Trung Quốc vẫn là thị trường chính của rau quả Việt Nam xuất khẩu, chiếm 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Trong năm 2023, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt gần 3,64 tỷ USD, tăng mạnh 138,7% so với cùng kỳ năm 2022; riêng tháng 12/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 236,23 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 11/2023 và tăng mạnh 48,5% so với tháng 12/2022.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Đông Nam Á đạt trên 297,71 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 5,3%; Mỹ đạt 257,77 triệu USD, tăng 4%, chiếm 4,6%; Hàn Quốc đạt 225,81 triệu USD, tăng 24,9%, chiếm 4%; Nhật Bản đạt 176,17 triệu USD, tăng 6,7%, chiếm 3,1%...
Nhìn chung, xuất khẩu rau quả sang đa số các thị trường trong năm 2023 tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Trong nửa đầu tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 229,37 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, chỉ trong nửa đầu tháng 1/2024 nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã xấp xỉ con số của cả tháng 1/2023 (tháng 1/2023 đạt 240,47 triệu USD).
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, xuất khẩu rau quả tăng trình độ sản xuất, trồng trọt, chế biến của người dân, doanh nghiệp được nâng cao; người dân, doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chế biến, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap… Nguyên nhân quan trọng khác là Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Cùng với đó là các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại…
Về cơ cấu sản phẩm, tăng trưởng ấn tượng nhất là mặt hàng sầu riêng với kim ngạch năm 2023 đạt hơn 2 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với bình quân các năm trước. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các mặt hàng quan trọng khác như: thanh long, mít, chuối, chanh leo, xoài…
Về triển vọng xuất khẩu rau quả trong năm 2024, dù dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng ngành hàng rau quả lại có nhiều dư địa để hướng tới kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD. Mặt hàng chủ lực sầu riêng được dự báo sẽ có sản lượng cao hơn năm nay. Năm 2024 sẽ có thêm nhiều diện tích trồng sầu riêng đến kỳ thu hoạch, đồng thời nhu cầu tiêu thụ ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc vẫn rất lớn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Cùng với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Australia, Hàn Quốc, các nước thuộc Trung Đông… Một yếu tố quan trọng khác là cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics… cũng đang được phát triển mạnh ở Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có xuất khẩu hàng nông sản. Điều quan trọng nữa là nhu cầu của người tiêu dùng thế giới đang chuyển sang sử dụng các món ăn có nguồn gốc thực vật, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho ngành rau quả trong năm 2024 và những năm tới.

Xuất khẩu rau quả năm 2023

(Tính toán từ số liệu công bố ngày 14/1/2024 của TCHQ)

ĐVT: USD

Xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt kỷ lục trên 5,6 tỷ USD


 

Nguồn: Vinanet/VITIC