Chỉ nhìn những con số trên, nếu chạy theo năng suất, lợi nhuận, việc bỏ giống tỏi "ta" để trồng giống "tây" không phải là chuyện khó. Trên thực tế, ngành nông nghiệp đã chứng kiến quá nhiều sự biến mất giống nông sản đặc trưng của nhiều địa phương.
Nhà nông học Lê Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nông học, Đại học Nông lâm Huế - từng ví dụ, Việt Nam bao đời có các giống lạc địa phương nức tiếng như lạc cúc ở Nghệ An – Hà Tĩnh, lạc giấy ở Huế, hay lạc đỏ Bắc Giang. Những dòng lạc quý hạt nhỏ, thơm bùi ấy, dù vị ngon vượt trội nhưng nay đã không còn hoặc đang mất dần trước sức ép của các giống lạc Trung Quốc hạt to, năng suất cao.
Hay giống lúa de An Cựu (Huế) cũng biến mất vĩnh viễn và chỉ còn được lưu giữ giống tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) Philippines. Theo ông Dũng, các giống gen quý của dân tộc biến mất là do một số doanh nghiệp nhập các giống ngoại vào. Hậu quả là những giống thuần Việt chất lượng cao dần biết mất.
Không chỉ lo về giống, nhiều chuyên gia còn lo ngại đặc biệt về việc gìn giữ thương hiệu tỏi Lý Sơn. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Nguyễn Văn Kết băn khoăn: Cùng trồng tại một nơi, khi xuất khẩu và tiến hành truy xuất nguồn gốc, liệu các doanh nghiệp Nhật có bảo đảm rằng thương hiệu tỏi Lý Sơn và tỏi voi là khác nhau. Hay ngay tại thị trường nội địa, rất có thể sẽ xảy ra chuyện nhầm lẫn giữa thương hiệu tỏi Lý Sơn và tỏi voi Nhật trồng ở Lý Sơn. Bởi vậy, ông Kết cho rằng, nếu Lý Sơn đủ năng lực để phát triển tỏi bản địa thì không cần phải hợp tác để phát triển một giống tỏi ngoại lai.
Mảnh đất nhỏ Lý Sơn từ lâu nay đã sản sinh ra giống tỏi dù sản lượng khiêm tốn nhưng nức tiếng trong ngoài nhờ chất lượng, trở thành một thương hiệu nông sản của cả quốc gia. Nhưng nếu phải sống trong cuộc cạnh tranh về năng suất, lợi nhuận, thương hiệu tỏi Lý Sơn liệu có còn?

Nguồn: baocongthuong.vn