Theo các chuyên gia, phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy đào tạo nghề, tăng cường thông tin về thị trường lao động hiệu quả, tạo việc làm bền vững thực hiện các chính sách an sinh phù hợp, nhằm đảm bảo các tầng lớp xã hội có thể tham gia tích cực vào lực lượng lao động và hưởng lợi từ cuộc cách mạng khoa học thuật - là một trong những hướng ưu tiên của năm APEC 2017 hướng tới tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Đối thoại Chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 - 15/5. Hội nghị sẽ tập trung vào các lĩnh vực tương lai việc làm trong kỷ nguyên số hoá và tự động hoá những hàm ý chính sách dành cho thị trường lao động; các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới; và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số.
Đối thoại sẽ thu hút sự tham dự của các Bộ trưởng các Bộ phụ trách lao động và việc làm đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC; đại diện các Bộ Giáo dục & Đào tạo; các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan trong nước và khu vực tới từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Các nội dung được đưa ra trong các buổi đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ đề cập đến nhiều vấn đề “nóng”.
Liên quan đến vấn đề tương lai việc làm và thị trường lao động, các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau xem xét tác động của công nghệ mới và số hóa trong thế giới việc làm thông qua việc cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 và tác động không đồng nhất đối với các nền kinh tế thành viên APEC.
Cùng với đó, sẽ xem xét các cách tiếp cận chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ khả năng thích ứng của thị trường lao động, công ăn việc làm, phương pháp học tập suốt đời và sự tham gia của lực lượng lao động; xây dựng và đề xuất các biện pháp can thiệp chính sách bao gồm vai trò của các chính sách thay đổi cơ cấu trong việc thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động; xem xét vai trò của thị trường lao động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa và tự động hóa.
Trên phương diện kỹ năng, giáo dục và đào tạo, thông qua đối thoại cao cấp sẽ hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC hiểu rõ hơn về tác động của số hóa đối với giáo dục và các kỹ năng cần thiết nhằm ứng phó với nền kinh tế hiện đại.
Cung cấp các kỹ năng, nêu bật những thách thức và cơ hội cho giáo dục đào tạo, phân hoá các nền kinh tế thành viên dựa trên trình độ phát triển kinh tế; Theo dõi sự phát triển về kỹ năng và dịch chuyển lao động giữa các nền kinh tế thành viên APEC tập trung vào sự cần thiết trong việc thực hiện công nhận kỹ năng và thúc đẩy hội nhập tốt hơn giữa các nền kinh tế thành viên APEC phát triển và kém phát triển hơn.
Về vấn đề về an sinh xã hội, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ cùng nhau xem xét các phương án hỗ trợ phát triển chính sách an sinh xã hội trong thế giới việc làm không ngừng thay đổi; Thúc đẩy sự tiếp cận tới an sinh xã hội của các nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt là người lao động ở nền kinh tế phi chính thức; Khai thác các cơ hội rà soát chính sách việc làm, an toàn vệ sinh lao động căn cứ vào những thay đổi về bản chất của các nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc.
Kết quả dự kiến của Đối thoại sẽ là một văn kiện về Phát triển nguồn nhân lực trong Kỷ nguyên số.
Cùng với Đối thoại cao cấp, từ 11-14/5 sẽ có một số hội thảo bền lề được tổ chức như: Hội nghị về Thông tin thị trường lao động trong Kỷ nguyên số vào ngày 11/5; Hội nghị thúc đẩy An sinh xã hội trong APEC vào ngày 12/5; Hội nghị trù bị cho cuộc Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số dự kiến vào ngày 13/5; Hội nghị Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực HRD WG vào ngày 14/5.
 Nguồn: moit.gov.vn