Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thành phố Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện, bởi Đà Nẵng là khu vực trọng yếu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Vùng kinh tế động lực miền Trung, đồng thời Đà Nẵng cũng là điểm cuối của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ quan trọng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Đông bắc Thái Lan, Myanmar. Cùng với đó, Đà Nẵng có hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi với tất cả các phương thức vận tải, đồng thời nằm trên con đường “di sản miền Trung”, sở hữu nhiều lớp trầm tích lịch sử, văn hóa và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thời gian qua, Đà Nẵng đã khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước đưa Đà Năng trở thành một cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế trong Vùng và cả nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, Đà Nẵng cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục với các nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã đưa ranhiều giải pháp để Đà Nẵng khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần mở đợt sinh hoạt chính trị thật sâu rộng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, nhằm vào 3 nội dung: Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, chủ trương, cơ chế chính sách đặc thù để phát triển của Đà Nẵng; Tổng kết, phổ biến cách làm hay, sáng tạo hiệu quả trong thời gian qua để nhân rộng, rút ra các bài học kinh nghiệm; Triển khai các kế hoạch, hành động của cấp ủy, chính quyền thành phố, đặc biệt cần phân định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, nhân lên niềm tự hào, tự tin, xác định rõ trách nhiệm mỗi tổ chức cá nhân để quyết liệt, vươn lên, thực hiện được các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và thành phố đặt ra.
Thứ hai, trên cơ sở các kết luận, chỉ thị, nghị Quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, các Quy hoạch ngành quốc gia, Đà Nẵng khẩn trương rà soát để cập nhật và điều chỉnh quy hoạch Thành phố, bảo đảmđồng bộ, phù hợp, liện thông giữa các cấp quy hoạchđể có đủ cơ sở pháp lý triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, dự án vùng, ngành trên địa bàn; đồng thời,triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) và cơ chế đặc thù của Trung ương cho Thành phố để tạo lập quỹ đất và mặt bằng sạch nhằm sẵn sàng thu hút và triển khai các dự án đầu tư lớn trên địa bàn.
Thứ ba, tập trung huy động mọi nguồn lực và đổi mới cách làm để đẩy nhanh việc triển khai, hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng về năng lượng, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông kết nối giữa các phân khu chức năng của khu kinh tế, khu công nghiệp, khu Thương mại tự do với cảng Quốc tế Liên Chiểu. Phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương liên quan để phát triển hạ tầng kết nối giữa các địaphương trong Vùng và cả nước đến với khu Kinh tế tự do và cảng Liên Chiểu, qua đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược để có các dự án chiến lược. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thành phố cần triển khai đồng bộ việc nghiên cứu Quy hoạch phân khu chức năng 2 bên trục giao thông kết nối để hình thành hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ và đô thị một cách đồng bộ để nâng tầm Khu thương mại tự do và triệt để khai thác cảng Liên Chiểu.
Thứ tư, cùng với những chính sách đặc thù theo Nghị quyết 136 của Quốc hội, Đà Nẵng cần tận dụng cơ hội khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, nhất là ở cấp cơ sở để tăng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, chú trọng xây dựng, hoàn thiện đề án đào tạo, đào tại lại và phát triển nguồn nhân lực,nhất là nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong tương lai.
Thứ năm, về lĩnh vực công nghiệp – thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đà Nẵng thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng xanh, công nghệ số, thân thiện môi trường. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, bao gồm thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Đặc biệt chú trọng khai thác lợi thế của địa phương, có tiềm năng của du lịch quốc tế, trong nước, 5 phương thức vận tải thuận lợi để hút đầu tư vào logistics và đẩy mạnh thương mại điện tử; gắn thương mại với du lịch, gắn thương mại du lịch với phát triển kinh tế ban đêm và xuất khẩu tại chỗ.
Thứ sáu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Đà Nẵng đang có cơ hội “ngàn năm có một”. Vì vậy, Thành phố cần chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thật sự vững mạnh, đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân Đà Nẵng và tương tác, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng để cùng phát triển bền vững; chú trọng làm tốt công tác truyền thông và xúc tiến thương mại, đầu tư cả trong và ngoài nước để “Đại bàng nội, ngoại đẻ trứng” tại đây.

Liên quan đến các kiến nghị của Thành phố đề nghị Bộ Công Thương ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thực hiện cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Nghị định 35/2022/NĐ-CP thì Bộ Công Thương có thể ủy quyền cho BQL khu công nghiệp, khu kinh tế cấp C/O cho hàng hóa sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế khi đáp ứng đủ điều kiện được ủy quyền; tuy nhiên, vìkhu Thương mại tự do là đối tượng mới, nên chưa được nêu trong các quy định hiện hành. Để xử lý vấn đề này, Bộ Công Thương nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về cơ chế ủy quyền, điều kiện ủy quyền và mở rộng đối tượng được ủy quyền cấp C/O để có đủ cơ sở pháp lý cho Bộ ủy quyền cấp C/O cho Thành phố. Trong khi chờ hoàn thiện quy định, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của Thành phố, Bộ Công Thương sẵn sàng tăng cường ngay lực lượng cho Phòng Quản lý XNK khu vực Đà Nẵng hiện nay và di chuyển Phòng này vào Khu Thương mại tự do (nếu Thành phố bố trí được trụ sở) nhằm hỗ trợ việc cấp nhanh các loại C/O ưu đãi cho hàng hóa được sản xuất tại Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và các địa bàn khác.
Đối với kiến nghị về việc xây dựng Trung tâm hỗ trợ công nghiệp cấp vùng tại TP. Đà Nẵng, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện Bộ Công Thương đang được Chính phủ cho phép xây dựng, vận hành 2 trung tâm hỗ trợ công nghiệp phía Bắc và Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và chưa có chủ trương thành lập trung tâm hỗ trợ công nghiệp cấp vùng tại miền Trung. Vì vậy, Bộ Công Thương cam kết sẽ hỗ trợ Đà Nẵng tối đa trong điều kiện có thể để hợp tác với Thành phố trong nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại. Đồng thời đề nghị Thành phố quan tâm tái cơ cấu Trung tâm khuyến công, Phòng Quản lý công nghiệp thuộc Sở Công Thương thành một đơn vị có chức năng hỗ trợ phát triển công nghiệp để có thể phối hợp tốt hơn với 2 Trung tâm hỗ trợ công nghiệp phía Bắc và Nam của Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện chức năng hỗ trợ phát triển công nghiệp – thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương