APEC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhận thấy vai trò ngày càng tăng của thương mại điện tử (TMĐT) trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, APEC đã đặt TMĐT thành một trong những trọng tâm lớn của Chương trình nghị sự năm nay. Việc ra đời Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới như một thành quả của năm APEC 2017, cũng như sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook...) tại Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách cũng như kinh doanh trong bài toán hội nhập hiện nay.
TMĐT xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới (bao gồm giao dịch doanh nghiệp – doanh nghiệp B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Tính riêng về TMĐT B2C, doanh thu TMĐT B2C xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu TMĐT xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020. TMĐT xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.
Nhằm phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới, đóng góp tích cực cho liên kết thương mại và kinh tế khu vực, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng sáng kiến về Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017. Khung Thuận lợi hóa này tập trung vào 5 trụ cột làm việc như sau:
- Hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực;
- Tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới;
- Thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC;
- Thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực;
- Giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong TMĐT xuyên biên giới.
APEC 2017 được đánh giá là năm APEC có vai trò then chốt hướng tới kỷ niệm 20 năm gia nhập APEC của Việt Nam. Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC, là một trong những điểm nhấn của năm APEC 2017 và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; trở thành nguồn động lực cho phát triển kinh tế khu vực.
Việt Nam đang ở đâu trong bức tranh TMĐT khu vực?
Trong suốt những năm qua, Bộ Công Thương đã tập trung, kiên trì xây dựng hành lang pháp lý, ban hành các cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng TMĐT ở Việt Nam. Từ các nghị định, thông tư về TMĐT cho đến các Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT theo từng giai đoạn 5 năm từ năm 2005 cho đến nay đã hình thành nên một hệ thống chính sách xuyên suốt và nhất quán, tạo động lực cho sự phát triển đồng bộ của TMĐT trên quy mô cả nước.
Con số thống kê những năm qua cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25-35%/năm), mức độ phổ cập TMĐT trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực. Cùng với tốc độ phát triển của công nghệ và hạ tầng viễn thông - internet, hoạt động kinh doanh và mua sắm trên môi trường mạng đang trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội. Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển TMĐT do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ đô la Mỹ và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Thị trường TMĐT được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn 2016-2020 dựa trên nền tảng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và mức độ hiểu biết của người tiêu dùng ngày một hoàn thiện. Với lợi thế dân số trẻ, ước tính 30% dân số Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2020; giá trị mua hàng đạt mức trung bình 350 đô la Mỹ. Bên cạnh đó, TMĐT xuyên biên giới phát triển nhanh, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu. Giao dịch TMĐT B2B dự đoán tác động tới 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020 ban hành tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó một nhóm giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là phát triển các hệ thống hạ tầng thiết yếu cho TMĐT, bao gồm hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistic, hệ thống chứng thực cho giao dịch điện tử v.v… hướng tới thiết lập một nền tảng hạ tầng đồng bộ, linh hoạt, hỗ trợ tối ưu nhất cho doanh nghiệp tham gia TMĐT. Bên cạnh đó, Chính phủ đang chú trọng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất kinh doanh mới thông qua Chỉ thị số 16/CT-TTg, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 36a/NQ-CP… Với nỗ lực đó của Chính phủ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng TMĐT và kinh doanh số, thì bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc CMCN 4.0 để bứt phá, sáng tạo và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Doanh nghiệp cần làm gì để đón sóng TMĐT thời gian tới?
Nằm trong khu vực được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất về TMĐT trên thế giới (Năm 2016, doanh số TMĐT B2C của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ước tính đạt 1.000 tỷ USD, chiếm hơn 50% thị trường TMĐT B2C toàn cầu - 1.900 tỷ USD. Tỷ trọng của TMĐT trên tổng doanh thu bán lẻ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng cao hơn các khu vực khác trên thế giới, đạt mức 12,1%), Việt Nam đang đứng trước cả những thuận lợi và thách thức mà vị trí địa lý này mang lại. Bên cạnh nhiều yếu tố, thì xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa cũng đang tác động rất mạnh đến TMĐT Việt Nam, thể hiện ở dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua, và cùng với vốn đầu tư là công nghệ và giải pháp. Dưới tác động đó, các xu hướng phát triển của TMĐT Việt Nam thời gian tới sẽ không nằm ngoài những xu hướng chung của thế giới, cụ thể như:
- Các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học...) sẽ khởi nguồn những hình thái ứng dụng TMĐT mới trong thời gian tới
- Các mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) phát triển mạnh
- Phương thức bán hàng đa kênh (Omni Channel) được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp
- TMĐT xuyên biên giới, cả theo phương thức B2B và B2C, phát triển nhanh
- TMĐT trên di động và thanh toán di động trở nên phổ biến
Nhìn rộng hơn ra bối cảnh nền kinh tế số và những chuyển động của cuộc cách mạng CMCN lần thứ 4, TMĐT là phương tiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực, nâng cao tính cạnh tranh và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số doanh nghiệp cả nước (hơn 90%). TMĐT và công nghệ số đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Yếu tố có vai trò quyết định đối với thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là trình độ khai thác và tiếp cận công nghệ, cũng như phương thức tổ chức hoạt động kinh doanh và mạng lưới kết nối đối tác.
Để cạnh tranh trong môi trường năng động và có hàm lượng công nghệ cao này của nền kinh tế số, doanh nghiệp cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, tránh lối mòn của các doanh nghiệp đi trước. SMEs có lợi thế về tính linh hoạt trong mô hình tổ chức hoạt động và khả năng sáng tạo, học tập cái mới, nhưng có thể còn hạn chế về vốn và năng lực nghiên cứu. Do vậy, việc chủ động trang bị kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, mạnh dạn áp dụng các mô hình TMĐT mới và chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu trên môi trường trực tuyến là những mục tiêu thiết yếu doanh nghiệp SMEs cần hướng tới để phát huy hơn nữa các lợi ích của TMĐT nói riêng cũng như hòa nhập vào dòng chảy của nền kinh tế số nói chung.

Nguồn: Chinhphu.vn/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương