Nhiều thuận lợi
Ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, với tổng dân số khoảng 30 triệu dân, Australia và New Zealand là thị trường tương đối lớn. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thu nhập bình quân đầu người của 2 nước này rất cao, lên đến 40.000 – 50.000 USD/năm, cho thấy sức mua của 2 thị trường này rất tốt.
Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 13,9 tỷ USD, giảm gần 12% so với năm 2022 do tác động của bối cảnh chung của thương mại toàn cầu. Với thị trường New Zealand, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5,6%. Đáng chú ý, theo ông Kiên, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Australia, New Zealand có tính tương hỗ. Các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang 2 thị trường này đều có lợi thế cạnh tranh tốt.
Ông Kiên cũng cho biết, năm 2023, Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập từ năm 2018. Hai nước cũng đang thúc đẩy nâng cấp quan hệ ngoại giao lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Điều này sẽ là động lực hỗ trợ quan trọng cho cộng đồng DN tại Australia.
Bà Cao Thanh Diệp, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng đánh giá, tiềm năng hợp tác giao thương và đầu tư giữa Việt Nam và Australia hiện vẫn còn rất lớn và đang chờ DN hai bên tiếp tục khai thác. Để thúc đẩy việc kết nối, hỗ trợ DN 2 bên tiếp cận thị trường của nhau, Australia và Việt Nam đã cùng thống nhất Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia (EEES) vào năm 2021 với mục tiêu đưa hai nước trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nhau cũng như sẽ tăng gấp đôi đầu tư 2 chiều. Theo đó, bộ, ngành 2 nước đang tập trung triển khai các hoạt động hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên như: giáo dục, biến đổi khí hậu và năng lượng, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, chuyển đổi số...
Ở bình diện khu vực Đông Nam Á, bà Diệp cho biết, vào tháng 9/2023, Thủ tướng Australia đã công bố Chiến lược Kinh tế Australia đối với Đông Nam Á đến năm 2040 và Việt Nam có vai trò trung tâm trong chiến lược này cùng với một kế hoạch hành động dành riêng cho Việt Nam. Chiến lược đã đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo nước Australia và các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và khai thác được tối đa tiềm năng hợp tác kinh tế trong thời gian tới.
Đặc biệt, để hỗ trợ DN tận dụng FTA, bà Diệp cũng tiết lộ, Chính phủ Australia đang xây dựng một chương trình ODA hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam và dự kiến sẽ dành một phần ngân sách để triển khai những hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao hiểu biết về FTA, nâng cao năng lực cũng như tăng khả năng cho DN Việt Nam trong việc tận dụng lợi ích của các FTA mà cả Australia và Việt Nam đều là thành viên. Chương trình hỗ trợ sẽ kéo dài trong 7 năm từ nay đến năm 2030.
Với thị trường New Zealand, theo ông Kiên, các DN Việt Nam cũng cơ thuận lợi từ cơ chế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand thông qua kỳ họp Ủy ban về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và New Zealand tổ chức 2 năm một lần.
Những lưu ý cho doanh nghiệp
Những tiềm năng về thị trường cùng lợi thế từ các chính sách thúc đẩy của Chính phủ các bên mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa Việt Nam tại 2 thị trường Australia và New Zealand. Tuy nhiên, để biến những cơ hội này thành con số kim ngạch thật sự, ông Kiên khuyến nghị các DN cần lưu ý một số điểm. Theo đó, dù có quy mô thị trường lớn, nhưng dân số lại trải dài trên diện tích rất rộng lớn nên vấn đề chi phí logistics là bài toán mà DN cần tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, mặc dù khách hàng tại 2 thị trường này sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng, nhưng vẫn có sự so sánh giá giữa các nhà cung cấp. Khách hàng cũng quan tâm tới chính sách đổi trả hàng nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, hàng hóa tại 2 thị trường này cũng phải cạnh tranh với hàng từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Từ những đặc điểm này, ông Kiên cho rằng các DN cần cố gắng thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Cụ thể, cần tìm hiểu tiêu chuẩn của thị trường để thay đổi, đáp ứng, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc xây dựng nguồn nhân lực cũng rất quan trọng để nắm bắt thông tin thị trường, nghiên cứu, khai thác những ưu đãi, những lợi thế mang lại cho DN từ các FTA thế hệ mới. Các DN cũng cần xây dựng chuỗi liên kết để cải thiện năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bổ sung thêm, bà Cao Thanh Diệp cho rằng, việc xây dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng DN địa phương, tham gia vào những tổ chức hiệp hội nghề, những sự kiện xúc tiến thương mại tại Úc cũng sẽ rất hữu hiệu. Điều sẽ giúp DN tìm hiểu thêm về đối tác cũng như thị trường và mở rộng mạng lưới của mình tại thị trường này khi vẫn còn ít nhiều xa lạ.
Bên cạnh đó, công nghệ và sáng tạo là yếu tố mà DN nên cân nhắc nghiêm túc trong quá trình tiếp cận thị trường Australia. Bởi thị trường Australia rất ưa chuộng và có phản hồi rất tích cực đối với những sản phẩm hoặc giải pháp công nghệ để có thể giúp tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hướng tới sự bền vững.
Ngoài ra, việc liên kết và xây dựng quan hệ đối tác với DN Australia cũng rất quan trọng và mang tính chiến lược. Điều này sẽ giúp DN Việt Nam có thêm cánh tay nối dài cả về thông tin thị trường, mạng lưới liên kết chuỗi cung ứng, dữ liệu khách hàng. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu, khi DN Việt Nam mới tiếp cận thị trường này, việc có đối tác với DN tại đây sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất khẩu, đầu tư trước khi DN có thể tự thiết lập được pháp nhân độc lập tại đây.