạt điều thô (tươi) vụ mới tại địa phương khoảng 80 - 91 INR/kg.
Tại Campuchia, trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước này gặp khó khăn do tình trạng thiếu container và cước tàu biển tăng cao thì xuất khẩu hạt điều lại không bị ảnh hưởng.
Hạt điều của Campuchia chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam bằng đường bộ nên không bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container rỗng. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Ấn Độ và Nhật Bản nên xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang 2 thị trường trên gặp nhiều khó khăn.

Xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2021

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 13/5/2021 của TCHQ)

ĐVT: USD

Nguồn: VITIC