Tại cuộc tọa đàm, ông Trần Đình Luân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó có 1.240 cơ sở sản xuất giống tôm sú, 510 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, ông Lê Anh Xuân- Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam cho rằng, trên thị trường hiện nay, chất lượng tôm giống không đồng đều, thật giả lẫn lộn. Giá tôm giống mỗi nơi một kiểu.
Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng, giá thành việc xét nghiệm cho tôm còn cao, nhiều nơi hệ thống xét nghiệm chưa chuẩn hóa, dẫn đến kết quả không chính xác, đôi khi gây thiệt hại cho các nhà sản xuất giống.
Để kiểm soát nguồn tôm đạt chất lượng, ông Lê Anh Xuân đề xuất: "Ở góc độ quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên và kiểm tra đột xuất, có nhiều phương pháp kiểm tra để có kết quả nhanh trong 2- 3 tiếng. Ngoài ra, cần sớm phân loại các cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A, B, C để người dân phân biệt được chất lượng giống và giá thành ở các cơ sở sản xuất giống. Ở góc độ người mua, người tiêu dùng nên đến các cơ sở có uy tín có thực hiện kiểm tra trong quá trình nuôi".
Ngoài ra, nhiều người cho rằng, giá thành việc xét nghiệm cho tôm còn cao, nhiều nơi hệ thống xét nghiệm chưa chuẩn hóa, dẫn đến kết quả không chính xác, đôi khi gây thiệt hại cho các nhà sản xuất giống.
Ông Luân cũng khẳng định, đối với vấn đề phân loại cơ sở sản xuất giống đã được cơ quan quản lý làm thường xuyên. Vấn đề hiện nay là cần sản xuất công nghiệp quy mô lớn thì mới quản lý các DN sản xuất tôm. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận các cơ sở sản xuất giống tốt ở các tỉnh thành khác. Vì vậy cần phải tổ chức lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với cơ quan quản lý chọn tôm giống chất lượng, liên kết sẽ giảm chi phí đầu vào khi mua với số lượng lớn. Đây là một trong những điều kiện để người nuôi tiếp cận được tôm chất lượng.
“Với sự chỉ đạo tích cực của Ban chỉ đạo cùng DN, nhà khoa học, trong 5-10 năm tới chúng ta sẽ chủ động được nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước”, ông Luân nhấn mạnh.
Giải thích về giá thành xét nghiệm tôm, ông Luân cũng cho biết, chi phí xét nghiệm đã có quy định khung của Nhà nước, cơ sở xét nghiệm không thể tự đưa ra chi phí. Tuy nhiên chi phí này còn tùy thuộc số lượng mẫu đưa ra xét nghiệm. Nếu xét nghiệm hàng trăm ngàn con, hàng triệu con, chi phí sẽ rất thấp. Trong khi đó, bà con nhập giống với số lượng ít, khoảng 100.000- 200.000 con thì chi phí xét nghiệm sẽ cao.
"Giải pháp gỡ khó là công ty sản xuất giống nên chủ động xét nghiệm trước khi đưa đến tay người nuôi. Cùng với đó, bà con nên liên kết theo mô hình hợp tác xã để mua lượng giống đủ lớn thì chi phí sẽ giảm. Đồng thời, sự liên kết trong sản xuất cũng giúp tiếp cận nguồn giống tốt, mua vật tư không phải qua trung gian, loại bỏ được nỗi lo về giá thành đầu vào cao hiện nay và dịch bệnh"- ông Luân nói.
Đặc biệt, đối với các DN sản xuất tôm giống, "Bộ NN&PTNT cũng tăng cường thanh tra đột xuất đối với vật tư đầu vào, chế phẩm thuốc, hóa chất để đảm bảo từng bước ngăn chặn làm giả kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất của người nuôi. Đồng thời, bộ cũng sẽ thanh tra đột xuất để làm rõ thông tin cơ sở nào làm giả, kém chất lượng"- ông Luân nhấn mạnh./.

Tại Hội nghị phát triển ngành Tôm Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức trước đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, về mặt quản lý và khoa học, ngành Tôm có thể trở thành ngành mũi nhọn của đất nước với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025.

Nguồn: Phúc Nguyên/Thời báo tài chính Việt Nam