Thủy sản của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, 5 tháng đầu năm 2021xuất khẩu sang thị trường này đạt 666,81 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 20,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Thị trường Nhật Bản đứng thứ 2 vè kim ngạch đạt 552,12 triệu USD, chiếm 16,9%, tăng 0,8%; Tiếp sau đo là thị trường EU đạt 368,99 triệu USD, chiếm 11,3%, tăng 16,5%; Trung Quốc đạt 348,32 triệu USD, chiếm 10,6%, giảm 6,7%; Hàn Quốc đạt 294,61 triệu USD, chiếm 9%, tăng 4,2%.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt 238,55 triệu USD, tăng 6,1%
Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước thì thấy hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch; trong đó có một sô thị trường tuy kim ngạch nhỏ nhưng so với cùng kỳ lại tăng mạnh như: Australia tăng 57,3%, đạt 106,17 triệu USD; Nga tăng 60,4%, đạt 72,29 triệu USD; Italia tăng 81,4%, đạt 51,99 triệu USD.
Thep Vasep, xuất khẩu tôm sau khi tăng trưởng 23% trong tháng 4/2021, thì sang tháng 5/2021 tiếp tục tăng trưởng cao 25%, đạt 375 triệu USD. Tính chung 5 tháng dầu năm 2021 đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. xuất khẩu cá tra trong tháng 5 cũng hồi phục cao hơn dự kiến với mức tăng 26% đạt 134 triệu USD, tính chung cả 5 tháng đạt 623 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm xuất khẩu các mặt hàng hải sản tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,3 tỷ USD; Trong đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 292 triệu USD, tăng 21%. Đặc biệt, trong tháng 4 và tháng 5 xuất khẩu cá ngừ đạt mức tăng ấn tượng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu những tháng tới.
Xuất khẩu hải sản tăng 12%, đạt 698 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 11% đạt 212 triệu USD. Đáng chú ý, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng mạnh 81% trong tháng 5, góp phần đưa kết quả xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên gần 49 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP nhận định nguồn cung nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu hiện nay khá ổn định, nhất là với các mặt hàng tôm, cá tra. Nguồn nguyên liệu hải sản nhập khẩu khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, yếu tố chính quyết định sự phục hồi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại chính là thị trường. Theo đó, Mỹ, EU và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là những thị trường có vai trò chi phối tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang có động lực hồi phục “thần tốc” không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí sau khi nhờ triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của chính phủ.
Sau một thời gian bị “kìm nén” do hạn chế, giãn cách chống dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ “bùng nổ” không chỉ với những mặt hàng như tôm, cá ngừ, cá hồi vốn là sở thích và thói quen tiêu dùng của họ, mà còn tăng mạnh với cả các loài thủy sản khác như: cá tra, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Tôm luôn nằm trong top đầu tiêu thụ thủy hải sản tại Mỹ, ước tính kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2021 đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, sự hồi phục của thị trường Mỹ được đánh giá là đòn bẩy cho xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng tiếp theo, nhất là khi nước Mỹ mở cửa hoàn toàn 50 bang từ ngày 20/5/2021.
Theo các doanh nghiệp, tôm Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Tuy nhiên, tôm Việt cũng chịu sự cạnh tranh khá gay gắt từ Ecuador và Indonesia, do đó doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường và có chiến lược xuất khẩu hợp lý.
Sau tôm, cá ngừ cũng được dự báo sẽ có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhất là cá ngừ đóng hộp vì đây là món yêu thích của người Mỹ. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 130 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ cũng đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang trên đà phục hồi và bứt phá với mức tăng lên tới 136% trong tháng 4 và khoảng 200% trong tháng 5, đưa kết quả xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 lên 135 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với Mỹ, thị trường EU đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mặc dù sự hồi phục kinh tế của khối thị trường này chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục rõ rệt khi dịch COVID-19 dần được khống chế.
Các nhà nhập khẩu EU có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và nguồn nguyên liệu ổn định. Tôm vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 50% với gần 199 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xuất khẩu tôm và các mặt hàng hải sản sang EU đều có chiều hướng tích cực, thì xuất khẩu cá tra sang EU chưa có dấu hiệu hồi phục, tiếp tục sụt giảm trên 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/6/2021)

ĐVT: USD

Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng tốt

Nguồn: VITIC