Công ty Gốm sứ mỹ nghệ XK Quang Vinh (Hà Nội) là DN có nhiều kinh nghiệm XK hàng hóa sang các quốc gia như Mỹ, EU… Vài năm trở lại đây, tận dụng cơ hội giảm thuế mạnh, công ty đã bắt đầu quan tâm tới thị trường một số nước trong khu vực ASEAN. Sau nhiều nỗ lực thâm nhập thị trường, đến nay, sản phẩm gốm, sứ mỹ nghệ của công ty đã có mặt tại Lào. Dù kim ngạch XK còn khiêm tốn do thị trường này không quá rộng lớn, nhưng đây là bước đệm đầu tiên đưa các sản phẩm của công ty thâm nhập vào các thị trường khác của Đông Nam Á.
Cũng đón đầu cơ hội từ việc giảm thuế, trong những năm qua, Công ty Đại Đồng Tiến đã đẩy mạnh XK mặt hàng gia dụng vào khu vực ASEAN. Hiện, sản phẩm của công ty đã có mặt tại một số nước như Thái Lan, Myanmar… và bắt đầu được người tiêu dùng chấp nhận. Doanh số từ khu vực thị trường này cũng gia tăng đáng kể.
Cùng với hai DN kể trên, nhiều DN khác cũng mở rộng cơ hội XK hàng hóa sang khu vực ASEAN. Theo Bộ Công Thương, nhiều năm qua, ASEAN là một trong những thị trường trọng điểm của hàng hóa Việt. Với việc thành lập AEC, hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN đã được dỡ bỏ. Hiện, tỷ lệ bãi bỏ thuế quan ở các nước ASEAN-6 là 98%; của Việt Nam, Lào và Myanmar là 91% và đang phấn đấu đạt tỷ lệ 98% vào năm 2018. Nhờ đó, các DN sẽ được hưởng những yếu tố tích cực qua việc tăng khối lượng trao đổi thương mại, thay đổi cơ cấu XK, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng XK và tăng kim ngạch XK, mở rộng thị phần…
Cơ hội từ giảm thuế giúp lượng hàng hóa Việt Nam XK vào ASEAN ngày một tăng lên. Ngoài dầu thô và gạo là các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam vào thị trường ASEAN thì hiện có rất nhiều mặt hàng khác cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường và được người tiêu dùng các nước ASEAN ưa chuộng, như: Dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại… Đặc biệt, bước qua đà giảm liên tục của năm 2016, trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng hàng hóa của DN Việt Nam XK sang thị trường ASEAN đạt 2,9 tỷ USD, tăng 15,9%.
Dù có tiềm năng lớn nhưng để đẩy mạnh XK vào ASEAN không hề dễ bởi hàng hóa Việt phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của các nước khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Để hàng hóa Việt thâm nhập sâu thị trường ASEAN, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh đầu tư đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, DN phải nắm rõ thị trường; đồng thời nỗ lực kết nối để xây dựng kênh phân phối riêng tại các thị trường. Đặc biệt, cần quan tâm nhiều đến những hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tầm quốc gia cũng như hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô nhóm hàng hóa để giúp DN kết nối, giao thương tốt hơn với các thị trường tiềm năng tại khu vực ASEAN.
Bằng những nỗ lực lớn trong việc nâng cao chất lượng, cập nhật xu hướng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng khu vực ASEAN, nhiều thương hiệu Việt đã dần quen thuộc với người tiêu dùng các nước lân cận như: Bóng đèn Điện Quang, thép Hòa Phát, bánh kẹo Bibica, cân Nhơn Hòa, bút bi Thiên Long, nước ngọt Bidrico, tương ớt Cholimex…
Nguồn:Bảo Ngọc/Báo Công Thương điện tử